Các nhà khoa học ở TP Rostov-on-Don - Nga đang nghiên cứu để tích hợp những công nghệ mới nhất lên loài chuột nhằm tận dụng cái mũi siêu thính của chúng để phát hiện chất nổ và ma túy, đồng thời có thể được trưng dụng trong hoạt động chống khủng bố.
Nếu kế hoạch trên thành hiện thực, loài gặm nhấm này có thể đóng một vai trò to lớn trong việc chống lại các mối đe dọa ở các khu vực mà con người đôi lúc không thể phát hiện.
Các nhà khoa học Nga đã cấy vi mạch để theo dõi sóng não của những con chuột trong phòng thí nghiệm. Qua đó, họ hy vọng khai thác tế bào thần kinh của chúng để “huấn luyện” như cách con người làm với các loài động vật khác.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là phải mất 3 tháng để đào tạo một con chuột thành thục trong khi chúng chỉ sống được khoảng 1 năm. Điều này có nghĩa là các nhà khoa học phải “đào tạo” liên tục để có đủ số lượng chuột cần thiết nhằm cung cấp cho các lực lượng an ninh.
Ba nhóm các nhà khoa học Nga đang làm việc tích cực ở TP Rostov-on-Don, gần biên giới Ukraine, để giúp loài chuột sử dụng cái mũi của chúng cảm thụ mùi tốt hơn các thiết bị nhân tạo và ngay cả loài chó.
Nếu đạt kết quả, chuột có thể giúp tìm ra người sống sót sau các thảm họa tự nhiên.
Tiến sĩ Dmitry Medvedev, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết loài chuột có lợi thế hơn loài chó ở chỗ chúng có khả năng len lỏi qua các khe hở, điều mà những con vật to xác không thể làm được.
Các thuật toán đặc biệt sẽ giúp các nhà khoa học thu thập dữ liệu và số liệu thống kê về phản ứng của não bộ chuột đối với những mùi khác nhau, qua đó nhận diện được mùi của con người.
Để làm được điều này, họ phải “huấn luyện” chúng xác định thuốc nổ và ma túy trước.
“Khó khăn là chúng tôi không thể dùng chuột con và chuột già (vì khứu giác đã lão hóa). Chuột trưởng thành mất 2-3 tháng huấn luyện nhưng chỉ sống khoảng 1 năm” – tiến sĩ Medvedev chia sẻ.
Daily Mail đưa ra dự báo thú vị, đó là Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ dùng binh đoàn chuột để giúp chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria.
Trên thế giới, nhiều nước đã đạt thành tựu trong việc huấn luyện loài gặm nhấm này.
Những con chuột hamster châu Phi được sử dụng ở Angola, Tanzania, Mozambique, Campuchia và Thái Lan để phát hiện mỏ quặng dưới lòng đất. Colombia cũng sử dụng chuột cho mục đích tương tự, trong khi Israel sử dụng chuột để kiểm tra hành lý tại sân bay.