Đô đốc Mỹ tự tin quân đội TQ "10 năm nữa vẫn chưa bắt kịp Mỹ"

Đức Huy |

Tạp chí The Diplomat dẫn nhận định của Đô đốc Gary Roughead cho rằng, ít nhất là trong thập kỉ tới đây, Trung Quốc vẫn chưa phải là đối thủ của Mỹ về mặt quân sự.

Phát biểu trong khuôn khổ hội thảo tổ chức tại Trung tâm Phân tích Chiến lược Hải quân (CNA) hôm 28/7, cựu Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ - Đô đốc Gary Roughead nhận định, quân đội Trung Quốc vào thời điểm hiện tại vẫn chưa thể sánh được với Mỹ.

Ông Roughead cho rằng, dù quân đội Trung Quốc đang có sự gia tăng đáng kể về mặt số lượng, nhưng lợi thế về chất lượng vẫn hoàn toàn thuộc về Mỹ.

"Chí ít là trong thập kỉ tới, Washington vẫn trên cơ Bắc Kinh về mặt quân sự" - Đô đốc này khẳng định.

Tuy nhiên, ông cũng lo ngại rằng về lâu về dài, lợi thế "lấy thịt đè người" của Trung Quốc sẽ trở thành vấn đề đối với Mỹ, và Washington khi đó sẽ phải có những bước điều chỉnh hợp lý để giữ lợi thế về mặt quân sự trước một Bắc Kinh ngày càng hung hăng.

Trung Quốc xây dựng "mạng lưới căn cứ" khắp Eurasia

Cũng tại hội thảo, Đô đốc Roughead đã cảnh báo về một "mạng lưới căn cứ" đang ngày một được Bắc Kinh mở rộng không chỉ trong khu vực mà còn trên khắp thế giới, một thách thức không nhỏ đối với Mỹ.

Theo ông Roughead, Bắc Kinh đang tận dụng khả năng thao túng kinh tế để giành được một số quyền lợi nhất định tại các quốc gia chiến lược, qua đó mở rộng mạng lưới ảnh hưởng và tăng tầm bao phủ của các lực lượng hải quân Trung Quốc.

Cụ thể, Hải quân PLA đã giành được quyền neo đậu và hoạt động tại khu vực cảng các nước Oman, Pakistan, và Djibouti, những vị trí chiến lược trên hải phận Ấn Độ Dương.

Tàu Trung Quốc cập cảng Pakistan. Ảnh: Defense.pk
Tàu Trung Quốc cập cảng Pakistan. Ảnh: Defense.pk

Đô đốc Roughead phân tích, có thể coi đây là những căn cứ của Trung Quốc. Tại đây, Bắc Kinh có thể mở rộng tầm bắn, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ mục đích quân sự, cũng như thu thập thông tin tình báo.

Trong tương lai, ông dự kiến Trung Quốc có thể sẽ thuyết phục Hy Lạp cho "tá túc" để có thể tiếp cận khu vực phía đông Địa Trung Hải giàu tài nguyên khí đốt, hay thậm chí mở thêm cả "căn cứ" tại Iran, quốc gia vốn đã có quan hệ hàng hải rất tốt với Trung Quốc.

"Chúng ta đang chứng kiến sự hình thành của các 'căn cứ' phiên bản Trung Quốc" - ông Roughead phát biểu.

"Căn cứ" của Trung Quốc tại các nước nói trên, theo ông, chỉ là những hiệp ước neo đậu và sử dụng cơ sở hạ tầng tạm thời, khác với các hiệp ước hợp tác chặt chẽ và đóng quân thường trú của Mỹ với các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ngoài ra, Đô đốc này cho rằng Trung Quốc nhiều khả năng sẽ phát triển thêm các "căn cứ" như vậy trên khắp Eurasia, đặc biệt là các quốc gia bị thuyết phục bởi những lợi ích thu được từ chính sách "Một Vành đai, Một Con đường" của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, ông Roughead nhấn mạnh các "căn cứ" này của Trung Quốc phân bổ không đều và tương đối rời rạc, khác với những lo ngại có phần thái quá về cái gọi là "Chuỗi Ngọc trai" trong mưu đồ bành trướng của Bắc Kinh.

Trung Quốc - thách thức lớn nhất của Mỹ

Nhưng theo ông, sự kết hợp của tầm ảnh hưởng kinh tế toàn cầu cũng như các động thái quân sự ngày càng được đẩy mạnh của Trung Quốc đã biến nước này trở thành thách thức chiến lược lớn nhất của Mỹ vào thời điểm hiện tại, thay vì Nga hay Nhà nước Hồi giáo (IS).

Trước tình hình đó, Đô đốc Roughead cho rằng Mỹ nên tiếp tục điều phối thêm nguồn lực từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương, trong đó ít nhất là một tàu sân bay và một lực lượng đổ bộ để bảo vệ Đông Nam Á trước mưu đồ bành trướng của Trung Quốc.

Ngoài những gì phía Mỹ có thể tự kiểm soát, ông Roughead nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác với các đồng minh trong khu vực như Nhật Bản và Australia, cũng như đối tác mới nổi Ấn Độ, nhằm đảm bảo an ninh khu vực.

viện nghiên cứu quốc phòng ấn độ
GS. Harsh V. Pant
Hiện nay, với việc Mỹ có quá nhiều mối quan tâm cả trong và ngoài nước, các thế lực khác tại châu Á - Thái Bình Dương, điển hình là tam giác Ấn Độ - Nhật Bản - Australia, đã và đang tỏ ra chủ động hơn trong công cuộc ổn định tình hình khu vực.

Ông Roughead cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhanh chóng hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đồng thời cho rằng tiếng nói của Mỹ trong khu vực sẽ "giảm trọng lượng đáng kể" nếu TPP không được hoàn tất.

"Chính sách đối phó với Trung Quốc cần tập trung nhiều hơn vào các đồng minh và đối tác của Mỹ hơn là chỉ nhắm tới Trung Quốc" - Đô đốc này phát biểu.

Xa hơn, ông kêu gọi Mỹ kéo giãn tầm nhìn chiến lược và định hướng cho năm 2024. Khi đó ngoài việc Mỹ sẽ có nội các mới, nhiệm kì của Tập Cận Bình (hết năm 2022) cũng đã qua, và Shinzo Abe cũng như Narendra Modi nhiều khả năng cũng sẽ không còn tại vị.

Kết thúc bài phát biểu, ông Roughead nhấn mạnh Mỹ cần tìm hiểu kĩ hơn về bộ máy lãnh đạo mới của quân đội Trung Quốc, những người Washington sẽ phải đối phó trong thời gian tới để đảm bảo ưu thế về mặt quân sự của Mỹ đối với Trung Quốc không bị ảnh hưởng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại