Đức- Đông Âu sẽ "căng như dây đàn" vì dự án dòng chảy phương Bắc?

Đức Dũng |

Đức hiện đang mong muốn xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2” để đề phòng trường hợp nguồn cung khí đốt từ Nga qua Ukraine bị gián đoạn.

Kế hoạch này đang vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của các quốc gia Đông Âu nhưng dường như Đức sẵn sàng phớt lờ phản ứng này.

Theo thông tin do tờ Financial Times tiết lộ, các nước Đông Âu dự kiến sẽ kịch liệt phản đối khả năng Đức phối hợp với tập đoàn khí đốt “Gazprom” của Nga xây dựng tuyến đường ống “Dòng chảy phương Bắc 2” để đưa khí đốt từ Nga sang Đức không qua lãnh thổ Ukraine.

Theo đó, Ba Lan, Slovakia và 7 nước Đông Âu đã gửi thư cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk để yêu cầu EU đưa vấn đề “Dòng chảy phương Bắc 2” ra thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh EU sẽ được tổ chức trong tháng 12/2015.

Theo lập luận của các nước Đông Âu, EU cần thực hiện mọi biện pháp để phong tỏa dự án của Đức vì dự án này đi ngược lại với chính sách của châu Âu trong vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng và đa dạng hóa nguồn cung khí đốt.

Hơn nữa, các nước Đông Âu cho rằng dự án này của Đức “sẽ đem đến những tổn hại nghiêm trọng về địa chính trị cho châu Âu”.

Đại diện của 9 quốc gia Đông Âu yêu cầu hủy dự án này khẳng định rằng mặc dù là quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất trong EU nhưng Đức lại phớt lờ lợi ích các nước thành viên ở Đông Âu, đặt lợi ích cá nhân mình lên cao hơn việc đảm bảo an ninh năng lượng cho các nước Đông Âu.

Tờ Financial Times cũng nhận định rằng, “Dòng chảy phương Bắc 2” có thể sẽ trở thành nguồn cơn gây nên những tranh cãi giữa EU và Mỹ.

Mỹ đã nhiều lần “bắn tiếng” rằng dự án này nếu được thực hiện sẽ khiến Ukraine mất đi 2 tỷ USD thu nhập từ việc trung chuyển khí đốt của Nga và IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế) cùng với EU sẽ phải có trách nhiệm bù đắp lượng tiền Ukraine bị thất thu).

Theo thông tin được một nhà ngoại giao Đông Âu tiết lộ với Financial Times, mặc dù hiện các nước Đông Âu đang “thua trong trận đánh này” nhưng họ sẽ tiếp tục đến cùng các nỗ lực để buộc Đức phải hủy bỏ kế hoạch trên.

Một quan chức ngoại giao châu Âu khác cũng cho biết rằng những nỗ lực của các quốc gia Đông Âu đã đạt được những kết quả ban đầu vì nhiều khả năng vấn đề “Dòng chảy phương Bắc 2” sẽ được đem ra thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh EU vào tháng 12 này.

Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker lại bác bỏ các tuyên bố của các nước Đông Âu rằng dự án của Đức là vấn đề liên quan đến chính trị.

Theo Jean-Claude Juncker, “Dòng chảy phương Bắc 2” là dự án thương mại và điều cần thiết hiện chỉ là kiểm tra xem dự án này có đáp ứng được các điều luật, quy tắc nội bộ của EU hay không.

Trong khi đó, Chính phủ Đức khẳng định rằng dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” chỉ là dự án thuần túy về kinh tế của các công ty tư nhân.

Dự án này được thực hiện sẽ là đảm bảo quan trọng cho nguồn cung khí đốt cho EU từ Nga được thông suốt mà không bị phụ thuộc vào tình trạng quan hệ giữa Nga với Ukraine.

Chính quyền Đức cũng khẳng định rằng sẽ cố gắng giảm thiểu ảnh hưởng của EU lên tiến trình thực hiện dự án.

Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel trong chuyến thăm đến Nga cũng đã khẳng định rằng Đức sẽ “hạn chế những khả năng can thiệp từ bên ngoài” đối với việc thực hiện dự án này.

“Dòng chảy phương Bắc 2” là dự án hợp tác giữa Nga với Đức để xây dựng 2 nhánh đường ống dẫn khí đốt từ Nga chạy qua biển Baltic đến Đức với tổng công suất 55 tỷ mét khối/năm.

Hợp đồng xây dựng đường ống với công ty Neww European Pipeline AG, công ty chuyên lắp đặt các đường ống dẫn khí đốt, đã dược ký kết ngày 4/9/2015.

Tính đến thời điểm hiện tại, cơ cấu cổ phần của các đối tác tham gia vào dự án này đã được xác định như sau: “Gazprom” của Nga chiếm 50%, BASF, E.ON, Engie, OMV, Shell, mỗi công ty chiếm 10% cổ phần.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại