Đức tìm cách ngăn chặn ảnh hưởng của Nga tại Balkan

Đức Dũng |

Với nhan đề Merkel “nhắc nhở” sự lựa chọn châu Âu của các nước Balkan, báo Độc lập (Nga) có bài bình luận về chuyến thăm của bà, trong đó sẽ không cho phép Nga gây ảnh hưởng tới khu vực này.

Ngày 8/7, Thủ tướng Đức Angela Merkel bắt đầu chuyến thăm hai ngày tới các nước phía Tây Balkan gồm Albania, Serbia, Bosnia và Herzegovina.

Chủ đề chính trong các cuộc đàm phán với lãnh đạo những quốc gia này là triển vọng gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của 3 nước này.

Do ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Nga trong khu vực, đối với Brussels và Berlin việc thuyết phục và "nhắc nhở" lãnh đạo các nước khu vực Balkan về chính sách đáng tin cậy của Liên minh châu Âu EU tại thời điểm này có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Trong một thông điệp video truyền thống ngày 4/7, Thủ tướng Merkel đã đề cập tới chuyến đi đến các nước nghèo nhất ở châu Âu, chính những nước từ lâu đã "gõ cửa" EU với mong muốn gia nhập liên minh này.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Hy Lạp đang đe dọa đến sự ổn định của toàn EU nói chung và Khu vực đồng tiền chung euro (eurozone) nói riêng, chuyến thăm này của bà Merkel hết sức cần thiết và có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders cũng cho rằng khả năng Hy Lạp rút khỏi eurozone có thể gây bất ổn tình hình khu vực Balkan. Bởi ảnh hưởng của Athens ở khu vực này là rất đáng kể.

"Đây là một trong những nhà đầu tư chính trong khu vực. Hậu quả của nó có thể không chỉ đối với các nước khu vực này như Macedonia và Montenegro, mà còn có thể tác động tới cả Bulgaria", ông Didier Reynders nói thêm.

Theo Reuters, khủng hoảng Hy Lạp đã ảnh hưởng lớn đến Anbania bởi trước đó người Anbania thường đến Hy Lạp làm việc, thì nay họ ùn ùn kéo đến Đức (chỉ tính riêng trong tháng 5 đã có 4,9 ngàn người di cư từ Anbania đến Đức, từ tháng 1 đến tháng  5 có tổng cộng khoảng 16 ngàn người).

 

Trong cuộc đối thoại đầu tiên với lãnh đạo Serbia, Thủ tướng Merkel đề cập mong muốn gia nhập EU của Serbia, song bà nhấn mạnh rằng điều đó phụ thuộc vào chính thái độ của Belgrade với Kosovo.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ báo Độc lập, Giám đốc Trung tâm chính sách dân tộc và xung đột giữa các quốc gia thuộc Viện châu Âu (Viện Hàn lâm Khoa học Nga), ông Pavel Kandel cho rằng "Berlin và Brussels đang mong đợi Serbia công nhận độc lập của Kosovo.

Tại các cấp chính quyền Belgrade hiện nay đều đã có những nhượng bộ đáng kể như công nhận độc lập, bắt đầu các cuộc đàm phán với Kosovo,  quan trọng nhất là chuyển cho Pristina quyền kiểm soát những vùng lãnh thổ vốn trước đây họ không được kiểm soát ở phía Bắc Kosovo.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel

Theo ông Pavel Kandel, cuộc đối thoại tiếp theo giữa Belgrade và Pristina hiện đang đi vào ngõ cụt. Ông Kandel nói thêm, "bà Merkel sẽ gây áp lực lên Belgrade, Pristina và Tirana để phá vỡ thế bế tắc đó".

Cũng theo chuyên gia này, hiện Serbia vẫn chưa sẵn sàng chính thức công nhận độc lập của Kosovo và có thể thực hiện bước này chỉ khi cơ hội gia nhập EU của nước này trở nên rõ nét hơn.

Đối với Bosnia và Herzegovina, việc trở thành thành viên của EU hiện vẫn còn là một viễn cảnh. Thậm chí họ còn chưa đệ đơn xin gia nhập EU. Cả Mỹ và EU đều đang chờ đợi nước này cải cách hiến pháp. Tiến trình chính trị đang bị đình trệ, tín hiệu về các cuộc cải cách chưa xuất hiện, không đạt được sự nhất trí về một số vấn đề quan trọng.

Từ việc Albania trở thành ứng cử viên chính thức được trao quy chế gia nhập EU hồi năm ngoái, Brussels hy vọng về việc nước này cải cách dân chủ nhằm vào một quá trình chuyển đổi để thích ứng với hệ thống pháp luật thống nhất của EU, trong đó chú trọng các yêu cầu tăng cường đấu tranh trong cuộc chiến chống tham nhũng, buôn bán ma túy và di cư bất hợp pháp.

Theo các nhà phân tích, ở cả ba quốc gia Balkan mà bà Merkel tới thăm lần này, trong tương lai gần đều chưa có khả năng trở thành thành viên của EU.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker, phát biểu trong lễ nhậm chức hồi năm ngoái đã nói rằng trong nhiệm kỳ (5 năm) của mình, EC không có kế hoạch mở rộng. Song, sau đó ông Juncker cũng giải thích rằng Brussels không từ chối nguyện vọng gia nhập châu Âu của các nước Balkan.

Đây chính là yếu tố đầu tiên cần thiết để tiếp tục đàm phán với các thành viên tiềm năng của EU và là yếu tố khiến bà Merkel tiến hành chuyến thăm với hy vọng kéo ba nước Balkan khỏi vòng ảnh hưởng của Nga.

Yếu tố thứ hai làm nên giá trị chuyến thăm của bà Merkel tới vùng Balkan chính là bài học được rút ra từ cuộc khủng hoảng Ukraine.

Kể từ trước khi xảy ra khủng hoảng, Ukraine là quốc gia tha thiết xin gia nhập EU, song tiến trình này đã bị ngưng trệ, thậm chí có nguy cơ phá sản, chính bởi "sự can thiệp" của Nga.

Chính vì vậy, EU quyết tâm tăng cường hợp tác với các nước Tây Bankal nhằm tạo niềm tin rằng họ sẽ được mở cửa đón nhận. Theo ông Pavel Kandel, EU không muốn ba nước Albani, Serbia và Bosnia và Herzegovina đi theo "vết xe đổ" của Ukraine.

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại