Nhận định trên do chuyên gia phân tích quân sự Mỹ James Carafano thuộc Viện nghiên cứu chính trị quốc tế Heritage Foundation đưa ra trên tạp chí The National Interest.
Theo James Carafano, việc cử lực lượng đặc nhiệm Mỹ đến Syria và chuẩn bị thực hiện chiến dịch trên bộ ở Syria là “chiếc cầu chẳng dẫn đến đâu cả”.
James Carafano nhận định rằng không có bất cứ nhà sử học có uy tín nào có thể phát hiện được điều gì đó để có thể khen ngợi chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của ông Obama.
“Họ (các nhà sử học) sẽ phải mất nhiều năm để tìm ra câu hỏi cho câu trả lời tại sao ông Obama lại hành động như vậy”- James Carafano mỉa mai.
Theo James Carafano, việc ông Obama quyết định cử khoảng 50 lính đặc nhiệm đến Syria có thể sẽ trở thành một chủ đề quan trọng cho các nhà sử học nghiên cứu.
Theo đó, việc cử một lực lượng như vậy sẽ chẳng thể tạo ra đột biến gì cho quá trình giải quyết xung đột ở Syria. Nhiệm vụ của các lực lượng đặc nhiệm là tiến hành “các chiến dịch quân sự đặc biệt”.
Tuy nhiên, ngay cả khi các chiến dịch này thành công thì cũng sẽ chỉ tạo ra những ưu thế tạm thời - ví dụ như việc loại trừ trùm khủng bố Osama Bin Laden, hoặc đây chỉ là bước chuẩn bị cho chiến dịch có quy mô lớn hơn.
Việc loại bỏ sự kiểm soát của IS tại Iraq được coi là một nhiệm vụ chiến lược quan trọng sống còn của Mỹ ở Trung Đông. Nhiệm vụ này đòi hỏi Mỹ phải có nhiều nỗ lực và chi phí hơn nữa so với những gì nước này đang thực hiện.
Do đó, theo James Carafano, việc chỉ cử số ít lính đặc nhiệm đến Syria sẽ không thể giải quyết được vấn đề gì.
Theo James Carafano, Chính phủ của ông Obama chưa cho thấy họ đang có chiến lược nghiêm túc tại Syria nên việc cử lực lượng đặc nhiệm đến Syria chẳng qua là nỗ lực để ông Obama “ngồi ghế Tổng thống đến hết nhiệm kỳ”.
Tổng thống Obama đã thực sự “lạc đường” và sự sai lầm này khiến Mỹ và đồng minh đang phải trả giá đắt. Hiện các lực lượng khủng bố đang sở hữu nhiều lãnh thổ, nhiều nguồn lực nhân sự và tiền bạc hơn so với giai đoạn ông Obama mới lên nắm quyền.
Do đó, lực lượng này đã tăng cường được sự hiện diện của mình trên toàn thế giới, thúc đẩy làn sóng nhập cư vào châu Âu.
James Carafano kết luận rằng: Hoặc vì sợ hãi, hoặc là vì tự cao, hoặc vì bất lực nên ông Obama đang theo đuổi chính sách “ngoằn ngèo” và đây đã là điều quen thuộc đối với ông Obama khi thực hiện chính sách ở Trung Đông.
Trước đó, James Carafano đã bị Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ trích khi công bố bản báo cáo “Giải mã tiềm lực quân sự Mỹ” ở Hertiage Foundation. Theo đó, tiềm lực quân sự Mỹ hiện đang trong giai đoạn suy thoái.
Theo James Carafano, những đánh giá về tiềm lực quân sự Mỹ rất dễ hiểu cả đối với “những đứa trẻ trong nhà trẻ” nhưng lại là “khó hiểu” đối với giới lãnh đạo quân sự Mỹ.
Được biết, James Carafano không phải là nhà phân tích quân sự Mỹ duy nhất chỉ trích các chính sách và chiến lược quân sự của nước này.
Cụ thể, các chuyên gia Eric Gepner và Trevor Trell thuộc Viện Caton đã viết một bài báo cho tạp chí The Guardian để bày tỏ quan điểm cho rằng Syria có thể trở thành một “Việt Nam thứ hai” đối với Mỹ nếu như giới quân sự Mỹ không chịu rút ra những bài học thất bại từ quá khứ.
“Giới quân sự Mỹ không thể buộc các nước khác thực hiện nền dân chủ kiểu Mỹ, không thể sử dụng sức mạnh để buộc người dân thực hiện các cuộc lật đổ. Chỉ chính phủ các nước này mới có thể thực hiện các thay đổi chính trị nếu như họ muốn điều đó.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều bài học mà Việt Nam đã dạy cho chính quyền Mỹ nếu như họ sẵn sàng tiếp thu”- The Guardian nhận định.