EU lại vô tình đẩy thêm một nước Liên Xô cũ về phía Nga?

Theo BBC, sự mòn mỏi chờ đợi con đường tiến vào Liên minh châu Âu (EU) cộng với những bất ổn cả về kinh tế và chính trị đang đẩy Georgia, một quốc gia thuộc Liên Xô cũ như Ukraine, về phía Nga.

Các nhà lãnh đạo Georgia cho rằng, họ chắc chắn sẽ thất vọng với hội nghị thượng đỉnh Đối tác Đông Âu (Eastern Partnership) tại Riga, Latvia sắp tới.

Theo họ, điều duy nhất có thể hy vọng tại hội nghị này là chính sách miễn thị thực cho người dân Georgia sang các nước châu Âu khác.

Tình cảm ủng hộ Nga đang tăng ở Georgia.

Chính phủ Georgia khẳng định đã tiến hành các cải cách để phù hợp với các tiêu chuẩn của châu Âu. Tuy nhiên, trong đánh giá hôm 8/5, Ủy ban châu Âu vẫn cho rằng Georgia còn rất nhiều việc phải làm cho đến khi đạt được yêu cầu của EU.

Hồi năm ngoái, 3 quốc gia thuộc Liên Xô cũ gồm Georgia, Ukraine và Moldova đã ký thỏa thuận liên kết với EU.

Trong thỏa thuận này có lời hứa hẹn sẽ miễn thị thực cho công dân các nước trên khi họ di chuyển sang các nước châu Âu.

Mục đích là nhằm khuyến khích họ cải cách về một loạt các vấn đề, từ an ninh, nhập cư đến nhân quyền và tham nhũng. Tuy nhiên cho đến giờ, chính sách miễn thị thực vẫn chưa được áp dụng.

Tỷ lệ ủng hộ Nga đang tăng

Các nhà lãnh đạo Georgia đang cần chứng minh cho người dân rằng, việc trở thành một phần của châu Âu không phải là một giấc mơ.

Tuy nhiên, sự chờ đợi và những bất ổn về kinh tế hiện nay có thể sẽ khiến người dân Georgia xem xét lại thái độ ủng hộ EU.

Theo một cuộc khảo sát gần đây của Viện Dân chủ Quốc gia có trụ sở tại Mỹ, mặc dù đại đa số người Georgia vẫn mong muốn gia nhập EU và NATO, nhưng xu hướng ủng hộ việc gia nhập Liên minh Á-Âu do Nga dẫn đầu đã bắt đầu tăng.

Ngày càng có nhiều người Georgia muốn có mối quan hệ gần gũi hơn với Nga.

Hiện có nhiều doanh nghiệp và gia đình Georgia phụ thuộc Nga về kinh tế.

Nga là một trong những điểm đến hàng đầu của các mặt hàng nông nghiệp, rượu và nước khoáng của Georgia và cũng là mục tiêu chính của những công dân Georgia đang tìm việc ở nước ngoài.

Trong những tháng gần đây, Nga đã mở rộng kiểm soát đối với hai vùng lãnh thổ ly khai của Georgia bằng cách ký thỏa thuận "liên minh chiến lược" với Nam Ossetia và Abkhazia. Hiện cả hai khu vực này đều đang được Moscow hỗ trợ lớn cả về tài chính và quân sự.

Vấn đề chính trị lâu năm cộng với kinh tế sa sút

Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Georgia độc lập và bầu lãnh tụ quốc gia Zviad Gamsakhurdia làm tổng thống.

Người biểu tình phản đối chính phủ ở Tbilisi hồi tháng 3/2015.

Tuy nhiên, đến năm 1992, ông Gamsakhurdia bị lật đổ bởi lực lượng dân quân đối lập và cựu Ngoại trưởng Liên Xô Eduard Shevardnadze lên làm nhà lãnh đạo mới của đất nước này.

Ông Shevardnadze cầm quyền được 11 năm trước khi bị lật đổ trong cuộc Cách mạng Hoa hồng hồi tháng 11/2013 sau khi các cuộc biểu tình tố cáo có những sai phạm trong các cuộc bầu cử quốc hội.

Đảng Giấc mơ Georgia trở thành đảng cầm quyền kể từ cuộc bầu cử quốc hội năm 2012.

Hiện nay kinh tế Georgia đang gặp rất nhiều khó khăn khi đồng tiền quốc gia bị sụt giá nghiêm trọng, mất tới 30% giá trị so với đồng USD kể từ tháng 11/2014. Đảng Giấc mơ Georgia đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012.

Hồi đầu tháng này, chính phủ đã phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại quốc hội sau khi có tới 7 bộ trưởng nội các từ chức chỉ trong vòng 10 tháng.

Nhiều người dân Georgia cho rằng Thủ tướng Irakli Garibashvili không kiểm soát tốt chính phủ.

Hơn 100 cựu quan chức chính phủ đang bị điều tra, nhiều người đã bị bỏ tù và nhiều người khác vẫn đang chờ xét xử.

Theo BBC, Tổng thống Giorgi Margvelashvili và Thủ tướng Irakli Garibashvili cũng không thống nhất và đoàn kết trong việc điều hành đất nước. Hai người này thường tranh giành nhau vị trí đại diện cho Georgia trên trường quốc tế.

Giới ngoại giao Georgia cho rằng, cuộc tranh giành quyền lực đó đã làm suy yếu chính phủ và đất nước.

Chính những khó khăn về kinh tế và những vấn đề chính trị đang khiến Georgia nghiêng về phía Nga khi không đáp ứng được các tiêu chuẩn của EU.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại