Các cuộc tập trận quy mô lớn thường niên của liên quân Mỹ-Hàn Quốc trên bán đảo Triều Tiên vấp phải những sự chỉ trích rất cay độc từ phía Bình Nhưỡng.
Theo nhiều nguồn tin, đợt tập trận năm 2016 có nét riêng ở quy mô lớn chưa từng có và ở việc quân lính tập kết ở phía nam Khu phi quân sự giữa 2 miền của bán đảo Triều Tiên đã tích hợp một tình huống giả định mới vào nội dung diễn tập: Chiến dịch tấn công trực diện vào lãnh tụ cao nhất của Triều Tiên – ông Kim Jong-un.
Tuy nhiên cả quân đội Mỹ và bộ quốc phòng Hàn Quốc đều chưa thực sự khẳng định đây là một phần trong cuộc diễn tập Giải pháp then chốt-Đại bàng non bắt đầu vào tuần trước và sẽ diễn ra trong khoảng 2 tháng.
Nhưng Bình Nhưỡng – vốn chịu nhiều sức ép từ các bên, rất coi trọng những báo cáo về chiến dịch “chặt đầu” xuất hiện trên truyền thông Hàn Quốc.
Điều này giải thích vì sao ngôn từ của truyền thông Triều Tiên lần này dữ dội hơn các lần trước rất nhiều dù phía Triều Tiên vẫn có truyền thống dùng những ngôn từ mạnh mẽ.
Thế nào là chiến dịch “chặt đầu”?
Trước hết, phải nói rằng cách nói này là của truyền thông ở cả Triều Tiên và Hàn Quốc. Bên quân đội thì thích dùng cách nói “tấn công xử trảm” hơn.
Nhưng dù thuật ngữ cụ thể như thế nào thì đây cũng chẳng phải là khái niệm quá mới mẻ.
Chiến dịch “chặt đầu” là các cuộc tấn công có chọn lọc vào các mục tiêu là người có giá trị cao như lãnh đạo của đối phương, với mục đích phá rối hoặc phá hủy chuỗi chỉ huy thật nhanh ngay khi khủng hoảng nổ ra.
Các cuộc tấn công này được coi là đặc biệt hiệu quả trước các kẻ thù có cơ cấu chỉ huy mang tính tập trung cao – quy về một nhóm nhỏ hoặc một lãnh tụ.
Khi đã “hạ” được lãnh tụ này thì lẽ thông thường sẽ dễ dàng “xử trí” nốt lực lượng còn lại của đối phương hoặc chí ít cũng khiến họ khó duy trì và điều phối một cuộc tấn công.
Triều Tiên là một ví dụ điển hình về một đối phương như thế.
Mỹ đã sử dụng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái để trừ khử các nhân vật trọng yếu trong các mạng lưới khủng bố.
Bình Nhưỡng về phần mình cũng từng tổ chức ám sát Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee, cha của đương kim Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tại dinh thự của ông này vào năm 1968.
Do vậy, không có gì lạ nếu Bình Nhưỡng, Washington và Seoul xem xét một đòn tấn công kiểu này nếu lại nổ ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.
Mùa hè năm ngoái Washington và Seoul nhất trí về một kế hoạch mới huấn luyện đối phó với một khủng hoảng giữa hai miền Triều Tiên.
Kế hoạch đó có tên OPLAN 5015. Chữ “O” là viết tắt của chữ “chiến dịch” trong tiếng Anh.
Tin tức truyền thông nói gì?
Kể từ tháng 6/2015, khi kế hoạch mới nói trên được ký kết, truyền thông Hàn Quốc đưa tin rằng kế hoạch tác chiến mới bao gồm các cuộc tấn công phủ đầu và “chặt đầu”.
Đã có thêm nhiều tin tức như vậy kể từ khi Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân vào tháng 1/2016 và thử tên lửa vào tháng 2/2016.
Theo hãng tin Yonhap của Triều Tiên, các cuộc tập trận Giải pháp then chốt-Đại bàng non sẽ bao gồm việc tập luyện và mô phỏng các cuộc tấn công hủy diệt phủ đầu vào các điểm hạt nhân và tên lửa cùng với việc huấn luyện đối phó với một chiến dịch “chặt đầu” nhằm loại bỏ ông và chính quyền của ông trong tình huống xảy ra chiến tranh.
Tin tức cũng cho hay một loạt cuộc tập trận khác - do thủy quân lục chiến Mỹ và Hàn Quốc tổ chức - tập trung vào đổ bộ đường biển lên các bờ biển Triều Tiên và tiến công trực diện vào ban lãnh đạo Triều Tiên.
Các tin tức trên thường ít có nguồn hoặc giấu tên nguồn tin.
Chúng không cung cấp chi tiết nào về cách thức binh sĩ huấn luyện để thực hiện các cuộc tấn công như thế, mặc dù sự hiện diện của các đơn vị đặc nhiệm Mỹ đã được ghi nhận là đáng kể.
Triều Tiên đối phó với đòn “chặt đầu”
Trong khi đó Bộ tư lệnh tối cao của Quân đội Nhân dân Triều Tiên ra một thông cáo vào tháng trước gọi kế hoạch “chặt đầu” là “đỉnh cao của các hành động thù địch”. Thông cáo này nêu rõ vũ khí Triều Tiên đã “sẵn sàng khai hỏa”.
Ngày cuộc tập trận Mỹ-Hàn bắt đầu, tờ Minju Joson của Triều Tiên viết rằng “một thời khắc lịch sử vừa đến” và kẻ thù của Triều Tiên sẽ “hứng chịu thất bại cay đắng nhất” trước các lực lượng lục quân, hải quân, tàu ngầm, chiến tranh mạng, và các phương tiện tấn công hạt nhân.
Triều Tiên ngày càng điều chỉnh quân đội của mình theo hướng chiến thuật tác chiến “bất đối xứng”, sử dụng các yếu tố bất ngờ, bí mật... để giành được lợi thế trước một đối phương lớn hơn và trang bị tốt hơn.
Việc Triều Tiên tập trung vào các vũ khí mạng, lực lượng đặc nhiệm và vũ khí hạt nhân là các ví dụ kinh điển cho điều này.
Một cuộc tấn công “chặt đầu” có thể vô hiệu hóa tất cả những thứ đó.
Seoul đã và đang thử nghiệm các tên lửa mới có độ chính xác cao và khả năng đánh phá boong-ke.
Tuần trước Triều Tiên đã đưa ra câu trả lời của họ cho vấn đề này: Một hệ thống tên lửa cỡ lớn có thể phóng đồng loạt, với tầm bắn xa cho phép Triều Tiên đặt vũ khí ở nơi an toàn ngoài tầm phản pháo của Mỹ và Hàn Quốc.
Hệ thống này cũng phóng những quả tên lửa mà hệ thống phòng thủ tên lửa khó đánh chặn.
Triều Tiên có thể thiết kế đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để đặt lên các tên lửa đó.
Jeffrey Lewis, một chuyên gia về không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt ở California (Mỹ) cho biết, Triều Tiên đang phản ứng với từng mối đe dọa đánh “chặt đầu” từ phía Mỹ và Hàn Quốc.
Ông này viết: “Sự xuất hiện của hệ thống pháo tầm xa mới của là rất đáng chú ý – hệ thống này gắn liền với nỗi lo sợ của họ về các đòn “chặt đầu”.”
Lewis viết tiếp rằng cần phải tiếp tục nghiên cứu học thuyết hạt nhân của Triều Tiên cũng như các học thuyết quân sự quy ước của Hàn Quốc sử dụng các đòn phủ đầu và “xử trảm”./.