Từ những năm 90 của thế kỷ 20, khi Trung Quốc vừa mở cửa được hơn một thập kỷ, những người nhìn xa trông rộng trên thế giới đã sớm dự đoán được sự trỗi dậy của quốc gia Đông Á này.
Với những ưu thế về diện tích lãnh thổ rộng lớn, có dân số đứng đầu thế giới, vị trí thuận lợi khi nằm ở trung tâm khu vực phát triển kinh tế năng động nhất Châu Á, không ai có thể nghi ngờ về tiềm năng khổng lồ của Trung Quốc.
Vì thế việc nước này vươn lên trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới sau ba thập kỷ mở cửa là điều đã được dự báo trước.
Nhưng, cái giá để đổi lấy việc một cỗ máy khổng lồ hoạt động với tần suất cao hơn bình thường cũng không phải là nhỏ.
Những vấn đề lớn nhất của nền kinh tế và xã hội Trung Quốc cũng đã được giới phân tích trên thế giới đề cập từ lâu. Nổi bật nhất là an ninh năng lượng và an ninh lương thực.
Nền kinh tế Trung Quốc đang như một cỗ máy tham lam ngốn một lượng lớn tài nguyên của thế giới trong quá trình phát triển, an ninh năng lượng từ lâu đã được chính phủ Trung Quốc coi là một vấn đề cấp bách hàng đầu.
Bắc Kinh đã làm mọi thứ, từ hợp tác đầu tư để khai thác tài nguyên khoáng sản thô ở Châu Phi cho đến tung tiền cho vay để duy trì đường cung cấp dầu mỏ ổn định từ Venezuela hay Iran.
Kho dự trữ dầu mỏ của Trung Quốc cũng đang đứng hàng đầu thế giới, ở mức 100 ngày trong khi đa phần các quốc gia khác chỉ dự trữ ở mức 30 ngày.
Nếu an ninh năng lượng là để đảm bảo quá trình tăng trưởng kinh tế được ổn định, thì an ninh lương thực lại mang tầm quan trọng lớn hơn là để giữ sự ổn định của nền tảng xã hội Trung Quốc.
Dân số khổng lồ Trung Quốc vẫn đang không có dấu hiệu giảm dù nước này đã áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình nghiêm ngặt, trong khi quá trình công nghiệp hóa mạnh mẽ trong hơn ba mươi năm qua đang khiến lượng đất nông nghiệp của nước này giảm dần do xây dựng nhà máy, đô thị hóa hay bị ô nhiễm trầm trọng.
Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu tính đến việc thuê hay mua đất ở các nước đang phát triển để tiến hành các hoạt động nông nghiệp như trồng trọt và chăn nuôi để cung cấp lương thực cho người dân Trung Quốc thay vì phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu.
Vì thế, nếu phải chọn một biểu tượng cho quá trình phát triển kinh tế chóng mặt và những thách thức Trung Quốc phải đối mặt ở thời điểm hiện tại, thì đó phải là lợn, loài vật chăn nuôi truyền thống của Trung Quốc nay đã thực sự tạo dựng thành một đế chế ở nước này.
Theo ước tính, lượng thịt lợn tiêu thụ ở Trung Quốc từ sau khi nước này mở cửa đã tăng gấp bảy lần, một biểu tượng không thể thích hợp hơn cho quá trình phát triển kinh tế cao độ của nước này.
Lợn là loài vật mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp trong văn hóa truyền thống Trung Quốc liên quan đến sự giàu sang, no đủ cũng như về sinh sản, các hoạt động văn hóa truyền thống luôn có sự góp mặt của lợn.
Bản thân người Trung Quốc cũng thích ăn thịt lợn, ước tính mỗi người Trung Quốc hiện tại ăn 39 kg thịt lợn mỗi năm, nhiều hơn lượng thịt bò mà mỗi người Mỹ ăn và lớn gấp năm lần lượng thịt lợn mà người Trung Quốc ăn trước khi nước này mở cửa.
Lợn vì thế cũng đang là biểu tượng cho những vấn đề mà Trung Quốc phải đối mặt, đó là an ninh lương thực.
Để duy trì được lượng thịt lợn đủ cung cấp cho thị trường, Trung Quốc đang phải nhập khẩu một lượng lớn các nhu yếu phẩm cần thiết cho ngành chăn nuôi lợn, từ năm 2010 lượng nhập khẩu đậu nành của Trung Quốc đã chiếm hơn 50% tổng thị trường đậu nành toàn cầu, và hội đồng ngũ cốc Mỹ cũng dự báo rằng Trung Quốc sẽ phải nhập khẩu 19 đến 32 triệu tấn ngô vào năm 2022.
Tầm quan trọng của lợn thậm chí lớn đến mức, chính phủ Trung Quốc đã phải can thiệp vào thị trường để ổn định giá thịt lợn khi dịch lợn tai xanh tràn vào nước này gây thiệt hại khoảng 45 triệu con khiến giá thịt lợn tăng mạnh.
Chất thải của ngành công nghiệp chăn nuôi khổng lồ này cũng đang tạo thành một trong những vấn nạn lớn nhất của nạn ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc.
Cái giá để duy trì ổn định và hoạt động của một xã hội đông dân và phức tạp như xã hội Trung Quốc vì thế là không nhỏ chút nào.