Theo hãng tin BBC, vụ Kenji Goto nêu ra nhiều câu hỏi về sự an toàn của người Nhật ở trong và ngoài nước trong tương lai, mức độ ủng hộ của dân chúng Nhật đối với một chính sách đối ngoại ngày càng năng nổ, và các triển vọng lập pháp trong năm 2015 nhằm cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật (SDF) đóng một vai trò tích cực hơn ở nước ngoài.
Người Nhật xưa nay thường ác cảm với ý kiến tham gia vào các cuộc xung đột ở nước ngoài dù là tối thiểu, phản ánh các khái niệm hòa bình trong Hiến pháp 1947 và một ý niệm rằng Nhật tương đối miễn nhiễm với các thách thức của an ninh quốc gia.
Những năm gần đây, Chính phủ Nhật bắt đầu xa rời dần chính sách ngoại giao kiểu này.
Thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi đã cung cấp sự hỗ trợ mạnh mẽ về hậu cần, tài chính và cả khẩu khí cho nỗ lực tái thiết Iraq của liên quân do Mỹ đứng đầu.
Năm 2004, ông từ chối yêu sách của khủng bố là rút lực lượng SDF gìn giữ hòa bình khỏi Iraq, dẫn đến vụ hành quyết Shosei Koda.
Ngày nay, ông Abe càng củng cố chủ trương này, tuyên bố rõ ràng rằng "Nhật sẽ không nhượng bộ trước khủng bố" và quốc đảo này sẽ "hợp tác cùng cộng đồng quốc tế để buộc chúng (quân khủng bố) phải trả giá cho tội lỗi của mình".
Abe cũng cam kết Nhật sẽ tiếp tục cung cấp sự hỗ trợ về nhân đạo và kinh tế cho những nước trong khu vực bị kẹt giữa cuộc chiến chống IS.
Trước khi Goto bị IS xử tử, một số chính trị gia đối lập ở Nhật lên án chính phủ cầm quyền, cho rằng thông báo của Thủ tướng Abe về gói viện trợ 200 triệu USD cho khu vực ngày 17/1 khi ông thăm Cairo có thể đã dẫn tới cuộc khủng hoảng con tin.
Nhưng cáo buộc này dường như là cường điệu hóa.
Nhìn chung, cách tiếp cận của Abe rất trọng tâm và cân đối.
Ông quyết theo đuổi một lập trường cứng rắn, kiên định với chính sách ngoại giao và an ninh năng nổ hơn mà ông đã phát triển kể từ năm 2012.
Ông cũng quyết tâm ràng buộc Nhật với đồng minh quan trọng nhất của nước này là Mỹ, quốc gia cùng với Anh luôn công khai chống lại bất kỳ một nhượng bộ nào trước yêu sách khủng bố.
Sau thông báo ngày 20/1 của IS rằng tổ chức này sẽ chặt đầu hai con tin, Thủ tướng Abe đã triệu tập hội đồng an ninh quốc gia và lập ra một ban quản lý khủng hoảng để hợp tác với các nước chủ chốt trong khu vực, trong đó có Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Mục đích là giải quyết xung đột thông qua đàm phán với các bộ tộc địa phương ở Iraq hoặc có thể qua một bên trung gian với nhóm bắt cóc con tin.
Nhưng để giữ vững vị thế thống nhất với Mỹ không cúi đầu trước yêu sách khủng bố, Abe dường như có rất ít lựa chọn hành động theo cách mà ông có.
Thủ tướng Nhật mới đây tuyên bố rõ rằng ông sẽ nỗ lực ban hành luật cho phép SDF tham gia vào các nỗ lực giải cứu các công dân Nhật gặp nguy hiểm ở nước ngoài.
Sự thay đổi này cũng là một phản ứng cần thiết trước môi trường quốc tế ngày càng bị đe dọa, và chính phủ gần như chắc chắn nhận được đủ phiếu ở cả Thượng viện và Hạ viện thông qua các biện pháp mới.
Tuy nhiên, chưa chắc chắn người dân Nhật, vốn vẫn hoài nghi và lo lắng về quan điểm quân Nhật tham gia vào các tình huống xung đột, có vui vẻ ủng hộ vai trò mới và mở rộng này hay không.
Ngoài ra còn có lo ngại rằng Abe có thể đang thúc đẩy một chương trình thay đổi hiến pháp rộng lớn hơn.
Và bất kỳ một pháp chế mới nào cũng sẽ là tiền đề cho một nghị trình bao gồm một chính sách xét lại lịch sử gây tranh cãi, cùng với chính sách an ninh rõ nét hơn.
Với nền tảng này, cộng với sức ép từ cái chết của hai con tin Nhật trong tay IS, Thủ tướng Abe sẽ cần đến sự sắc sảo và khéo léo về chính trị để lôi kéo công chúng về phía mình, trong khi vẫn thể hiện được rằng ông đang có được sự tin tưởng và các kỹ năng cần thiết để gìn giữ an toàn cho đất nước và con người Nhật Bản.