Việc Conoco - một trong những công ty dầu lửa lớn nhất Mỹ - chính thức chấm dứt hoạt động ở Nga được đánh dấu bằng việc bán lại cổ phần trong Polar Lights, một liên doanh giữa Cocono và hãng dầu lửa quốc doanh Rosneft của Nga.
Quyết định rút khỏi Nga sau 25 năm hoạt động tại nước này của Conoco cho thấy những thách thức mà các nhà đầu tư nước ngoài phải đối mặt khi rót vốn vào lĩnh vực năng lượng ở Nga. Căng thẳng chính trị và giá dầu giảm sâu là những yếu tố chính dẫn tới những khó khăn này.
Kể từ khi Liên Xô tan rã, các công ty dầu lửa lớn của phương Tây ra sức tiếp cận với trữ lượng dầu khí khổng lồ của Nga.
Tuy nhiên, kết quả thường là các công ty này thương nhận thấy họ không “đấu” nổi với giới tài phiệt Nga cũng như không vượt qua được những khó khăn liên quan đến chính trị.
“Không có nhiều công ty dầu lửa phương Tây có thể kiếm được tiền ở Nga”, ông Thane Gustafson, tác giả “Wheel of Fortune”, một cuốn sách về lịch sử ngành công nghiệp dầu lửa Nga.
Theo ông Gustafson, BP, ExxonMobil và Schlumberger là ba ngoại lệ kiếm được lợi nhuận khi đầu tư vào ngành dầu khí Nga.
Conoco xác nhận đã bán lại cổ phần 50% trong Polar Lights, liên doanh tập trung vào các dự án khai thác dầu ở vùng Tây Bắc của Nga. Trước đây, Conoco còn nắm cổ phần 20% trong hãng dầu lửa Lukoil của Nga, nhưng đã bán lại vào năm 2011.
Tuần trước, Rosneft cũng đã bán cổ phần của mình trong Polar Lights. Theo một số nguồn tin, liên doanh này được định giá ở mức khoảng 150-200 triệu USD.
“Không có bất kỳ khoản đầu tư nào của họ [các công ty dầu lửa phương Tây] ở Nga từng mang lại hiệu quả tích cực”, ông Matthew Sagers, giám đốc phụ trách lĩnh vực năng lượng Nga tại công ty nghiên cứu IHS, nhận định.
Trong mấy năm gần đây, các tập đoàn phương Tây đã ký một loạt thỏa thuận với các công ty dầu lửa Nga về hợp tác thăm dò và khai thác các mỏ dầu có trữ lượng lớn nhưng “khó nhằn” ở vùng Bắc Cực và các mỏ dầu đá phiến.
Tuy vậy, các dự án này hầu như đã đóng băng trong bối cảnh Nga chịu lệnh trừng phạt của phương Tây và giá dầu sụt giảm.
Bên cạnh đó, chiến lược “xoay trục về châu Á” của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mở đường cho các công ty Trung Quốc và Ấn Độ nhảy vào các dự án năng lượng của Nga.
“Trước đây, các công ty cho rằng dầu lửa là khan hiếm, mà Nga lại có nhiều dầu, nên họ phải đến Nga. Nhưng giờ thì khác. Dầu có ở nhiều nơi, bao gồm ở North Dakota, Mỹ, nên các công ty không còn phải đi tìm ở những nơi xa xôi nữa”, ông Sagers phát biểu.