Theo báo The Wall Street Journal, đường dây chuyển tiền "chui" hawala hình thành từ nhiều thế kỷ, cho phép người sử dụng chuyển tiền nhanh chóng, góp phần vào cuộc khủng hoảng dân tỵ nạn Syria hiện nay ở châu Âu.
Hoạt động đưa người di cư lậu đạt trị giá 2,5 tỉ USD/năm ở châu Âu, theo các nhà nghiên cứu và quan chức an ninh châu Âu, trong đó, 90 % là khoản tiền thông qua hawala.
Hawala cũng chuyển 390 tỉ USD/năm, do người di cư gởi về gia đình, chứng tỏ hệ thống tài chính này là “chui” nhưng lại được chấp nhận rộng rãi ở các nước đang phát triển.
“Xèng bay” nhanh vèo vèo…
Hawala giúp chuyển tiền nhanh hơn-gần như gởi-nhận cùng lúc và có thể mau đến với người ở vùng sâu vùng xa hẻo lánh.
Khách hàng gồm người có trình độ học vấn thấp, không có tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng, đôi khi không có giấy tờ tùy thân.
Hawala có nghĩa “chuyển khoản” theo tiếng Ả rập, có nguồn gốc từ nhiều thế kỷ ở Trung Đông, Nam Á và ở nhiều vùng châu Phi.
Hawala ban đầu bùng nổ trong giới kinh doanh. Họ dùng hệ thống này để chi chuyển khoản mà không phải gởi tiền, vàng trên những tuyến đường thương mại gian manh.
Nay hầu như cộng đồng Hồi giáo và người Ấn lao động nhập cư ở châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Đông đều lập hawala. Người lao động nhập cư Trung Quốc cũng sử dụng hệ thống này, gọi là “xèng bay” tức tiền-bay.
Ở những “trung tâm” hawala, “cò” thường có vỏ bọc là những doanh nghiệp hợp pháp như quầy đổi tiền, mua-bán kim hoàn hoặc quán trà.
Một số “cò” sử dụng các cuộc chuyển khoản xuyên biên giới chính thức để giải quyết cuộc hawala.
Dù không chính thức, nhưng hiếm có chuyện gian lận, lừa đảo trong mạng lưới halawa, vốn dựa trên quan hệ bộ tộc, chủng tộc chặt chẽ.
Nikos Passas, giáo sư đại học chuyên nghiên cứu về hawala, nói: “Nếu ai đó không tuân thủ quy định, người đó sẽ bị tẩy chay vĩnh viễn”, gia đình và doanh nghiệp hợp pháp sẽ bị gây khó dễ nếu người đó lừa đảo một khách hàng.
Ông Passas dẫn vụ “cò” hawala nọ ở Anh dùng tiền của khách để đánh bạc, khiến đồng nghiệp ở Anh và Pakistan bị lỗ lớn. Tay “cò” bị loại khỏi mạng lưới và những “cò” khác chia sẻ sự lỗ lã.
Trong trường hợp hai “cò” tranh chấp, một “cò” lớn tuổi hơn, hoặc một tiểu ban, sẽ xem xét giải quyết tranh chấp.
Đạt tín nhiệm với cả giới tội phạm
“Cò” halawa gọi là hawaladar. Họ bảo đảm chuyển tiền đến tay người nhận trong vòng 48 giờ, bất kể địa chỉ hẻo lánh đến đâu.
Bất kỳ khoản tiền chuyển nào cũng đều không có hợp đồng. Người nhận chỉ viết một mã số hoặc một vật chứng, ví dụ một tờ tiền xé đôi là bằng chứng đã nhận tiền.
Bọn tội phạm cũng khoái hawala không cần bất kỳ chứng từ, vốn giúp quan chức sử dụng để theo dõi dòng tiền và truy tố.
Trong hawala, những giấy tờ ngắn hạn sẽ được hủy ngay sau khi vụ chuyển tiền thành công, và việc sử dụng các công cụ liên lạc qua mạng như Skype, Viber, WhatsApp để tổ chức chuyển tiền giúp giảm thiểu nguy cơ bị phát hiện.
Andrea Di Nicola, giáo sư về tội phạm học ở đại học Trento, nói: “Biện pháp theo dõi dòng tiền không thể áp dụng ở đây. Đó là một vấn đề rất nghiêm trọng, vì dòng tiền cho biết rất nhiều về hoạt động của tội phạm”.
Cảnh sát biên phòng Thụy Điển đã phát hiện nhiều vụ dân nhập cư dùng hawala để chuyển tiền nhằm giúp người thân ở Ý, Libya, TNK và Iraq “đoàn tụ” với họ.
Chỉ huy lực lượng là Patrik Engstrom, nói: “Đó là vấn nạn lớn của cảnh sát. Rất khó phát hiện những vụ chuyển khoản từ đâu đến và đến đâu, ai chuyển và ai nhận”.
Năm 2010, khoảng một nửa số tiền chuộc con tin của hải tặc Somalia, khoảng 100 triệu USD “bay” ra khỏi nước này thông qua hawala, theo các nhà nghiên cứu của đại học Dalhousie
4 năm trước, Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt đường dây hawala lớn nhất Afghanistan, buộc tội đường dây này chuyển hàng tỉ USD giúp các quan chức tham nhũng, quân Taliban và bọn trùm buôn lậu ma túy.
Nhưng các chuyên gia nói dù hoạt động đưa người di cư lậu đang tăng mạnh, mảng tội phạm chỉ chiếm một phần nhỏ trong toàn bộ hoạt động của hawala.
“Cò” thì phải chung chi cho cảnh sát “bảo kê”
Hawez Zaman, 32 tuổi người Iraq gốc Kurd, là một “cò” hawala ở vùng ngoại ô Aksaray của Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
Mỗi ngày, anh nhận khoảng 200 cuộc chuyển tiền với giá trị 1.500 euro (1.600 USD) từ những người nhập cư đến từ Syria, Iraq và Afghanistan.
Họ trả tiền cho bọn buôn người, cho hành trình đầu từ TNK đến Hy Lạp trước khi đến được các nước EU.
Hàng ngày, Zaman cũng chuyển tiền từ vài trăm đến vài ngàn USD cho người di cư. Khi những người này đến Hy Lạp, Đức hoặc xa hơn, Zawan chuyển tiền cho một “cò” hawala khác, và người này chuyển tiền cho bọn buôn người.
Mỗi khoản chuyển tiền này, Zaman chỉ tính 5 % phí. Anh để dành được nhiều tiền, vì không phải đóng thuế, thuê mặt bằng hoặc các chi phí khác, trong khi “cò” có giấy phép thì phải chịu mất tiền cho những khoản chi phí này.
Nhưng Zaman cũng phải trích “tiền lời” để mở rộng hoạt động, và “chung chi tiền bảo kê” cho cảnh sát và tội phạm địa phương.
Zaman hoạt động “chui” ở “trung tâm” hawala: Aksaray nằm gần một khu được gọi là “Syria nhỏ”, vì khu vực này tập trung nhiều người tỵ nạn Syria.
“Syria nhỏ” chỉ là một trong những cái tên mà Zaman chọn để đặt cho các nhóm khách hàng khác nhau.
Anh nói: “Người trốn khỏi vùng chiến sự không muốn sử dụng ngân hàng để chuyển tiền.
Hawala là cách dễ hơn và được họ tin tưởng. Nên đây là một trong những hoạt động làm ăn mau phất nhất ở Istanbul. Tôi cũng muốn di cư, nhưng ở đây dễ kiếm ra tiền quá”.
Zaman còn nói anh chẳng cảm thấy bị dằn vặt khi chuyển tiền cho bọn buôn người: “Nhiều người là dân Syria, họ giúp người tỵ nạn đến nơi an toàn. Chúng tôi đang giúp tiền cho sự ra đi và giúp người tỵ nạn đem tiền ra khỏi Syria”.
Sự bùng nổ hawala ở vùng ngoại ô này cũng khiến các băng đảng tội phạm đánh nhau, tranh giành địa bàn.
Zaman nói: “Chúng tôi “chung chi cho nhiều người, nhưng tôi cũng rành rẽ chuyện làm ăn này nên tôi có thể tự bảo vệ”.