Đàm phán Thiên Tân
Tuần trước, đại diện cấp cao các nước ASEAN và Trung Quốc đã họp mặt tại Thiên Tân (Trung Quốc) để thảo luận về việc áp đặt Tuyên bố Ứng xử các bên về Biển Đông (DoC), cũng như đẩy mạnh đàm phán thiết lập một Bộ Quy tắc Ứng xử (CoC) rành mạch hơn.
Cuộc họp mặt này đến trong lúc căng thẳng giữa các bên liên quan vẫn chưa có chiều hướng suy giảm, với việc Trung Quốc trong hơn một năm qua liên tục thực hiện các hành vi xây dựng cải tạo đất đá phi pháp trên Biển Đông.
Năm 2013, Trung Quốc chính thức đồng ý tham gia thảo luận thiết lập CoC cùng các nước ASEAN. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, sau 9 cuộc đàm phán chính thức và hàng chục cuộc đối thoại bên lề khác, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy CoC sẽ được hình thành trong tương lai gần.
Trong cuộc họp tại Thiên Tân tuần trước, đại diện các bên liên quan đã đạt được thỏa thuận thiết lập một đường dây nóng giữa ngoại trưởng các nước nhằm nhanh chóng giải quyết các tình huống khẩn cấp và tránh xung đột không đáng có trên Biển Đông.
Theo Reuters, đường dây nóng này sẽ chính thức được công bố tại hội nghị khu vực ARF trong tuần này, với sự tham gia của ngoại trưởng các nước thành viên ASEAN, Mỹ, Trung Quốc, và một số quốc gia khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trở lại với vấn đề thiết lập CoC, theo tạp chí The Diplomat, cuộc họp mặt tại Thiên Tân tuần qua đáng ra đã có thể là một dịp tốt để Trung Quốc xây dựng lại lòng tin đối với các nước ASEAN, trong bối cảnh hình ảnh "kẻ gây hấn" của Bắc Kinh đang tạo ra những hoài nghi bao trùm khu vực.
Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, đàm phán đi tới Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông chưa bao giờ là ưu tiên hàng đầu. Bắc Kinh có thể dễ dàng nhận ra sự chia rẽ trong nội bộ ASEAN về vấn đề này, đơn giản vì chỉ bốn trong mười thành viên của ASEAN có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
The Diplomat nhận định, Trung Quốc chỉ coi các cuộc đàm phán như Thiên Tân tuần trước là một cách để "gây dựng lòng tin" và tạo ra "ảo giác" với khu vực cũng như cộng đồng quốc tế rằng nước này vẫn hướng tới thiết lập CoC.
Để phục vụ mục đích "gây ảo giác" này, truyền thông Trung Quốc đưa tin về cuộc họp tại Thiên Tân luôn nhấn mạnh việc Trung Quốc và ASEAN đã cam kết sẽ duy trì hòa bình ở Biển Đông và tiến trình đàm phán luôn diễn ra trong không khí "thân thiện và thẳng thắn."
Nhưng sự thật là sau cuộc họp này, CoC dường như vẫn là một đích đến quá xa với. Thậm chí, The Diplomat còn cho rằng một bản dự thảo mới có thể còn phải đợi thêm nhiều năm nữa.
"Phá" tiến độ đàm phán
Đáng nói là trước khi Trung Quốc tham gia đàm phán CoC vào năm 2013, ASEAN đã soạn thảo được dự thảo Quy tắc Ứng xử của riêng mình.
Nhưng với sự xuất hiện của Trung Quốc, mọi tiến bộ đã đạt được giữa các nước ASEAN với dự thảo gốc đều trở thành "công cốc". Tất cả đều phải sửa đổi để đáp ứng các điều kiện của thành viên mới.
Điều này đã dẫn tới việc một quy tắc hết sức quan trọng cho việc đảm bảo an ninh khu vực là cấm hoàn toàn các bài diễn tập quân sự ở Biển Đông từ chỗ đã được các nước ASEAN thông qua, nay với sự xuất hiện của Trung Quốc, lại bị rút về để xem xét lại.
Nói tóm lại, đối với Bắc Kinh, việc tham gia đàm phán CoC chỉ là cái cớ. Đơn cử là trong khi 8 cuộc họp trước đó nhằm mục tiêu thiết lập CoC diễn ra, Trung Quốc vẫn ngang nhiên bỏ mặc DoC để tiếp tục tuyên bố chủ quyền trái phép và vô căn cứ trên Biển Đông.
Mặt khác, Trung Quốc vẫn tham gia vào các cuộc đàm phán và đóng vai trò "kì đà cản mũi" đối với bất kì tiến bộ thực sự nào của tiến trình thiết lập CoC. Việc trì hoãn này cho Bắc Kinh thời gian để tiếp tục thực hiện các hành vi bành trướng phi pháp của mình trên Biển Đông.
Qua đó có thể thấy, tất cả những cam kết gìn giữ hòa bình của Trung Quốc nói chung và tại Thiên Tân tuần trước nói riêng chỉ là những màn sáo rỗng ngụy biện, là lớp vỏ bọc cho mưu đồ cản trở tiến trình ổn định an ninh khu vực để phục vụ mục đích bành trướng.
Bộ mặt thật của kẻ gây bất ổn đang ngày một trở nên rõ rệt.