Giải mã ngân sách quốc phòng Trung Quốc

Huy Nguyễn-Chu Tâm |

Ngân sách quốc phòng Trung Quốc 954,35 tỉ nhân dân tệ (146,67 tỉ USD) chỉ bằng 1/4 của Mỹ năm 2016 (573 tỉ USD) nhưng vẫn gây nhiều lo ngại.

Reuters đưa tin ngày 5-3, Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc (TQ) khóa 12 chính thức thông báo tăng 7,6% chi tiêu quân sự năm 2016.

Đây là mức tăng thấp nhất trong sáu năm qua. Sự kiện TQ chọn mức tăng chi tiêu quốc phòng thấp có ý nghĩa gì?

Kinh tế suy giảm, lo ngại xã hội

Báo The Washington Post ghi nhận GDP TQ tăng chưa đầy 7% năm 2015, mức tăng thấp nhất trong 25 năm gần đây, do đó nhà cầm quyền TQ không còn lạc quan nữa.

GS Nghê Lạc Hùng ở ĐH Thượng Hải (TQ) nói với báo The Washington Post mức tăng ngân sách quốc phòng thấp có lý do vì kinh tế TQ thực sự tồi tệ.

Trong khi đó, các chuyên gia quân sự nói với báo New York Times Bắc Kinh hiểu rõ chi tiêu quân sự có thể nhấn chìm một quốc gia và lấy Liên Xô làm ví dụ.

Những người khác như GS Kim Xán Vinh ở ĐH Nhân dân Bắc Kinh nhận định sự kiện TQ giảm tập trung vào chi tiêu quân sự có thể do có nhiều lo ngại về xã hội.

Ông nói với báo Mỹ các vấn đề kinh tế đã biến phúc lợi xã hội trở thành vấn đề ưu tiên đối với chính phủ TQ.

Tướng về hưu Từ Quang Dụ nhận định mức tăng chi tiêu quốc phòng thấp cũng có thể là hậu quả của tình hình hiện đại hóa giảm tốc.

Một số ý kiến cho rằng quyết định kéo giảm mức tăng chi tiêu quốc phòng là điều đáng ngạc nhiên trong bối cảnh TQ đang gia tăng bành trướng quân sự ở biển Đông.

Chẳng hạn, GS Nghê Lạc Hùng đã dự đoán mức tăng phải gấp hai lần con số được công bố hôm 5-3.

Tuy nhiên, TQ chắc chắn không giảm khả năng quân sự.

GS Andrew Erickson ở ĐH Chiến tranh Hải quân Mỹ nói với báo Wall Street Journal rằng quyết định về ngân sách của Bắc Kinh chỉ đơn giản thể hiện mong muốn cân bằng giữa vấn đề chi bạo và duy trì kiểm soát đối với quân đội.

Ông lưu ý: “Con số chi tiêu quốc phòng mới nhất của TQ cho thấy nước này quyết tâm tránh bành trướng quân sự kiểu Liên Xô nhưng vẫn tập trung tăng cường khả năng thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền hàng hải và đảo ở biển Đông và biển Hoa Đông”.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc lên gân

Thời Báo Hoàn Cầu vốn là tờ báo hiếu chiến của TQ cho rằng với nhiều người dân TQ, mức tăng chi tiêu quốc phòng vừa được công bố “có một chút thất vọng”.

Trong khi đó, ngày 5-3, Bộ Quốc phòng TQ đã mô tả mức tăng ngân sách quốc phòng đã công bố là phù hợp.

Bộ Quốc phòng cho rằng “đó chắc chắn không có nghĩa giấc mơ của người TQ về một quốc gia và quân đội hùng mạnh sẽ bị tác động” và dự thảo kế hoạch năm năm đến năm 2020 của TQ khẳng định TQ sẽ củng cố năng lực chấp pháp trên biển.

Giới quan sát nhận định điều đó đồng nghĩa với việc căng thẳng sẽ tiếp tục leo thang ở biển Đông.

Trước đây, trước dư luận lên án hành động quân sự hóa của TQ ở biển Đông, Thời Báo Hoàn Cầu đã từng nói Mỹ “phóng đại sự việc” khi chỉ trích TQ bố trí tên lửa, radar, xây đường băng ở biển Đông là thay đổi môi trường hành động của quân đội Mỹ.

Báo cho rằng biển Đông không phải là nơi Mỹ giữ bá quyền và truyền thông Mỹ làm quá như khúc dạo đầu dư luận để Mỹ thị uy leo thang quân sự ở biển Đông.

Báo đổ lỗi Mỹ là quốc gia ngoài khu vực đã can thiệp quân sự ở biển Đông, quân đội Mỹ trình diễn cơ bắp ở biển Đông và Mỹ đưa căng thẳng có sức tác động toàn cục từ bên ngoài vào, từ đó biển Đông mới bị một số người coi là “thùng thuốc nổ” để bàn tán.

Báo còn hù dọa nếu Mỹ muốn biến biển Đông thành vũ đài quân sự và càng gia tăng áp lực quân sự ở biển Đông, phương thức quân sự của TQ sẽ càng mạnh hơn.

Báo răn đe nếu Mỹ có hành động uy hiếp các đảo thì phải chuẩn bị tư tưởng sẽ bị radar hỏa lực của TQ khóa chặt, biển Đông chỉ có thể là hải vực quân đội Mỹ đi qua vô hại chứ không phải khu vực thích hợp để Mỹ cân đo bá quyền.

Ấn Độ: Trang web Defence News ngày 4-3 đưa tin, phản ứng với đề nghị của Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, về thành lập liên minh hải quân bốn nước Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ để hợp tác tuần tra ở biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar tuyên bố bác bỏ đề nghị của Mỹ.

Ông nói với báo giới: “Chúng tôi sẽ nêu quan điểm sau khi xem xét.

Còn hiện thời Ấn Độ không tham gia bất kỳ cuộc tuần tra chung, vấn đề tuần tra chung không được đặt ra… Nếu chúng tôi có quyết định, Bộ Quốc phòng sẽ giải thích rõ”.

Nhật: Báo Asahi Shimbun đưa tin lực lượng phòng vệ biển Nhật sẽ đưa một tàu ngầm và hai tàu khu trục đến vịnh Subic (Philippines) vào đầu tháng 4 tới.

Báo nhận định chuyến thăm Philippines của đội tàu chiến Nhật bên ngoài thuần túy là nhiệm vụ thiện chí nhưng mục tiêu thực sự là tín hiệu rõ ràng trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường quân sự hóa ở biển Đông.

Lần gần nhất tàu ngầm Nhật đến Philippines cách đây 15 năm. Dù vậy, Nhật chưa tham gia thực thi tự do hàng hải ở biển Đông như Mỹ đề nghị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại