Theo Reuters hôm 22-12, thông tin cho thấy nhân viên của công ty này đã “bỏ của chạy lấy người” và hồ sơ từ chính quyền cho thấy công ty cũng không đủ điều kiện để thực hiện công việc tích trữ bùn đất từ các công trình xây dựng của địa phương.
Thông tin từ chính quyền địa phương cho biết đã huy động hàng ngàn người cứu hộ cùng các thiết bị hiện đại như bộ cảm biến, máy bay không người lái và máy xúc đất để làm việc liên tục trên diện tích rộng khắp 380.000m2.
Thậm chí cơ quan chức năng cho biết đã dùng đèn pha thắp sáng khu vực để hoạt động cứu hộ không bị gián đoạn.
Tuy nhiên, đó là những gì chính quyền phát biểu với báo giới.
Người dân địa phương lại chỉ trích dữ dội việc lực lượng cứu hộ đã đột ngột dừng công tác tìm kiếm cứu hộ người bị nạn trong vụ lở đất tại khu công nghiệp Hằng Thái Dụ, ở ngoại ô Thâm Quyến, từ khoảng 23g ngày 21 đến tận 4g sáng 22-12.
Báo South China Morning Post cho biết người thân của các nạn nhân mất tích đặt câu hỏi vì sao chính quyền lại cho dừng tìm kiếm đến năm giờ, trong khi đây là “thời gian vàng” để tìm kiếm và cứu hộ những người còn sống sót.
Trước đó, truyền thông Trung Quốc đưa tin chính quyền Thâm Quyến cam kết với dân sẽ tìm kiếm nạn nhân bị chôn vùi xuyên đêm.
Một số thân nhân người bị nạn cho biết khoảng 2g sáng 22-12, họ tìm cách tiếp cận hiện trường vụ lở đất (trước đó bị lực lượng cảnh sát và quân đội phong tỏa nghiêm ngặt) và phát hiện những chiếc xe máy xúc im lìm không làm việc.
Chính quyền Thâm Quyến cho biết ít nhất 33 tòa nhà đã bị san bằng hoặc bị chôn vùi dưới đống đất bùn khổng lồ dày cả chục mét.
Một nạn nhân sống sót từ vụ lở đất tên Hồ Văn Hoa bức xúc cho biết: “Tôi đã muốn liên hệ với đội cứu hộ để cung cấp thông tin về nơi mà những người hàng xóm và chồng tôi có thể đang bị chôn vùi nhưng tôi không có cơ hội tiếp xúc với họ”.
Một số người sống sót khác cho biết thêm thậm chí họ còn bị tách ra khi được đưa đến bệnh viện điều trị. Điều này khiến họ gặp khó khăn trong việc chia sẻ thông tin với nhau về người thân đang bị nạn.
Tính đến chiều 22-12, chính quyền Thâm Quyến xác nhận có tổng cộng 76 người mất tích, giảm 15 người so với công bố trước đó. Nhưng lực lượng cứu hộ chỉ có thể tìm thấy thêm một thi thể trong chiều cùng ngày.
Thân nhân của người bị nạn vẫn khăng khăng cho rằng số người mất tích cao hơn con số thống kê của chính quyền, vì ở khu vực bị nạn có nhiều nhà tạm bợ của những người lao động nhập cư không có đăng ký nhân khẩu với chính quyền địa phương, thậm chí lực lượng lao động này còn đưa người thân lên thành phố sống cùng.