Ở thời điểm hiện tại, mọi hy vọng của chính phủ Trung Quốc được đặt vào dự án “Một vành đai, một con đường” với hai tuyến thương mại mang tên con đường tơ lụa trên bộ và trên biển.
Nhưng, dường như hy vọng ấy cũng đang mờ mịt hơn bao giờ hết, khi dự án này đang dần hiện rõ bản chất thực của nó: một bản sao chép ý tưởng một cách vụng về.
Tết Nguyên đán 2016 của người Á Đông đã đến, và báo hiệu một năm đầy khó khăn và thách thức với nền kinh tế Trung Quốc.
Những biến động dữ dội đã liên tiếp xảy ra trong suốt một tháng qua, lần lượt từ thị trường chứng khoán hỗn loạn (TTCK), tỷ giá đồng nội tệ sụt giảm nghiêm trọng còn tốc độ tăng trưởng nền kinh tế thì thấp nhất kể từ năm 1990.
Một cú hạ cánh cứng của nền kinh tế Trung Quốc trong tương lai gần như là điều không thể tránh khỏi, khi nước này đang gặp phải những khó khăn nghiêm trọng trong việc chuyển đổi mô hình kinh tế.
Ở thời điểm hiện tại, mọi hy vọng của chính phủ Trung Quốc được đặt vào dự án “Một vành đai, một con đường” với hai tuyến thương mại mang tên con đường tơ lụa trên bộ và trên biển.
Nhưng, dường như hy vọng ấy cũng đang mờ mịt hơn bao giờ hết, khi dự án này đang dần hiện rõ bản chất thực của nó: một bản sao chép ý tưởng một cách vụng về.
Bất chấp sự khẳng định đầy tự tin của các nhà lãnh đạo Trung Quốc về sự hình thành ý tưởng của dự án, và cũng bất chấp việc dự án “Một vành đai, một con đường” (One Belt, One Road) mang một cái tên gợi nhớ đến tuyến đường thương mại cổ đại xuất phát từ Trung Quốc là “Con đường tơ lụa”, thì một thực tế là dự án có quy mô khổng lồ mà Trung Quốc đang theo đuổi có rất nhiều điểm tương đồng với một dự án cực kỳ nổi tiếng trong thế kỷ 20: Kế hoạch Marshall (Marshall Plan).
Kế hoạch này một đề xuất của Ngoại trưởng Mỹ George Marshall nhằm tái thiết nền kinh tế các nước châu Âu bị tàn phá sau Chiến tranh thế giới thứ 2, vốn là tiền đề cho sự tăng tốc mạnh mẽ của kinh tế Mỹ, đồng thời thiết lập vị thế siêu cường của nước này trong đó nền tảng là tầm ảnh hưởng lớn về kinh tế đối với các quốc gia châu Âu.
Với tên gọi chính thức là “Kế hoạch phục hưng châu Âu” (ERP), kế hoạch Marshall là một dự án vĩ mô hướng đến nhiều phương diện phức tạp, trong đó đặt nền tảng là sự hỗ trợ về kinh tế của Mỹ giúp các quốc gia châu Âu bị tàn phá bởi chiến tranh phục hồi nền kinh tế.
Dù kế hoạch đồ sộ này hướng đến nhiều mục tiêu chiến lược khác ngoài vấn đề kinh tế, như tăng sự liên kết giữa các nước Tây và Nam Âu để chống lại và tìm cách giảm ảnh hưởng của Liên Xô và khối Warsaw ở Đông Âu, thì điểm cốt lõi chủ yếu của kế hoạch Marshall là đặt nền tảng về kinh tế để Mỹ chính thức trở thành một siêu cường trên thế giới, trong đó vấn đề trọng tâm là tạo nên mối quan hệ kinh tế thương mại cực kỳ quan trọng giữa Mỹ và các nước châu Âu.
Về phương diện kinh tế, kế hoạch Marshall thực sự là một chiếc đòn bẩy giúp nền kinh tế Mỹ có bước phát triển nhảy vọt sau Thế chiến thứ hai.
Trong suốt thập niên 1930, giai đoạn trước khi Thế chiến thứ hai nổ ra, vấn đề lớn nhất đối với nền kinh tế Mỹ là sự dư thừa công suất do thị trường nội địa đã đạt tới độ bão hòa, trong khi Mỹ lại gặp nhiều vướng mắc trong việc xuất khẩu hàng hóa sang các nước châu Âu do các nước này ít có nhu cầu.
Sự dư thừa công suất và hàng hóa này là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến cuộc đại khủng hoảng 1930 nổ ra trước hết là ở Mỹ và lan sang khu vực châu Âu.
Dù chính sách kinh tế mới (New Deal) của Tổng thống F.D.Roosevelt đã giúp kinh tế Mỹ hồi phục phần nào sau cuộc đại khủng hoảng, nhưng Mỹ sẽ gần như không thể trở thành siêu cường với một nền kinh tế hùng mạnh nếu như Thế chiến thứ hai không nổ ra và kế hoạch Marshall ra đời.
Về cơ bản, Thế chiến thứ hai kết thúc với tình trạng các quốc gia châu Âu bị tàn phá nặng nề đã cho Mỹ một cơ hội vàng để giải quyết tình trạng dư thừa công suất của nền kinh tế nước này.
Với kế hoạch Marshall, các nước châu Âu dần đóng vai trò là thị trường tiêu thụ hàng hóa Mỹ thông qua các gói viện trợ.
Điều này đã giúp nền kinh tế Mỹ trải qua một sự chuyển đổi rất thuận lợi, hướng tới xuất khẩu hàng hóa một cách mạnh mẽ vào thị trường châu Âu – nền tảng để thiết lập mối quan hệ thương mại quan trọng nhất với Mỹ trong hàng chục năm sau đó giữa nước này và các quốc gia châu Âu.
Nói cách khác, với kế hoạch Marshall, Mỹ đã vừa giải quyết được vấn đề khó khăn nhất để chuyển đổi nền kinh tế, đồng thời tạo ra một khu vực đối tác thương mại quan trọng bậc nhất là các quốc gia châu Âu phát triển sau khi hồi phục.
Ở thời điểm hiện tại, mục tiêu của Trung Quốc thông qua dự án “một vành đai, một con đường” cũng phần nào tương tự như vậy.
Vấn đề lớn nhất của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay cũng giống với nền kinh tế Mỹ giai đoạn những năm 1930, đó là sự dư thừa công suất trong khi thị trường nội địa đã đạt đến mức bão hòa.
Nếu không thể giải quyết được bài toán chuyển đổi, thì nền kinh tế Trung Quốc sẽ rất dễ rơi vào khủng hoảng giống như nền kinh tế Mỹ đã trải qua hồi năm 1930.
Vấn đề sống còn với Trung Quốc hiện nay là phải tìm mọi cách để xuất khẩu được phần công suất dư thừa của mình ra thị trường bên ngoài, và dự án “Con đường tơ lụa” chính là để hướng tới mục tiêu đó.
Tuy nhiên, bối cảnh trong trường hợp Trung Quốc hiện nay khác rất xa so với trường hợp của Mỹ sau thế chiến thứ hai.
Việc các quốc gia châu Âu bị tàn phá nghiêm trọng đã khiến các nước này không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận sự hỗ trợ từ phía Mỹ thông qua kế hoạch Marshall, còn Trung Quốc hiện nay thì không có được sự thuận lợi như vậy.
Các quốc gia trong khu vực và trên thế giới có xu hướng muốn xuất khẩu hàng hóa sang thị trường đông dân của Trung Quốc hơn là nhập khẩu hàng hóa từ nước này.
Các tập đoàn và doanh nghiệp lớn của Trung Quốc vẫn được đánh giá là có xu hướng hoạt động trong thị trường nội địa hơn là ở các thị trường bên ngoài, chưa kể họ sẽ vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt của các đối thủ đến từ Âu Mỹ hay Nhật Bản vốn có tiềm lực, quy mô và kinh nghiệm hoạt động lớn hơn rất nhiều tại các thị trường nước ngoài.
Có thể thấy rõ rằng, mục tiêu của dự án “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc đang hướng tới một mục tiêu tương tự như kế hoạch Marshall của Mỹ sau Thế chiến thứ hai, đó là tạo ra một khu vực thương mại đóng vai trò chủ đạo giúp nền kinh tế đạt được bước chuyển đổi thông qua xuất khẩu công suất và hàng hóa dư thừa của nền sản xuất trong nước.
Việc sao chép một cách gần như nguyên vẹn cấu trúc và mục tiêu của kế hoạch Marshall đang cho thấy khát vọng của Trung Quốc trong việc đạt được thành tựu tương tự như của Mỹ trong việc chuyển đổi nền kinh tế, nhưng có vẻ như Bắc Kinh đã không tính đến sự khác biệt về bối cảnh giữa hai thời điểm cách nhau hơn 7 thập kỷ.
Nói cách khác, dự án “Con đường tơ lụa” của Trung Quốc hiện nay không khác gì một bản sao của kế hoạch Marshall cách đây hơn 70 năm, nhưng là một bản sao lỗi và vụng về.
Sự kém thuận lợi hơn trong việc triển khai của dự án “Con đường tơ lụa” sẽ đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian hơn Mỹ trong việc chuyển đổi nền kinh tế thông qua xuất khẩu công suất dư thừa trong nước.
Và điều này thì cũng có nghĩa là Trung Quốc sẽ ngày càng bị Mỹ bỏ xa hơn về phát triển kinh tế.