Thế giới trong năm 1989
Năm 1989, thế giới chứng kiến những thay đổi chấn động. Vào tháng 11, Bức tường Berlin sụp đổ.
Ngày 2 và 3/12 diễn ra cuộc đàm phán giữa Tổng thống Mỹ George Bush cha và Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev – dấu hiệu của sự chấm dứt Chiến tranh Lạnh.
Sau đó 2 ngày, Putin đứng đối diện với đám đông người biểu tình tại Dresden.
Anh sĩ quan nhỏ bé một mình đối mặt đám đông biểu tình
Đêm ngày 5/12/1989 là một đêm giá lạnh. Đám đông khoảng 5.000 người tập trung trước cửa Bộ An ninh quốc gia CHDC Đức tại Dresden đang vô cùng tức tối.
Bức tường Berlin - biểu tượng của Chiến tranh Lạnh - mới sụp đổ được 1 tháng. Mọi người xuống đường biểu tình để đòi dân chủ...
“Trả lại hồ sơ thông tin cho chúng tôi!” - những người biểu tình phẫn nộ la hét. Họ bắt đầu trèo lên tường vào trong. Sau đó ít lâu, cơ quan này đã bị họ kiểm soát mà không phản kháng.
6 tiếng đồng hồ sau đó, có người trong đám đông biểu tình đề xuất chiếm cả tòa nhà của KGB. 15 người đã đi về hướng văn phòng KGB cách đó khoảng 100m.
Trong số đó có Zigfrid Danats - kỹ sư của một viện nghiên cứu khoa học nhà nước vào thời đó.
“Vì thấy chúng tôi dễ dàng chiếm tòa nhà Bộ An ninh quốc gia nên mọi người đều tin rằng sẽ chiếm được cả tòa nhà văn phòng của KGB” - Zigfrid kể lại.
Dù màn đêm đã buông xuống, bên trong tòa nhà bằng bê tông kiên cố của KGB vẫn sáng đèn như thường lệ.
Khi nhóm biểu tình tiến về phía cánh cửa sắt cao khoảng 1m thì họ nhìn thấy các nhân viên bảo vệ vội vàng chạy vào trong.
Sau đó một lúc, một người đàn ông hơi gầy, chiều cao trung bình bước ra. Nếu như người đàn ông này không mặc quân phục thì không ai nghĩ rằng đó là sĩ quan quân đội.
Người đàn ông tiến đến gần cánh cổng và nói với đám đông đã mệt nhoài vì la hét - “Mọi người nên bỏ ngay suy nghĩ có thể đột nhập được vào đây.
Tôi đã ra lệnh cho các đồng chí có vũ trang bảo vệ nơi này. Tôi nhắc lại một lần nữa: Mọi người hãy về đi”.
Quân nhân đứng bên cạnh người đàn ông này đang lăm lăm khẩu súng trên tay, nói lên một điều rằng anh ta sẵn sàng nổ súng nếu như đám đông cố tình đột nhập vào bên trong.
Dù có giọng nói có đôi chút "lơ lớ" nhưng người đàn ông mặc quân phục nói tiếng Đức rất chuẩn xác. Ông nói nhỏ nhưng rất cương quyết. Zigfrid cảm thấy đúng là người lính cầm súng có thể bóp cò.
Putin trong quân phục sĩ quan, thời còn phục vụ KGB
Đám đông biểu tình hết sức ngạc nhiên trước lời cảnh cáo. Họ thoáng chút hoảng sợ và ngay lập tức bỏ đi.
Cuộc nói chuyện đó chỉ kéo dài vẻn vẹn 5 phút, tuy nhiên viên sĩ quan này đã tạo nên một ấn tượng rất mạnh đối với Zigfrid.
Khi các phương tiện truyền thông đưa tin về người kế nhiệm của Tổng thống Yeltsin, Zigfrid mới biết người đàn ông nhỏ con đó chính là Tổng thống Nga sau này - Vladimir Putin.
Zigfrid mô tả Putin như sau - “Một sĩ quan không có vũ trang đã dùng lời nói của mình để bắt đám đông phải rút lui. Điều đó nói lên rằng anh ta có một quyền lực vô hình trước mọi người”.
Putin - khi bắt đầu vào KGB vào năm 1975 - chưa từng có ý định làm việc ở nước ngoài. Thế nhưng, từ năm 1985 đến hết năm 1990, ông lại công tác tại văn phòng của cơ quan này tại Dresden, chuyên thu thập thông tin về NATO.
Ông sống với vợ cùng hai cô con gái. Ông cũng thường lui tới quán bar yêu thích và cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa.
Tuy nhiên mọi thứ bất ngờ thay đổi.
Hiện giờ, tòa nhà màu trắng của KGB trước đây là một cơ sở giáo dục về triết học. Để xóa đi hình ảnh KGB một thời, bức tường cao 2m đã được thay thế bằng một hàng rào thấp hơn.
Khi tôi (Akiyoshi Komaki) đến đó, tại khu cầu thang lên xuống mà cách đây 25 năm (1989) Putin đã bước xuống và đi về phía đám đông người biểu tình, bây giờ chật kín sinh viên.
Khi biết tôi là nhà báo, họ đã mời tôi vào bên trong. Từ cửa sổ của căn phòng lớn trên tầng 1, có thể thấy rõ cánh cổng khi xưa nhóm người biểu tình đứng tập trung phía trước.
Bộ An ninh quốc gia của CHDC Đức - nằm cách đó không xa - bị người biểu tình chiếm đóng trong vòng vài giờ đồng hồ. Có thể khi đó Putin và những đồng nghiệp của ông cũng đứng nhìn từ ô cửa này.
Putin gần như không chia sẻ về những gì xảy ra vào ngày hôm ấy.
Một ngoại lệ hiếm hoi là trong cuộc trả lời phỏng vấn công bố vào năm 2000, sau khi ông trở thành Tổng thống, có một vài lời về câu chuyện hôm đó - “Đám đông đã bao vây tòa nhà của chúng tôi. Mối đe dọa rất nghiêm trọng.
Không ai muốn bảo vệ chúng tôi. Chúng tôi đã sẵn sàng chuẩn bị hành động trong khuôn khổ các hiệp định giữa những cơ quan của Liên Xô và CHDC Đức.
Chúng tôi đã bắt buộc phải chứng minh cho đám đông thấy được sự sẵn sàng của mình. Điều này đã tạo được ấn tượng cần thiết. Trong một khoảng thời gian nhất định”.
“Chứng tỏ sự sẵn sàng hành động” - những lời nói đó của ông Putin hằn sâu vào tâm trí Zigfrid.
Putin, thời hoạt động ở Đức
Trong cuộc trả lời phỏng vấn ông Putin nói “chúng tôi”. Tuy nhiên trên thực tế, trong số tất cả các nhân viên KGB có mặt bên trong tòa nhà văn phòng KGB hôm đó chỉ có duy nhất Putin bước ra và đi về phía đám đông người biểu tình.
Tại Praha, tôi đã gặp ông Vladimir Usoltzev, người từng làm việc cùng Putin tại Dresden. Ông chia sẻ với tôi - “Ngày hôm đó tôi không có ở Dresden. Khi những đồng nghiệp kể lại cho tôi về những gì xảy ra, tôi không hề ngạc nhiên.
Putin là một con người dũng cảm. Tôi biết cậu ấy là một người lính thực thụ.
Nếu như bạn không có thần kinh thép và sự quyết đoán thì bạn không thể đơn độc nói chuyện với đám đông nhăm nhe đột nhập tòa nhà. Có thể, đó là lần đầu tiên cậu ấy thể hiện đúng bản chất của mình”.
Theo lời ông Usoltzev, Putin lăm lăm súng trong tay cảnh báo rằng chính ông sẽ bắn kẻ nào định trèo tường vào trong.
Điều này không giống với những gì Zigfrid kể lại (Putin đứng cạnh một người lính cầm súng). Nhưng những lời kể của họ giống nhau ở một điểm: Putin một mình đã giải tán được nhóm người biểu tình.
Mối đe dọa tan rã đất nước
Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, Putin cùng với các đồng nghiệp của mình tập trung tiêu hủy các tài liệu mật. Có thể thấy rõ rằng CHDC Đức đã đến ngày kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình.
Khi những người biểu tình xuất hiện cũng là lúc các nhân viên đang hủy tài liệu. Chính bởi vậy không thể để cho họ lọt vào bên trong.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn ông Putin chia sẻ - “Chúng tôi tiêu hủy tất cả mọi thứ. Địa chỉ, thông tin liên lạc. Tôi đốt rất nhiều tài liệu đến mức cái lò còn phát nổ. Chúng tôi đốt tài liệu ngày và đêm.
Tất cả những gì tôi tạo dựng được khi còn là nhân viên KGB đều mất hết giá trị, tất cả những tài liệu đó bỗng dưng trở thành mối đe dọa đến an ninh."
Sau khi nhóm người biểu tình bỏ về, Putin đã gọi điện xin lực lượng quân đội Liên Xô có mặt tại CHDC Đức trợ giúp.
Họ trả lời ông rằng họ không thể giúp gì được nếu chưa có chỉ đạo từ Moscow. Nhưng Moscow vẫn im lặng. Vào lúc đó, ông Putin linh cảm rằng cái kết dành cho Liên Xô cũng đã tới gần.
Sự sụp đổ của một đất nước mà không ai có thể nghĩ đến lại có thể xảy ra. Đám đông người biểu tình đầy phẫn nộ. Chính những sự kiện xảy ra tại Dresden đã đóng vai trò quyết định tương lai sau này của ông Putin.
“Ở Dresden, Putin đã chứng kiến hình ảnh một đám đông đang tức giận chính quyền khiến một đất nước và cuộc sống yên ả của ông bị sụp đổ. Điều này phần nào đã khiến ông bị tổn thương.
Mỗi lần khi đám đông thể hiện sự phản đối, trước mắt Putin lại hiện ra ký ức Dresden.
Và điều đó giải thích tại sao ông chấp nhận áp dụng các biện pháp cứng rắn đối với tổ chức biểu tình tại Nga và cuộc khủng hoảng tại Ukraine” - trưởng đại diện Văn phòng tạp chí Focus của Đức tại Moscow Boris Raytshuster chia sẻ.