Hôm 10/7, giới truyền thông đưa tin chính phủ Indonesia đã ra thông báo kế hoạch xây dựng một căn cứ quân sự mới bảo vệ vùng biên giới của nước này gần khu vực Biển Đông.
Mặc dù, kế hoạch này mới trong giai đoạn khởi đầu, nhưng nó là một phần quan trọng trong chính sách tăng cường bảo vệ chủ quyền quốc gia của Tổng thống Joko “Jokowi” Widodo.
Nói cách khác, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối được chính quyền của Tổng thống Jokowi đề ra.
Trước đó, hồi tháng Một, trong một tuyên bố về chính sách quốc gia thường niên, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi đã lần đầu tiên nhấn mạnh nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Indonesia sẽ tuân theo quy tắc phản ứng mạnh mẽ trước các hành động xâm phạm lãnh thổ quốc gia cũng như phân định rõ các đường biên giới trên biển.
Và chính sách "đánh đắm tàu thuyền nước ngoài xâm nhập lãnh thổ Indonesia" đã phản ánh phần nào quyết tâm của Tổng thống Jokowi.
Đây cũng là cơ sở để Indonesia tuyên bố kế hoạch xây dựng thêm tiền đồn quân sự nằm ở các vùng biên giới nhằm bảo vệ sự hợp nhất lãnh thổ.
Theo tạp chí The Diplomat, trọng tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Indonesia bao gồm cả những khu vực đang xảy ra tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Bởi lâu nay, Indonesia đã nhiều lần lên tiếng phản đối cái gọi là bản đồ "đường chín đoạn" phi lý của Trung Quốc.
Theo Jakarta, tấm bản đồ mà Trung Quốc công bố đã chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế giàu tài nguyên của nước này ở quần đảo Natuna.
Tuy nhiên, kế hoạch tăng cường bảo vệ chủ quyền của chính quyền Indonesia không chỉ bó hẹp trong phạm vi Biển Đông.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Phát triển Quốc gia (Bappenas) Andrinof Chaniago, phạm vi bảo vệ chủ quyền của Indonesia hiện ngày càng rộng lớn.
Trong kế hoạch được công bố hôm 10/7, quần đảo Natuna chỉ là một trong số những địa điểm đang được chính phủ Indonesia xem xét triển khai xây dựng căn cứ quân sự tiềm năng cùng với các khu vực như Sambas, Tây Kalimantan, quần đảo Riau, Tarakan và Bắc Kalimantan.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch xây dựng các căn cứ quân sự mới.
"Trước đây tôi đã làm việc ở Tây Kalimantan và tôi tin rằng việc xây dựng một căn cứ quân sự ở đó là một quyết định đúng đắn. Chúng tôi có những nguồn tài nguyên thiên nhiên cần được bảo vệ", ông Ryacudu nói.
Mặc dù Indonesia không phải là nước đang có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông song hành động coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc buộc Jakarta phải có kế hoạch phòng bị.
Ngoài ra, bản đồ “đường chín đoạn” phi lý của Bắc Kinh đã chồng lấn lên khu vực quần đảo Natuna của Indonesia và đẩy bất ổn an ninh trong khu vực không ngừng gia tăng.
Kể từ thập niên 90, Indonesia đã thi hành chính sách cẩn trọng và khôn khéo bằng con đường ngoại giao, pháp lý và an ninh để phản đối yêu sách của Trung Quốc cũng như không công nhận tính hợp pháp của những khu vực mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền.
Jakarta còn giúp xây dựng gây dựng lòng tin giữa các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông đồng thời duy trì vị thế Indonesia là nước không tuyên bố chủ quyền tại vùng biển chiến lược này.
Những vấn đề liên quan tới Biển Đông mà cụ thể là quần đảo Natuna đã trở thành mối quan tâm lớn đối với các nhà hoạch định chính sách quốc phòng tại Indonesia từ thập niên 90.
Điển hình, kể từ đầu năm 1996, Indonesia đã cho tổ chức một cuộc tập trận quân sự quy mô lớn nhất lấy bối cảnh là quần đảo Natuna.
Và kể từ những năm 2000, Natuna đã là điểm nóng được quân đội Indonesia (TNI) quan tâm trong chương trình tiến hướng tới thành lập "Lực lượng cần thiết tối ưu" (MEF) vào năm 2024.
Tạp chí Diplomat nhận định ngay cả trước thời điểm ông Jokowi lên làm Tổng thống, chính sách tiếp cận các vấn đề trên Biển Đông của Indonesia vẫn không hề thay đổi.
Chính sự hung hăng và ngang ngược của Trung Quốc đã khiến giới chức quân sự Indonesia ngày càng tỏ rõ quan điểm và thẳng thắn đề cập tới vấn đề chủ quyền trên Biển Đông.
Thậm chí, một số tuyên bố đã được hiện thực hóa như việc nâng cấp cơ sở hạ tầng căn cứ không quân của Indonesia trên quần đảo Natuna.
Dưới đường lối lãnh đạo của chính quyền Tổng thống Jokowi, năng lực bảo vệ các lợi ích của Indonesia trên Biển Đông ngày càng được chú trọng.
Điển hình, các kế hoạch quân sự hiện thời vẫn tiếp tục coi quần đảo Natuna là điểm nóng cần được quan tâm.
Điểm đáng nói, việc công bố kế hoạch xây dựng các căn cứ quân sự tiềm năng gần Biển Đông đã mô tả chi tiết và xác thực hơn bao giờ hết quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Indonesia.
Tuy nhiên, kế hoạch xây dựng các căn cứ quân sự trên Biển Đông của Indonesia mới chỉ trong giai đoạn khởi đầu.
Bởi theo Chủ nhiệm Bappenas, ông Andrinof Chaniago, Indonesia cần thành lập một nhóm nghiên cứu chung để triển khai kế hoạch.
Sau đó, chính nhóm này sẽ đệ trình nghiên cứu lên Tổng thống Jokowi và đưa ra quyết định cuối cùng.
Ông Chaniago hy vọng kế hoạch này sẽ được thực hiện trong tương lai gần. Song cho tới nay, vị trí đặt các căn cứ quân sự vẫn chưa được phía Indonesia công bố.