Cụ thể, thế giới đang dõi theo những gì mà Thủ tướng Lý Khắc Cường đã phát biểu tại quốc hội vào ngày 5/3.
Trung Quốc đang đau đầu đi tìm giải pháp cho tương lai và ngăn chặn nền kinh tế đang có xu hướng tụt dốc không phanh.
“Việc tìm kiếm sự phát triển kinh tế hiện nay cũng giống như chèo thuyền ngược dòng chảy vậy”, ông Lý nói. “Hoặc là anh tiến về hướng mình muốn đến, hoặc bị dòng nước cuốn đi”.
Những con số mà ông Lý đưa ra cho thấy những khó khăn mà chính phủ đang gặp phải. Ông cho biết Trung Quốc sẽ tạo ra “ít nhất 10 triệu việc làm mới trong thành phố” trong năm nay.
Tuy nhiên, theo ông Xiao Minjie, một nhà kinh tế có uy tín, đây là một mục tiêu rất yếu kém.
“Sẽ có khoảng 7,65 triệu sinh viên mới ra trường và số người tốt nghiệp trung học phổ thông tìm kiếm việc làm cũng sẽ vào khoảng này. Như vậy tổng cộng đã có 15 triệu người cần việc làm rồi”, ông nói.
Trong khi đó, Trung Quốc sẽ xóa bỏ những “công ty xác sống”, những doanh nghiệp liên tục thua lỗ nhưng vẫn được chính phủ tiếp tục hỗ trợ. Trong quá trình này, khoảng 5 đến 6 triệu người có thể sẽ bị mất việc làm.
Do đó, đây là bài kiểm tra đối với ông Lý, qua đó chứng minh ông sẵn sàng loại bỏ những doanh nghiệp này như ông đã tuyên bố vào tháng 12/2015.
Trước đây, khi tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc liên tục tăng, số lượng việc làm tự động xuất hiện.
Trong một bài báo đăng trên China Daily, ông Liu Xiaoming, Đại sứ Trung Quốc tại Anh cho biết: “Đương nhiên, tỉ lệ tăng trưởng của Trung Quốc, ngay cả khi tốc độ chậm lại, vẫn sẽ vượt trên 7% nếu ngành công nghiệp năng lượng được phép tự do hoạt động, hoặc chính phủ áp dụng những biện pháp kích thích tăng trưởng cần thiết”.
Ông Liu cũng cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ phải làm những biện pháp mạnh tay để cắt bỏ những phần dư thừa trong nền kinh tế. “Chắc chắn đây sẽ là một quá trình gian khổ”, ông nói.
“Nhưng cũng giống như khi người ta ăn kiêng để giảm béo và có thân hình khỏe mạnh, nền kinh tế Trung Quốc cũng sẽ được phục hồi”.
Báo cáo Thường niên của Quốc hội Trung Quốc đề cập đến những dự án nhằm đảm bảo thành phố Trung Quốc sẽ bớt ô nhiễm và có bầu trời xanh trong phần lớn thời gian của năm.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã hứa sẽ đầu tư tổng cộng 800 tỉ Nhân dân tệ (tức 122 tỉ USD) nhằm phát triển hệ thống đường tàu hỏa và 1,65 nghìn tỉ Nhân dân tệ để xây dựng các tuyến đường mới.
Trong khi đó, ông Lý gần như không hề nhắc đến tình hình biến động trong thị trường chứng khoán Trung Quốc, một dấu hiệu cho thấy chính phủ nước này đang gặp khó khăn trong việc tìm phương hướng giải quyết.
Sau nhiều tháng thị trường chứng khoán dao động mạnh cùng rất nhiều bước đi nhằm ngăn chặn tình trạng này, vào tháng 2 vừa qua Bắc Kinh đã bãi chức giám đốc phụ trách giám sát hoạt động thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Sau cùng, vấn đề chính vẫn nằm ở các “công ty xác sống” của Trung Quốc. “Một số doanh nghiệp kiểu này sẽ được tiếp tục đổi mới”, ông Lý phát biểu.
“Số còn lại sẽ được tái cơ cấu hoặc sáp nhập với doanh nghiệp khác, và một số sẽ buộc phải tuyên bố phá sản”.
Một trong những cách mà Trung Quốc hướng đến giải quyết thách thức này là thử nghiệm một quá trình tuyển chọn những người thích hợp để đảm nhiệm vai trò quản lý các doanh nghiệp trên.
“Những nỗ lực trên là chưa đủ. Việc đưa vào một nhóm những người ngoài sẽ không thể thay đổi tình hình kinh tế Trung Quốc.
Họ phải thực hiện tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước hiện có”, ông Kunihiko Miyake, một nhà phân tích kinh tế người Nhật Bản cho biết.
Không chỉ có vậy, các cuộc cải tổ kinh tế trên sẽ mang đến những nguy cơ về chính trị, đặc biệt là khi Đảng Cộng sản Trung Quốc dự kiến sẽ thay đổi nhân sự trong Quốc hội, dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2017.
Ông Lý Khắc Cường cũng đang phải chống chọi với áp lực từ nhiều phía, và có lời đồn rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đang xem xét việc thay thế ông Lý bằng một người khác.