Chuyên gia VN lý giải vì sao Thông điệp của Obama "quên" châu Á?

Hải Võ |

Việc châu Á - Thái Bình Dương xuất hiện "mờ nhạt" trong Thông điệp Liên bang của Tổng thống Obama khiến dư luận đặt dấu hỏi rằng liệu Mỹ có "quên" chiến lược xoay trục của mình?

TOÀN VĂN thông điệp Liên bang của TT Obama

Thông điệp Liên bang của Obama và cuộc "chu du" kỳ lạ

Bài diễn văn của Obama khiến hàng nghìn người Mỹ bật khóc

Châu Á - Thái Bình Dương nằm gọn trong 59 từ

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đọc Thông điệp Liên bang Mỹ 2015 vào lúc 21h00 ngày 20/1 (giờ địa phương) tại tòa nhà quốc hội Capitol Hill.

Khác với cam kết trọng điểm "xoay trục" sang châu Á - Thái Bình Dương mà Thông điệp liên bang năm trước của ông Obama đề cập, năm nay, châu Á xuất hiện khá "mờ nhạt" với nội dung vỏn vẹn 59 từ.

"Tại châu Á - Thái Bình Dương, chúng ta đang hiện đại hóa liên minh với các quốc gia trong khu vực đồng thời đảm bảo các nước khác 'chơi đúng luật' trong trao đổi hàng hóa, tranh chấp biển đảo, kêu gọi họ tham gia vào công cuộc chống lại thay đổi khí hậu".

Trong khi đó, vấn đề Ukraine và mâu thuẫn với Nga lại được cho là điểm nhấn trong Thông điệp Liên bang khi ông Obama có những phát ngôn đanh thép, cứng rắn về nước Nga và Tổng thống Vladimir Putin.

Thậm chí, các vấn đề Afghanistan, Iran hay Tây Phi... còn được dành nhiều "đất" hơn trong bài phát biểu của Tổng thống Mỹ.

Chuyên gia Việt Nam: Chiến lược xoay trục của Mỹ không đổi

Trước sự xuất hiện mờ nhạt của châu Á - Thái Bình Dương trong Thông điệp Liên bang Mỹ 2015, nhà báo Nguyễn Đăng Phát - Tổng biên tập Tạp chí Bạch Dương, nguyên Trưởng ban Tin thế giới Thông tấn xã Việt Nam đã phân tích về vấn đề này.

Nhà báo Nguyễn Đăng Phát

Nhà báo Nguyễn Đăng Phát

Theo ông Phát, nội dung Thông điệp Liên bang không hoàn toàn thể hiện được đường hướng chính sách của Mỹ.

"Nếu chỉ dựa vào “đo đếm” hàm lượng nội dung trong một văn kiện như Thông điệp Liên bang để dự đoán chính sách của Mỹ thì đôi khi cũng không thật sự chính xác.

Ông Obama đọc Thông điệp Liên bang 2015 trong bối cảnh nhiệm kỳ của ông sẽ kết thúc sau 2 năm, do đó ông chú trọng vào việc tạo lợi thế và khuếch trương thanh thế đảng Dân chủ trong kỳ bầu cử Tổng thống 2016, với mục tiêu để đại diện đảng này tiếp tục cầm quyền.

Đồng thời, đây cũng là lúc Tổng thống Mỹ khuếch trương thành công trong năm 2014 và giai đoạn trước đó, đặc biệt là nền kinh tế Mỹ đạt được tăng trưởng ổn định.

Có thể nói, thông điệp của ông Obama khá dài và đậm ở mảng “khoe” thành tựu kinh tế".

Chuyên gia Nguyễn Đăng Phát cho biết, việc chính quyền Mỹ tập trung vào vấn đề mâu thuẫn với Nga chính là nguyên nhân khiến cho châu Á trở nên mờ nhạt. Nhưng ông Phát nhận định chiến lược châu Á của Mỹ hoàn toàn không thay đổi.

"Tất nhiên, câu chuyện mà thời gian qua nhà cầm quyền Mỹ ra sức tuyên truyền cho người dân chính là vấn đề Ukraine và Nga, do đó ông Obama nhấn mạnh điểm này như một lợi thế của Mỹ, chứ thực tế chiến lược xoay trục sang châu Á của nước này không có gì thay đổi.

Ông Phát cũng chỉ ra rằng, Mỹ vẫn muốn làm chủ cuộc chơi tại châu Á - Thái Bình Dương, và thậm chí còn "cảnh cáo" Trung Quốc một cách khá rõ rệt.

"Đặc biệt, ông Obama nói 'Mỹ phải làm chủ luật chơi về thương mại quốc tế chứ không để Trung Quốc làm điều đó'.

Mỹ sẽ thúc đẩy Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) rất nhanh và gạt Trung Quốc ra.

Điều này cho thấy chiến lược châu Á vẫn rất mạnh mẽ, chứ không phụ thuộc vào “hàm lượng” thông tin châu Á ít hơn so với các phát biểu hay văn kiện khác của Mỹ" - ông Nguyễn Đăng Phát bình luận.

Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường - Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và phát triển quan hệ quốc tế, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mexico và Thụy Điển

Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường - Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và phát triển quan hệ quốc tế, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mexico và Thụy Điển

Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường - Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và phát triển quan hệ quốc tế, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mexico và Thụy Điển - cho rằng, những vấn đề quốc tế "nóng" khác khiến Mỹ có chút xao nhãng.

"Trong năm 2014, các vấn đề ở Trung Đông như nội chiến Syria, cuộc chiến với Nhà nước Hồi giáo (IS) trở thành "điểm nóng" thu hút sự chú ý chính quyền Mỹ, khi nước này buộc phải đưa quân trở lại đây.

Bên cạnh đó, vấn đề Ukraine cần phải hiểu là cơ hội để Mỹ khôi phục ảnh hưởng ở châu Âu và theo đuổi chính sách nhất quán là kiềm chế Nga.

Mỹ cũng muốn triển khai lá chắn tên lửa và tên lửa hạt nhân chiến thuật ở Trung Đông và châu Âu nhưng chưa thành công, song rõ ràng nước này đã khai thác được vấn đề Ukraine.

Vụ khủng bố tòa soạn Charlie Hebdo tại Pháp vừa qua cũng khiến ông Obama phải tái khẳng định và kêu gọi sự ủng hộ của người dân và Quốc hội Mỹ đối với chính sách chống khủng bố của mình".

Tuy nhiên, ông Trường nhận định, chiến lược xoay trục của Mỹ "đã ổn định", đồng thời đánh giá sự quan tâm đối với châu Á của nước này "không hề giảm".

Trên thực tế, dù bị "xao nhãng" bởi nhiều vấn đề quốc tế, nhưng chiến lược xoay trục sang châu Á của ông Obama đã "tương đối ổn định".

Sau Hội nghị APEC tại Bắc Kinh năm 2014, Mỹ và Trung Quốc cũng đạt được một số thỏa thuận cho phép ổn định chính sách châu Á của Mỹ.

Nhưng điều này không có nghĩa là Mỹ đã ngừng chính sách xoay trục, mà vẫn tiếp tục triển khai và không hề suy giảm.

Một trong những nội dung nghị sự quan trọng của Mỹ chính là thúc đẩy đàm phán TPP, cho thấy châu Á vẫn là trọng tâm trong chiến lược xoay trục và tái cân bằng của Mỹ".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại