Hạ viện Mỹ trao quyền đàm phán nhanh cho Tổng thống Obama

Nỗ lực thúc đẩy Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 18/6 đã đón nhận thêm một bước tiến mới khi Hạ viện nước này bỏ phiếu thông qua riêng rẽ dự luật về Quyền Thúc đẩy Thương mại (TPA), còn gọi là quyền đàm phán nhanh, mà không gắn kèm dự luật Hỗ trợ Điều chỉnh Thương mại (TAA).

Nỗ lực thúc đẩy Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 18/6 đã đón nhận thêm một bước tiến mới khi Hạ viện nước này bỏ phiếu thông qua riêng rẽ dự luật về Quyền Thúc đẩy Thương mại (TPA), còn gọi là quyền đàm phán nhanh, mà không gắn kèm dự luật Hỗ trợ Điều chỉnh Thương mại (TAA).

Quốc hội Mỹ cho biết dự luật TPA đã được thông qua với tỷ lệ sít sao 218 phiếu thuận và 208 phiếu chống.

Động thái này cho thấy các nỗ lực vận động hành lang của Chính quyền Obama những ngày qua đã mang lại kết quả vì TPA được thông qua một cách độc lập, chứ không gắn kèm vào gói dự luật bao gồm cả dự luật TAA, vốn bị các nghị sỹ Dân chủ phủ quyết hồi cuối tuần trước vì cho rằng dự luật không đủ mạnh để hỗ trợ những lao động Mỹ mất việc làm vì TPP.

Các nhà lãnh đạo hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Hạ viện đã có những nhượng bộ khi thống nhất phương án tách TPA và TAA thành hai dự luật riêng rẽ để tiến hành bỏ phiếu.

Trong cuộc bỏ phiếu này, chỉ có 28 Hạ nghị sỹ Dân chủ bỏ phiếu ủng hộ thông qua TPA, trong khi có tới 158 Hạ nghị sỹ Dân chủ và 50 nghị sỹ Cộng hòa bỏ phiếu chống.

Các nghị sỹ Cộng hòa bày tỏ tin tưởng việc Hạ viện đẩy nhanh thời điểm bỏ phiếu về TPA trước thời hạn 30/7 cho thấy nhiều khả năng những người ủng hộ dự luật này sẽ vận động được đủ số phiếu để thông qua cả TPA và TAA.

Chủ tịch Hạ viện, Hạ nghị sỹ John Boehner tuyên bố: “Chúng tôi cam kết sẽ thông qua cả hai dự luật về quyền thúc đẩy thương mại và hỗ trợ điều chỉnh thương mại để trình tổng thống ký ban hành”.

Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest nói rằng dù tách độc lập thành hai dự luật, TPA bỏ phiếu trước và sau đó là TAA, song Tổng thống Obama sẽ không ký TPA nếu không có TAA.

Tuy nhiên, dù Hạ viện đã thông qua riêng rẽ TPA song Tổng thống Obama một lần nữa chưa thể ký ban hành thành luật vì phiên bản dự luật vừa vượt qua “ải” Hạ viện không giống với phiên bản gói dự luật Thượng viện Mỹ thông qua cuối tháng trước, vốn bao gồm cả TPA và TAA. Do đó, phiên bản dự luật TPA này sẽ phải gửi lại Thượng viện để tiến hành bỏ phiếu, dự kiến trong tuần tới.

Phát biểu trước báo giới, Thủ lĩnh phe thiểu số tại Hạ viện Nancy Pelosi cảnh báo bà không tin lưỡng viện Quốc hội Mỹ sẽ thông qua cả hai dự luật và con đường phía trước của dự luật TAA là rất mờ mịt.

Đến nay, phần lớn các nghị sỹ Dân chủ tại Thượng viện vẫn phản đối phương án tách TPA với TAA thành hai dự luật riêng rẽ.

Tổng thống Obama đang dồn toàn lực để thuyết phục các nghị sỹ của Đảng Dân chủ ủng hộ trao cho ông TPA. Việc TPA được thông qua sẽ mở đường cho Tổng thống Obama toàn quyền xúc tiến các cuộc đàm phán TPP với 11 quốc gia đối tác.

Sau khi các cuộc đàm phán hoàn tất, Quốc hội Mỹ chỉ có quyền phê chuẩn hoặc phủ quyết, chứ không có quyền sửa đổi hay bổ sung các điều khoản của hiệp định.

Nếu không có TPA, các cuộc đàm phán TPP sẽ bị kéo dài bởi 11 đối tác trong TPP, nhất là Nhật Bản và Canada, lo ngại sau khi ký kết, TPP có thể sẽ bị Quốc hội Mỹ điều chỉnh hoặc sửa đổi./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại