Địa danh tối mật "biết càng ít, ngủ càng ngon" ở Crimea

Hà Dũng |

(Soha.vn) - Nhiều năm sau, người dân Crimea ở đây vẫn giữ thói quen không hỏi về những gì không liên quan đến mình và luôn khắc cốt ghi tâm câu nói “Biết càng ít, ngủ càng ngon".

Khi tình hình ở Crimea đang có nhiều thay đổi, thế giới dường như đều đổ dồn sự chú ý vào Sevastopol, thành phố cảng lâu đời, nơi có Hạm đội Biển Đen của Nga đóng quân. Nhưng ở Crimea còn có những địa danh nổi tiếng không kém một trong số đó là Balaklava - nơi từng là cứ điểm chính của liên quân Đế quốc Anh, Đế quốc Pháp, Đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) và Sardegna trong cuộc chiến chống lại Đế quốc Nga

"Thung lũng bóng đen chết chóc"

Vùng đất Balaklava thơ mộng trên bán đảo Crimea từng nổi danh là chiến địa khốc liệt của Châu Âu. Nơi đây được nhớ tới với cái tên “Thung lũng bóng đen chết chóc” - một cụm từ có thể khiến người ta rùng mình ngay cả khi nghĩ đến.

“Thung lũng bóng đen chết chóc” bắt nguồn từ tên một bức ảnh nổi tiếng của nhiếp ảnh gia người Anh Roger Fenton, ghi lại chụp lại quang cảnh tàn khốc của chiến trường sau trận Balaklava tháng 10/1854. Sự đối đầu khốc liệt giữa quân đội Anh và Nga tại vùng đất này đã khiến 12 nghìn quân Nga bị thương vong, 4 chiến hạm lớn và 12 chiến hạm loại vừa của Nga bị phá hủy.

Trận Balaklava là một phần trong cuộc Chiến tranh Crimea - cuộc chiến giữa liên quân Đế quốc Anh, Đế quốc Pháp, Đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) và Sardegna chống lại Đế quốc Nga từ năm 1853 - 1856.

Trong suốt 3 năm này, Balaklava là nơi đóng quân của lực lượng quân đội Anh, cũng là cứ điểm chính, bảo vệ cánh phải của liên quân. Người Anh tập trung ở đây hầu như toàn bộ các thuyền chiến được huy động cho cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, so với quân Nga, số quân này tương đối ít.

Cuộc chiến tranh Crimea giữa các đế quốc phong kiến Châu Âu đã khiến 2 triệu người thiệt mạng. Chiến tranh Crimea được xem là chiến tranh hiện đại đầu tiên trong lịch sử thế giới với sự phát triển của kỹ thuật quân sự đặc biệt là kỹ thuật pháo binh và làm thay đổi phương thức tác chiến.

Bức ảnh Thung lũng bóng đen chết chóc nổi tiếng

Bức ảnh "Thung lũng bóng đen chết chóc" nổi tiếng về cuộc chiến tranh Crimea

"Biết càng ít, ngủ càng ngon"

Balaklava cũng từng là một vùng đất tối mật của Liên Xô trong suốt một thời gian dài khi là đóng vai trò là căn cứ tàu ngầm hạt nhân lớn nhất thế giới, cũng là nơi có căn cứ tên lửa đạn đạo "Object 100" với quy mô đồ sộ.

Sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, Mỹ và Liên Xô lao vào cuộc chạy đua vũ trang hết sức tốn kém mà các tàu ngầm hạt nhân là một trong những lá bài chiến lược. Để phục vụ cho mục đich này, năm 1953, Stalin đã phê duyệt kế hoạch xây dựng một căn cứ dành cho tàu ngầm hạt nhân tại Balaklava mang tên hiệu GTS 825 với yêu cầu căn cứ này phải chống đỡ được các cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân từ đối phương.

Với diện tích rộng lớn, khoảng 350.000 m2 cũng như mức độ phức tạp của các hệ thống bảo dưỡng tàu ngầm, vũ khí và hệ thống cung cấp hậu cần, trú ẩn, nghỉ ngơi, Liên Xô đã phải mất tới 9 năm để hoàn thành dự án vào năm 1961.

Căn cứ được xây dựng bên trong một ngọn núi, các đường hầm đều được làm cong với những cánh cửa dày, những đường kênh được lát các tấm thép phía trên. Với kết cấu này, căn cứ tàu ngầm Balaklava được cho là có khả năng chịu được bom nguyên tử có đương lượng nổ 100 kilotons. Độ ẩm trong căn cứ luôn được giữ ở mức 60%, nhằm đảm bảo an toàn cho những vũ khí hạt nhân được cất giữ, bảo dưỡng ở đây.

Tại đây dự trữ rất nhiều nước ngọt, lương thực, thực phẩm, thuốc men, nhiên liệu cùng với hệ thống điện, hệ thống lọc không khí…Ước tính lượng dự trữ và các hệ thống này có thể duy trì sự sống cho 3.000 người trong vòng 3 năm.

Với vai trò là nơi nghỉ ngơi của các đơn vị hải quân tàu ngầm chiến lược, căn cứ Balaklava cũng có đầy đủ cửa hiệu bánh mì, bệnh viện, khu dân cư sinh sống, các phòng giải trí dành cho binh lính… Tuy nhiên, chúng đều được xây dựng biệt lập hoàn toàn với các cư dân Crimea và được canh gác cẩn mật.

Những năm từ 1957 cho đến năm 1992, khi Liên Xô tan rã hoàn toàn, địa danh Balaklava đã bị xóa sạch trên tất cả các bản đồ, những người lạ chỉ lởn vởn quanh đây cũng sẽ bị kiểm tra và theo dõi gắt gao.

Miệng một ống phóng tên lửa đạn đạo ở Balaklava

Miệng một ống phóng tên lửa đạn đạo ở Balaklava

Tuy là khu vực tối mật nhưng việc hoạt động theo một số quy luật nhất định cũng như thói quen của quân nhân trong căn cứ khiến việc vận hành của căn cứ đôi lúc không còn là bí mật.

Để đảm bảo bí mật khi di chuyển, các tàu ngầm hạt nhân với kích thước đồ sộ đều ra vào căn cứ với trạng thái ngập ở dưới nước. Các tàu ngầm chỉ ra vào ban đêm và trong suốt khoảng thời gian đó, thành phố Balaklava thường xuyên bị cắt điện.

Căn cứ này bắt đầu bị bỏ hoang khi Liên Xô tan rã. Các tàu ngầm đã được di chuyển khỏi căn cứ, trang thiết bị máy móc cũng bị dỡ bỏ, một số bị phá huỷ.

Dù vậy, nhiều năm sau này, người dân ở đây vẫn còn gìn giữ nét văn hóa thời kỳ chiến tranh Lạnh: Không hỏi về những gì không liên quan đến mình và luôn khắc cốt ghi tâm câu nói “Biết càng ít, ngủ càng ngon”.

Giờ đây, căn cứ tàu ngầm hoành tráng và tối mật trước kia chỉ còn là di tích hoang tàn, đổ nát. Hiện tại, nơi đây chỉ còn những bức tường rêu phong, những quả ngư lôi với chỉ dẫn mờ nhạt trên nền sơn đã phai gần hết. Song trong tâm trí những người dân Crimea thì Balaklava vẫn là một địa danh gợi lên nỗi nhớ về sự khốc liệt của chiến tranh cũng như quá khứ hùng mạnh của Liên Xô.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại