Cuộc đời lừng lẫy của người "lật đổ" Tổng thống Mỹ Nixon

Đức Huy |

Benjamin Bradlee, cựu tổng biên tập Washington Post, người góp phần đưa scandal Watergate ra ánh sáng, và khiến Tổng thống Nixon phải từ chức, vừa từ trần ở tuổi 93.

"Hãy làm hết sức mình hôm nay, và nhiều hơn thế vào ngày mai."

Đó là câu nói đã đi vào tiềm thức những phóng viên, biên tập viên từng làm việc dưới sự lãnh đạo của Benjamin Bradlee, tổng biên tập báo Washington Post từ năm 1968 đến năm 1991. Ông qua đời hôm 21/10 tại nhà riêng, hưởng thọ 93 tuổi.

Trong sự nghiệp của mình, Bradlee đã dẫn dắt Washington Post từ một tờ báo địa phương đơn thuần trở thành một trong những tòa soạn uy tín nhất trên toàn thế giới, với mốc son là việc phanh phui scandal Watergate tai tiếng khiến tổng thống Mỹ Richard Nixon phải từ chức.

Vụ hành quyết man rợ ở Syria qua lời 1 phóng viên chiến trường Vụ hành quyết man rợ ở Syria qua lời 1 phóng viên chiến trường

(Soha.vn) - "Cuộc chiến ở Syria đã lên tới mức mà một người có thể bị giết một cách không thương tiếc trước ánh mắt theo dõi đầy thích thú của hàng trăm người khác."

Một "người làm báo" chính hiệu

Benjamin Bradlee sinh ngày 26/8/1921 tại Boston, bang Massachusetts. Khi còn là học sinh cấp ba, ông không may mắc bệnh bại liệt và không thể cử động từ phần hông trở xuống. Nhưng với nghị lực phi thường của một cậu bé khi ấy mới 14 tuổi, Bradlee đã trị liệu thành công và chỉ hai năm sau đã là thành viên đội tuyển bóng rổ của trường.

Sau khi tốt nghiệp đại học Harvard, Bradlee nhập ngũ và tham gia chiến trường Thái Bình Dương trong Thế chiến thứ hai. Kết thúc chiến tranh, ông trở về Mỹ bắt đầu sự nghiệp làm báo tại tòa soạn của tờ New Hampshire Sunday News. Năm 1948, Bradlee rời New Hampshire để đến với Washington Post. Sau 20 năm làm phóng viên, ông được bổ nhiệm làm tổng biên tập của tòa soạn.

Ngay sau khi nhậm chức, Bradlee đã thay đổi hoàn toàn phong cách làm việc của Washington Post. Từ một tờ báo địa phương chỉ đưa tin một cách đơn thuần, Washington Post bắt đầu cho ra mắt những bài phóng sự, điều tra và phân tích có chiều sâu.

Tất cả các thành viên trong tòa soạn đều được đích thân Bradlee tuyển chọn. "Tôi luôn tìm cách tuyển những người thông minh hơn tôi", ông chia sẻ trong hồi kí. Bradlee cũng góp phần mở rộng tầm "phủ sóng" của Washington Post ra ngoài thủ đô với hàng trăm văn phòng ở trong và ngoài nước.  

Dưới sự chèo lái của Bradlee, lượng đọc của Washington Post tăng gần gấp đôi. Tòa soạn cũng đã giành tới 17 giải Pulitzer, giải thưởng cao quý dành cho các tác phẩm báo chí và văn học nghệ thuật tại Mỹ. Về phần mình, Bradlee được đồng nghiệp ghi nhận là một trong những tổng biên tập có ảnh hưởng lớn nhất đến nền báo chí Mỹ mọi thời đại. Ông cũng vinh dự được tổng thống Mỹ Barack Obama trao tặng huân chương Tự do, huân chương cao quý nhất cho một công dân Mỹ, vào năm 2013.

Tổng thống Mỹ Barack Obama trao huân chương Tự do cho Benjamin Bradley. Ảnh: UPI

Tổng thống Mỹ Barack Obama trao huân chương Tự do cho Benjamin Bradley. Ảnh: UPI

"Làm báo đối với Bradlee mang nhiều ý nghĩa hơn chỉ là một công việc. Đó là một nghĩa vụ, một nghĩa vụ mang lại lợi ích sống còn cho nền dân chủ của nước Mỹ. Ông là một "người làm báo" thực thụ... Hôm nay, tôi thay mặt toàn thể nước Mỹ gửi lời chia buồn đến gia đình Bradlee, cũng như những người đã có vinh dự được làm việc cùng ông," tổng thống Obama phát biểu trong ngày mất của Bradlee.

Watergate

Nhắc đến Benjamin Bradlee là nhắc đến Watergate. Tuy không trực tiếp thực hiện điều tra, nhưng những chỉ đạo cương quyết của ông đã giúp hai nhà báo Bob Woodward và Carl Bernstein tìm ra chân tướng sự thật về vụ scandal đình đám nhất trong lịch sử chính trị Mỹ này.

Tháng 4/1972, một năm trước kì tranh cử, điệp viên CIA và thành viên hội đồng tranh cử của Đảng Cộng hòa Gordon Liddy đã có thông tin phe đảng Dân chủ đang nhận tiền hỗ trợ tranh cử từ phía Cuba. Liddy đã lên kế hoạch thu thập tình báo trái phép bằng cách gắn các thiết bị theo dõi tại trụ sở của đảng Dân chủ.

Ngày 28/5/1972, một nhóm gián điệp 5 người đã bí mật lẻn vào "đại bản doanh" của đảng Dân chủ tại tổ hợp văn phòng Watergate. Tại đây họ gắn chip ghi âm vào điện thoại và chip ghi hình vào các tài liệu có liên quan đến chiến dịch tranh cử của đảng này. Ở lần đột nhập thứ hai vào ngày 17/6, nhóm gián điệp này đã bị bắt. John Mitchell, Bộ trưởng bộ Tư pháp, và Jeb Magruder, thành viên hội đồng bầu cử của đảng Cộng hòa, đã can thiệp vào quá trình điều tra để che đậy cho sự việc này, sau đó thông báo với công chúng rằng đây đơn thuần chỉ là một vụ cướp      

Tổng thống Nixon hoài nghi về sự việc này và ra lệnh cho cố vấn Nhà trắng John Dean mở một cuộc điều tra. Tuy nhiên Dean cũng đã bị Liddy mua chuộc trước đó. Sau khi vụ việc đến tai Nixon, ông đã ra lệnh cho FBI chấm dứt quá trình điều tra, đồng thời khẳng định với công chúng Nhà Trắng và đảng Cộng hòa không hề có liên quan đến vụ việc này.

Tổng thống thứ 37 của Mỹ, Richard Nixon Ảnh: AP

Tổng thống thứ 37 của Mỹ, Richard Nixon Ảnh: AP

Những nỗ lực che đậy của Tổng thống Nixon và bộ sậu đã không thể qua mắt Bradlee. "2h sáng, một nhóm người Latin đeo mặt nạ và găng tay da, mang theo bộ đàm, bị bắt trước cửa trụ sở đảng Dân chủ. Họ làm gì ở đó? Tại sao lại phải đi cướp một nơi như vậy? Các bản tin sau đó thì chỉ đưa về phiên tòa xét xử những người này... Biết những tình tiết đáng nghi như vậy mà không thấy "ngứa nghề" thì không phải là nhà báo", ông chia sẻ trong hồi kí. 

Lần theo thông tin về số điện thoại có nguồn gốc từ Nhà trắng trong cuốn sổ tay trong người một trong năm tên "cướp," hai nhà báo Bob Woodward và Carl Bernstein bắt đầu đi thu thập chứng cứ. Quá trình điều tra của họ đã gặp phải không ít cản trở từ phía Nhà Trắng và cả những lời đe dọa từ Bộ trưởng bộ Tư pháp Mitchell, nhưng với sự động viên giúp đỡ của Bradlee và các thành viên tòa soạn, hai phóng viên này đã tìm ra nhiều manh mối quan trọng. 

Bản báo cáo với những lời khai đối lập, những khoản tiền mờ ám, và đặc biệt là những thông tin mật từ đặc vụ FBI Mark Felt, một nhân vật thân cận của Tổng thống Nixon, của Washington Post đã khiến công chúng Mỹ dấy lên hoài nghi về sự kiện Watergate tưởng như đã rơi vào quên lãng. Quốc hội Mỹ quyết định mở một cuộc điều tra diện rộng, và kết quả là hàng loạt các chứng cứ khác đã bị hé lộ, trong đó có đoạn băng ghi âm cuộc đối thoại của tổng thống Nixon với cố vấn Dean. Trong đoạn băng, Nixon dặn Dean lệnh cho FBI chấm dứt điều tra về Watergate. 

Bí ẩn kén thoát hiểm trên chuyên cơ Tổng thống Mỹ Bí ẩn kén thoát hiểm trên chuyên cơ Tổng thống Mỹ

Từ năm 1997, Hollywood đã tung ra một bộ phim ăn khách “Air Force One” (Không lực 1). Trong đó có đưa ra một chi tiết gây nhiều tranh cãi đến tận ngày hôm nay.

Đến khi sự thật bị phanh phui, 48 thành viên chính phủ Mỹ đã phải ra trước vành móng ngựa. Trong đó hai kẻ "đầu têu" là Liddy và Bộ trưởng bộ Tư pháp Mitchell lần lượt lãnh bản án 20 năm và 4 năm tù giam. Tổng thống Nixon trở thành Tổng thống đầu tiên và duy nhất trong lịch sử nước Mỹ phải từ chức.

Công lao của Washington Post nói chung và Bradlee nói riêng trong scandal Watergate đã được công chúng Mỹ ghi nhận với giải thưởng Pulitzer năm 1973 cho những cống hiến cho xã hội. Tầm ảnh hưởng của Watergate còn kéo dài cho đến ngày nay. Những scandal lớn trên thế giới sau Watergate thường có tên được gắn hậu tố -gate ở đuôi.    

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại