Để tăng cường hoạt động trao đổi kinh tế với Moscow mà không khiến Mỹ mất lòng, lãnh đạo các doanh nghiệp Đức đã yêu cầu EU thành lập một khu vực thương mại tự do với Nga.
Theo đó, đề xuất này sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên, khi các lệnh trừng phạt Moscow chưa có dấu hiệu được gỡ bỏ, trong bối cảnh cuộc khủng tại Ukraine vẫn tiếp tục leo thang.
Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Kinh tế Đông Âu tại Berlin, Eckhard Cordes cho biết, một khu vực thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á-Âu (EEU) do Nga dẫn đầu sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng cho quá trình đẩy mạnh hợp tác kinh tế giữa các khu vực, mà tại đó yếu tố chính trị sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành DIHK, ông Martin Wansleben nói với báo chí địa phương rằng, cuộc đàm phán cho khu vực mậu dịch tự do giữa EEU và EU có thể là cầu nối cho các nước châu Âu tăng cường hợp tác kinh tế với Nga.
Đồng thời, việc này cũng giúp các bên hiểu nhau hơn trên con đường giải quyết xung đột tại Ukraine.
Hôm 23.01, Đại sứ Ai cập tại Moscow cho biết, đất nước ông cũng đang quan tâm đến vấn đề này, khu vực thương mại tự do được thành lập với EEU sẽ đem lại lợi ích không chỉ cho các thành viên thuộc tổ chức này, mà còn nhiều nước khác như Ai Cập.
Về phía Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Vasily Nebenzya khẳng định cho đến thời điểm hiện tại, gần 40 quốc gia và các nhóm kinh tế chính thức tuyên bố ủng hộ khu vực thương mại tự do giữa Nga và các nền kinh tế châu Âu.
Ngoài ra, các nước cũng sẵn sàng bắt tay với hai bên để xây dựng những thỏa thuận cùng có lợi, bất chấp ngăn cản từ phía Washington.
Nga, Belarus và Kazakhtan đã ký hiệp ước thành lập EEU vào ngày 29.5.2014, hoạt động theo của khuôn mẫu EU. Armenia gia nhập tổ chức ngày 10.10 và không lâu sau đó là Kyrgyzstan cũng đồng ý tham gia liên minh này.
Các hiệp ước được ký kết sẽ thay thế liên minh thuế quan trước đó giữa Nga, Belarus và Kazakhstan, chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2015.
EEU đảm bảo hoạt động giao thương tự do của hàng hóa, dịch vụ và lao động giữa các nước, ngoài ra, hợp tác công nghiệp, chính sách nông nghiệp, vận tải liên quốc gia cũng được đẩy mạnh.
Mục tiêu chung của Liên minh là xây dựng một thị trường kinh tế duy nhất kéo dài từ châu Âu đến Trung Quốc, phục vụ cho hơn 170 triệu người.