Bài viết có một số điểm đáng chú ý sau:
Chính sách của Mỹ đối với Syria trong hơn 4 năm qua nhằm mục đích quan trọng nhất là buộc Tổng thống Bashar al-Assad thoái vị, dựa trên công cụ chủ yếu là sự lớn mạnh của lực lượng “chống đối ôn hòa” bên trong lãnh thổ Syria.
Nhưng nay can thiệp của Nga đã làm thay đổi cục diện.
Không ít học giả, quan chức Mỹ, phương Tây liên tục chỉ trích Nga, đòi Washington có hành động đáp trả cứng rắn. Thế nhưng nếu nhìn toàn cảnh, can dự của Nga có thể sẽ đưa tới hy vọng dọn dẹp sạch “bãi mìn” ở Syria.
Nguyên lý thực ra đơn giản: Ông Putin đã đúng khi nói rằng chỉ một chính quyền ổn định, với bộ máy quân đội an ninh đủ mạnh ở Damascus mới đủ sức đánh bại khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, mới ngăn được dòng người tị nạn chạy khỏi Syria vốn đang gây nhiều áp lực cho châu Âu.
Hai tác giả cho rằng, thay vì tìm kiếm một chiến thắng tuyệt đối, Mỹ cần hướng trọng tâm vào chấm dứt cuộc chiến ở Syria, với một kết cục có thể không hoành tráng, rõ nét, nhưng chấp nhận được.
Cụ thể, Washington nên theo đuổi 2 mục tiêu: Lập lại trật tự tại những vùng đất mà IS chưa kiểm soát và nỗ lực tạo lập một liên minh đủ sức kiềm tỏa IS, cuối cùng là diệt trừ lực lượng này.
Can dự của Nga tại Syria sẽ tạo cơ hội thực hiện cả hai nhiệm vụ đó.
Nga không phải là “người xâm nhập” ở Syria – Moskva đã tạo lập hiện diện tại đó trong suốt gần 4 thập kỉ qua, cũng tương tự như việc Mỹ can dự tại Trung Đông trong cả 60 năm rồi.
Ông Assad là đồng minh của Nga, Syria cho Nga vận hành căn cứ quân sự Tartus; còn Mỹ thậm chí còn có nhiều “bạn bè” hơn, nhiều căn cứ hơn tại khu vực.
Theo bài viết, cả Nga và Mỹ đều có lợi ích trong việc tạo lập ổn định ở Trung Đông nói chung và Syria nói riêng.
Liên quan tới IS, Nga là nước phải đối mặt với nguy cơ từ làn sóng thánh chiến lớn hơn Mỹ. Thế nhưng Moskva lại có thế mạnh mà Mỹ không có ở Syria.
Nga đã hiện diện quân sự trực tiếp ở Syria, duy trì mối liên hệ bền chặt với Iran, Iraq; Mỹ dù có cả trăm máy bay, nghìn binh sĩ đóng tại khu vực nhưng lại không có được kết nối với Iran, quan hệ lỏng lẻo với chính quyền Baghdad, không có thông tin tình báo chiến trường tại Syria, trong khi “quân nổi dậy ôn hòa” thì không chứng tỏ được điều gì trên thực địa.
Phối hợp cùng nhau, Nga - Mỹ có thể tận dụng được thế mạnh của nhau, có đủ nguồn lực và không gian để hành động, với sự tham gia của cả Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Iran, Iraq, các nước vùng Vịnh, lực lượng người Kurd.
Bất kì một liên minh nào cũng sẽ tiềm ẩn những xung đột bên trong, ví như trong trường hợp này là căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với người Kurd.
Nhưng sức ép tổng lực của cả Nga và Mỹ sẽ đủ sức nặng “thuyết phục” tất cả các bên hướng nguồn lực, nỗ lực vào cuộc chiến chống IS, để những nghi ngại còn lại giải quyết sau.
Điều phối Nga – Mỹ cũng giúp bảo đảm Nga sẽ không tung đòn quân sự nhằm vào các nhóm do Mỹ và các đồng minh khu vực hậu thuẫn, tránh những va chạm đáng tiếc có thể xảy ra khi cả hai cùng vận hành hai liên minh chống IS tách biệt trên cùng bầu trời Syria.
Khi Mỹ chấp nhận đứng cùng Nga trong cuộc chiến chống IS thì Moskva cũng cần phải có sự linh hoạt trong vấn đề tương lai chính trị của Tổng thống Assad.
Rất khó để Mỹ và các nước trong khu vực chấp nhận thực tế ông sẽ tại vị mãi mãi. Dù muốn, nhưng Mosvka cũng không thể đủ sức bảo trợ tuyệt đối cho ông Assad.
Kịch bản Syria phân ra thành các nhà nước mà ở đó ông Assad tiếp tục làm lãnh đạo vùng đất duyên hải nơi tập trung của cộng đồng Alawite thiểu số - trường hợp xấu nhất mà Nga phải chấp nhận nếu quyết giữ cho được đồng minh, cũng sẽ không giúp Nga diệt trừ được đe dọa của IS.
Trong phần cuối bài viết, hai tác giả nêu quan điểm: Nỗ lực chung Nga - Mỹ tuy không phải là phương thức hoàn hảo, nhưng là con đường “hứa hẹn nhất’ để tìm ra một giải pháp cho khủng hoảng Syria – nơi cả hai hiện có những mặt lợi ích trùng lặp.
Muốn vậy, giới chức Mỹ cần từ bỏ lối “đập bàn đập ghế” khi nói về Nga “xâm lấn” Syria, nhận thực rằng Chiến tranh Lạnh đã kết thúc và giờ là lúc ngồi vào bàn để thể hiện tài năng, nghệ thuật lãnh đạo.
Giới phân tích nhận định, bài viết trên The New York Times là một diễn biến đáng lưu ý, vì từ trước đến nay tờ báo này thường được xem là "người phát thanh" cho chính quyền Mỹ.