Giải quyết khủng hoảng với Nga, Mỹ nên coi Ukraine như Georgia?

Minh Thu |

Lời khuyên được cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush đưa ra với Georgia trong việc giải quyết xung đột với Nga hồi năm 2008 được xem là tấm gương để Tổng thống Obama học tập nhằm tránh leo thang căng thẳng với Moscow vì Ukraine.

Ông Paul J. Saunders, cựu cố vấn cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ và chính trị gia dưới thời Tổng thống George W. Bush nhấn mạnh vào tháng 8/2008, khi Nga chuẩn bị điều quân đi qua đường hầm Roki nối liền Liên bang Nga với Nam Ossetia, chính quyền của Tổng thống Bush đã nói với Tổng thống Georgia Mikheil Saakashvili lúc bấy giờ rằng: "Đừng để bị rơi vào cái bẫy đã giăng sẵn, đừng đối đầu với quân đội Nga".

Bởi theo Mỹ, đối đầu với Nga, Georgia sẽ phải tham gia một cuộc chiến tổng lực và kết quả chắc chắn là bị đánh bại.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Georgia đã phớt lờ lời cảnh báo từ phía Mỹ. Hậu quả, Georgia phải hứng chịu thất bại nặng nề trong cuộc chiến kéo dài chỉ có 5 ngày.

Theo tạp chí National Interest, trong hoàn cảnh hiện nay, một số chuyên gia nhận định liên quan tới chủ đề Ukraine, Mỹ nên có cách tiếp cận khác với hiện tại.

Nói cách khác, chính quyền Obama nên khuyến khích Kiev ngừng đối đầu với hành động sáp nhập bán đảo Crimea của Moscow.

Song không ít người cho rằng tình hình chiến sự ở Ukraine sẽ leo thang dù có hay không sự hỗ trợ vũ khí sát thương từ Mỹ.

Một số khác có quan điểm cho rằng Mỹ nên cố hết sức để Ukraine không bị rơi vào một cuộc chiến mở rộng bởi đây là điều mà cả Washington và Kiev không mong muốn.

Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất trong cuộc khủng hoảng Ukraine là việc các nhà lãnh đạo châu Âu muốn thúc giục "Tổng thống Putin ngừng ngay hành động can thiệp" nhưng lại chờ đợi một người khác làm việc này.

Trong khi đó, các quốc gia thành viên mới của NATO tại Trung Âu đang hối thúc Mỹ hỗ trợ vũ khí cho Ukraine nhưng bản thân họ lại né tránh giúp Kiev do thiếu hụt nguồn ngân sách quốc phòng.

Điển hình, chính phủ các nước Tây Âu muốn Mỹ nắm giữ vị trí đầu tàu nhưng không muốn nối gót Washington trong việc chi hầu bao.

Liên minh châu Âu (EU) hiện đang hỗ trợ Ukraine số tiền chỉ chưa bằng 1% khoản chi viện mà họ đã trao cho Hy Lạp.

Nguyên nhân là do nền kinh tế Ukraine mới chỉ bằng hơn một nửa so với Hy Lạp và Ukraine cũng không phải là thành viên chính thức của EU.

Dù dân số của Ukraine lớn gấp 4 lần so với Hy Lạp nhưng đối với nhiều quan chức châu Âu, số phận của Athens quyết định sự sống còn của châu Âu.

Trong khi đó, nhiều chính trị gia Mỹ bao gồm cả những quan chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Obama, sẵn sàng ủng hộ viện trợ vũ khí cho quân đội Kiev nhưng không sẵn lòng đưa bộ binh tới chiến đấu ở Ukraine.

Nói cách khác, Mỹ hiện chuẩn bị sẵn mọi phương án để đối phó với Tổng thống Putin vì "người Ukraine cuối cùng".

Đây là lý do gần đây, một bản đề xuất được trình lên Quốc hội Mỹ với mục đích kêu gọi chuyển số vũ khí trị giá 60 triệu USD trong tổng giá trị hỗ trợ 300 triệu USD cho Ukraine.

Câu hỏi đặt ra là liệu các chính trị gia "hiếu chiến" ở Mỹ có buộc được chính quyền nước này phải chi 60 triệu USD và kéo các quốc gia châu Âu đưa ra những lời cam kết tương tự?

Sau khi chi hàng trăm tỷ USD để chiến đấu chống lại lực lượng khủng bố, quân nổi dậy ở Iraq và Afghanistan mà năng lực quân sự được xem là dưới tầm của quân đội Nga, khoản hỗ trợ của Mỹ và châu Âu cho Ukraine hiện thật quá nhỏ bé, ông Saunders nhận định .

Nếu Mỹ không sẵn sàng thực hiện cam kết bảo vệ Ukraine và giành được chiến thắng trước Nga, Washington không thể hy vọng người Ukraine sẽ chiến đấu đến cùng trong một cuộc chiến vô vọng với một nước láng giềng vô cùng hùng mạnh?

Trong sự kiện hồi năm 2008, chính quyền của cựu Tổng thống Bush đã nhìn thẳng vào sự thật và khuyên Georgia tránh đối đầu quân sự với Nga. Vậy tại sao chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Obama lại không làm điều tương tự với Ukraine?

Điều quan trọng nhất là Mỹ cần trung thực với chính mình, với các đồng minh và với Ukraine bởi điều này không có nghĩa là Washington mặc nhận từ bỏ giúp Kiev giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị.

Trái lại, nó là bước đầu tiên trong việc xây dựng một chính sách hữu hiệu bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ cũng như tăng cường an ninh ở châu Âu.

Theo ông Saunders, những lời tuyên bố hiếu chiến hoặc hành động liều lĩnh sẽ không đem lại lợi ích cho bất cứ ai mà chỉ là cái cớ để leo thang chiến tranh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại