Crimea - "đứa con trở về" đang dần biến thành "đứa con bất trị"

Đức Huy |

Theo Bloomberg, các lực lượng an ninh Nga đang phải đau đầu đối phó với nạn tham nhũng đang hoành hành tại bán đảo Crimea, "đứa con" mới trở lại "gia đình" Nga hơn một năm trước.

"Đứa con bất trị"

Tháng 3 năm ngoái, khi chính thức kí sắc lệnh sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã ví bán đảo này như một người con xa xứ lâu năm trở về với cội nguồn, với đại gia đình Liên bang Nga.

Tuy nhiên, dường như cái “gia đình” ấy giờ đây đang có những dấu hiệu rạn nứt.

Theo Bloomberg, Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) mới đây đã mở một cuộc điều tra nhắm vào 3 quan chức cấp cao của chính quyền Crimea, với cáo buộc tham nhũng cùng một số hành vi mờ ám khác.

Ngoài ra, chỉ trong vài tháng trở lại đây, 4 bộ trưởng nội các khu vực tại Crimea cũng đã bị cách chức do dính líu đến tham nhũng.

Nghiêm trọng hơn cả, các kiểm toán viên của điện Kremlin tháng trước cho biết, 2/3 lượng ngân sách Moscow cung cấp cho Crimea trong năm 2014 để phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng đã hoàn toàn “biến mất” khỏi sổ sách.

Về phần mình, Thủ tướng nước Cộng hòa Crimea Sergey Aksyonov, người đắc cử vào tháng 4/2014 với sự hậu thuẫn của Tổng thống Putin, đã phản ứng gay gắt trước những cáo buộc trên. 

Thủ tướng Cộng hòa Crimea Sergey Aksyonov. Ảnh: AP

Thủ tướng Cộng hòa Crimea Sergey Aksyonov. Ảnh: AP

Phát biểu trước nội các Crimea hôm 7/7, ông Aksyonov cáo buộc Moscow cố ý “gây bất ổn” ở Crimea và ngụy tạo bằng chứng chống lại các quan chức đang bị điều tra, trong đó có Bộ trưởng Chính sách Công nghiệp, chánh Thanh tra thuế, và giám đốc cảng Yalta. 

Theo giáo sư Robert Orttung thuộc Khoa Quan hệ Quốc tế - Đại học George Washington (Mỹ), ban đầu khi Aksyonov mới lên nắm quyền tại Crimea, ông Putin không thật sự quá để tâm tới nạn tham nhũng cũng như những sai phạm trong quản lý tại bán đảo này.

Giáo sư Orttung nhận định, bấy giờ Moscow đơn thuần chỉ muốn đảm bảo rằng tân lãnh đạo của Crimea sẽ trung thành với điện Kremlin. Nhưng giờ đây, theo ông, "Aksyonov và bộ sậu đang đi quá giới hạn" mà Nga cho phép.

Cụ thể, chính quyền Aksyonov đã và đang tiến hành chiến dịch quốc hữu hóa cưỡng chế, đặt ra những bộ luật trong đó trao cho họ quyền quốc hữu hóa các công ty, kiểm soát bất động sản, và các tài sản cá nhân khác.

Thậm chí, theo Bloomberg, có không ít những trường hợp chính quyền Crimea đã thuê xã hội đen để cưỡng chế nhượng lại đất hoặc doanh nghiệp.

Nga gặp khó, nhưng Crimea cũng phải "hiểu quy tắc của cuộc chơi"

Không ít công dân Nga nằm trong số những người bị thu tài sản theo cách này; và các tòa án Nga đang tràn ngập những đơn kiện của các công dân muốn đòi lại tài sản.

Trong khi đó, chính quyền Crimea cho biết việc cưỡng chế tịch thu tài sản đã chấm dứt từ tháng 3 năm nay, nhưng đến lúc đó thì các nhà đầu tư đã "chuồn" sạch khỏi Crimea, khiến nền kinh tế gặp vô vàn khó khăn.

Điều này đặt Moscow vào thế khó. Hỗ trợ từ chính phủ Nga hiện đã chiếm tới 75% ngân sách của Crimea, đó là chưa kể trợ cấp lương hưu và các chế độ khác cho người dân tại bán đảo này. 

Trong bối cảnh như vậy, những cáo buộc về tham nhũng ở Crimea đặt ra những câu hỏi liệu điện Kremlin sẽ làm thế nào để đảm bảo khoản viện trợ 18 tỷ USD cho Crimea trong vòng 5 năm tới sẽ được sử dụng đúng mục đích.

Theo dự kiến, số tiền này sẽ được sử dụng để đầu tư phát triển kinh tế và xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có việc xây dựng một cây cầu nối giữa Crimea và Nga.

Mặt khác, những cáo buộc về nạn tham nhũng tràn lan ở Crimea cũng cho Moscow cái cớ để cắt giảm một phần khoản viện trợ 18 tỷ USD đã hứa dành cho Crimea.

Trong khi kinh tế Nga đang gặp khó khăn, với việc đồng rúp đã mất giá khoảng 50% so với đồng USD kể từ thời điểm Crimea sáp nhập vào Nga, phải bỏ ra một khoản hỗ trợ như vậy không phải đơn giản.

Trước đây, điện Kremlin đã từng "thất hứa" với vùng Viễn Đông cũng vì lý do tương tự.

Trở lại với chính quyền Aksyonov, ông và các cộng sự vẫn đang tỏ thái độ hết sức cứng rắn.

Crimea không sáp nhập vào Nga để rồi lại phải hứng chịu những cơn ác mộng chúng tôi đã phải trải qua khi còn thuộc về Ukraine”, nghị sỹ Sergei Shuvaynik phát biểu trong một bài diễn văn mới đây trước nghị viện Crimea.

Nhưng xét cho cùng, theo các chuyên gia, giới chức Crimea sẽ phải lựa chọn giữa “nghe lời” điện Kremlin hoặc mất việc. Họ phải nhận ra rằng đây là "quy tắc cuộc chơi" mà Crimea phải chấp thuận khi bỏ phiếu rời Ukraine để đến với Nga.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại