Tuyên bố trên được ông Martin Schulz đưa ra trên trang cá nhân Twitter của mình.
“Việc chiếm giữ tòa soạn báo Zaman là “một cú đánh nữa” vào tự do báo chí của Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi sẽ đưa vấn đề này ra thảo luận vào ngày thứ Hai (7/3)”- Martin Schulz viết trên trang Twitter cá nhân.
Trước đó, Tổng thư ký Hội đồng châu Âu Thorbjørn Jagland cũng đã bày tỏ quan ngại đối với cách giải quyết sự vụ đối với tờ báo đối lập Zaman của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.
Được biết, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã quyết định thông qua tòa án Stanbul bổ nhiệm người giám hộ đối với tờ báo đối lập Zaman.
Sau quyết định này, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã đuổi toàn bộ nhân viên tờ báo ra khỏi tòa soạn, sử dụng hơi cay và đạn cao su để trấn áp những người phản đối.
Trong đêm thứ Sáu, rạng sáng thứ Bảy (5/3), cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng vòi rồng và hơi cay để giải tán đám đông gồm hàng trăm độc giả của tờ Zaman đang biểu tình một cách hòa bình gần trụ sở của báo Zaman.
Sau đó, cảnh sát đã xộc vào tòa soạn, xua đuổi tất cả các nhân viên của Zaman khỏi trụ sở tòa soạn.
Trước sự vụ này, một số nghị sỹ Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thuộc phe đối lập đã đứng ra phản đối các hành động này của cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ.
Một số nghị sỹ và nhân viên của Zaman đã bị thương do vòi rồng và hơi cay của cảnh sát.
Đến sáng ngày thứ Bảy, hoạt động biểu tình đã được khôi phục. Tuy nhiên, cảnh sát đã niêm phong tòa soạn của Zaman và không cho phép nhân viên Zaman vào tòa soạn.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã phong tỏa trang web của Zaman và hủy toàn bộ dữ liệu của tờ báo này. Cảnh sát tiếp tục sử dụng vòi rồng, đạn cao su và hơi cay để trấn áp những người phản đối.
Theo giới truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, với việc Tòa án Stanbul quyết định bổ nhiệm người giám hộ đối với tờ báo Zaman thì nhiều khả năng Zaman sẽ bị cấm hoạt động.
Được biết, Zaman là một trong số không nhiều hình thức truyền thông của phe đối lập Thổ Nhĩ Kỳ còn sót lại sau khi chính quyền nước này tăng cường các biện pháp trấn áp.
Tuy nhiên, với động thái lần này của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều khả năng Zaman cũng sẽ khó có thể tiếp tục hoạt động.
Theo nhận định của giới phân tích, dù có khả năng lên tiếng chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ tại Hội nghị Thượng đỉnh EU-Thổ Nhĩ Kỳ nhưng EU sẽ khó có thể thay đổi được điều gì.
Nguyên nhân là do EU hiện đang rất cần đến vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư.
Nhận thấy vai trò của mình, Thổ Nhĩ Kỳ đã không ít lần “làm mình làm mẩy” trước EU để đòi các yêu sách (như đòi EU tăng gói hỗ trợ giải quyết khủng hoảng nhập cư từ 3 tỷ USD lên 5 tỷ USD).
Chính vì vậy, nhiều khả năng EU sẽ lại “bất lực” trước Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ việc lần này đối với Zaman.