"Quyết đoán bất thường, liều lĩnh bất thường"
Phóng viên hãng tin Anh BBC nhận định, sự việc lần này chính là những gì mà nhiều người đã lo sợ kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch không kích tại Syria. Mối nguy hiểm của việc hoạt động gần khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ đã quá rõ ràng.
Ông này cho rằng, dù Su-24, khi bị bắn rơi, có thực sự đi vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ hay không, thì đều có 1 yếu tố cần phải xét tới, đó là tâm thế sẵn sàng "khai hỏa" của Thổ Nhĩ Kỳ.
Hồi giữa tháng Mười, sau những chỉ trích, phản đối từ phía Ankara về việc nhiều lần bị máy bay Nga xâm phạm không phận, Moscow đã phải lên tiếng xin lỗi và giải thích rằng đó là do sự cố chứ không phải hành động có chủ ý.
Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn, bất chấp cảnh báo từ Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmed Davutoglu rằng Ankara sẽ không do dự mà bắn hạ các máy bay xâm phạm. Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ đã hơn một lần bắn rơi máy bay không người lái của Nga cũng vì lý do trên.
Báo Anh The Guardian dẫn lời nhà cựu ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Sinan Ulgen đánh giá: "Đây không phải là điều gì đáng ngạc nhiên nếu xét về chiến lược của Nga.
Kể từ khi can thiệp quân sự vào Syria, Nga luôn tìm cách thách thức, thăm dò phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ trước các sự việc xảy ra tại khu vực biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ".
Máy bay Nga đã từng nhiều lần đi vào không phận các quốc gia NATO tại vùng Baltic. Trong những trường hợp này, NATO thường phản ứng bằng cách điều máy bay tới chặn các chiến đấu cơ này mà chưa bao giờ bắn hạ nó.
Các quan chức Nga có xu hướng coi NATO là một khối thống nhất, và từ kinh nghiệm ở Baltic, họ đi tới kết luận rằng Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ không bắn vào chiến đấu cơ của mình.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ lại là một trường hợp khác hẳn, và có vẻ như Moscow đã tính toán sai. Thổ Nhĩ Kỳ mạnh mẽ và cương quyết hơn các đồng minh của mình.
Thêm vào đó, theo trang tin Mỹ VOX, "chính sách đối ngoại của nước này thường là quyết đoán bất thường, hoặc liều lĩnh bất thường (hoặc đôi khi là cả hai). Điều này đặc biệt đúng tại Syria, nơi có các chiến binh đối lập chống ông Assad mà họ hậu thuẫn".
Ông Luke Coffey, chuyên gia về an ninh châu Âu từ tổ chức tư vấn chính sách quốc tế Mỹ Heritage Foundation còn chỉ ra rằng, tỉnh Hatay "từ lâu đã là lãnh thổ tranh chấp giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù cộng đồng quốc tế đã công nhận nó thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ".
Tỉnh Hatay chính là nơi chiến đấu cơ Su-24 của Nga bị cáo buộc xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo học giả Coffey, việc Nga cho máy bay bay gần nơi này, một phần là nhằm "kiểm tra năng lực của Thổ Nhĩ Kỳ, rộng hơn là năng lực phòng thủ trên không của NATO".
Mâu thuẫn ngày càng gia tăng
Lập trường khác nhau của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria đã trở thành rào cản trong quan hệ 2 nước.
Cũng như Mỹ và châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, thực chất, chiến dịch không kích của Nga tại Syria là nhằm bảo vệ ông Assad tiêu diệt các lực lượng đối lập, trong đó có cả những lực lượng được Thổ Nhĩ Kỳ trang bị, đào tạo.
Trang tin tức của đài phát thanh Mỹ NPR nhận định, Thổ Nhĩ Kỳ đang phải chịu gánh nặng lớn hơn bất cứ quốc gia nào khác can dự vào Syria, đồng thời cũng có nhiều mục tiêu riêng của mình.
Trong khi Ankara coi người Kurd là những kẻ khủng bố cần phải tiêu diệt, thì Moscow lại coi họ là một lực lượng đóng vai trò tích cực, không thể thiếu trong cuộc chiến chống khủng bố.
Thậm chí còn có những dấu hiệu cho thấy Nga sẵn sàng bắt tay, cung cấp vũ khí cho lực lượng này, khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải lên tiếng chỉ trích, thậm chí là triệu tập Đại sứ Nga để bày tỏ lo ngại.
Căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tăng cao khi Nga được cho là đã ném bom vào cộng đồng người thiểu số Turkmen (gốc Thổ Nhĩ Kỳ, sống ở Syria) hồi tuần trước.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu rất tức giận chỉ trích Nga ném bom vào "những người anh em" của họ và "lên án một cách mạnh mẽ nhất cuộc tấn công man rợ này".
Không thể cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga để trả đũa các hành động của Nga ở Syria, song rõ ràng là Moscow và Ankara đang ở 2 bên "chiến tuyến" mà hậu quả của nó, có thể chính là sự việc lần này.
Thời cơ cho Erdogan
Đa phần giới học giả đều cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ thực chất không muốn làm căng thẳng sự việc lần này thêm nữa, bởi những mối quan hệ lợi ích về mặt kinh tế, thương mại với Nga.
Giáo sư Mark Galeotti cho hay, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đang tận dụng cơ hội này để "dạy cho Nga một bài học".
"Kremlin gần như không thể hiện rằng nước này xem Ankara là một đồng minh quan trọng, một đối tác hay một "người chơi" (trên bàn cờ chính trị), ngay cả trong thời điểm ông Putin và Erdogan vẫn còn hòa hợp.
Có thể Ankara đã chớp ngay cơ hội này để dạy cho Moscow một bài học và thể hiện rằng, mình cũng là một nhân tố quan trọng".
Ông Andrew Bowen, Giám đốc Trung tâm Nghiên Cứu Trung Đông của tạp chí Mỹ National Interest, thì chỉ ra rằng, ông Erdogan nhiều khả năng sẽ qua sự việc lần này để tìm kiếm thêm lợi ích về cả chính trị và quân sự cho Ankara.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ không bỏ lỡ cơ hội thúc đẩy Mỹ triển khai hệ thống tên lửa phòng không Patriot dọc biên giới nước này.
Thêm vào đó, ông Erdogan dường như cũng hi vọng rằng, các đối tác NATO sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với mình, thay vì Nga hay Iran.