Dưới đây là toàn văn bài phát biểu nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ đầu tiên của ông Barack Obama. Hàng nghìn người dân Mỹ đã khóc khi theo dõi bài diễn văn và lễ nhậm chức của vị Tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ.
Tổng thống Obama đọc diễn văn trong lễ nhậm chức năm 2009.
Thưa đồng bào,
Tôi đứng đây hôm nay, nhỏ bé trước nhiệm vụ đang đặt ra trước mắt, cảm kích trước sự tin tưởng của đồng bào, và thấu hiểu về những hy sinh của các bậc tiền bối.
Tôi xin cảm ơn Tổng thống Bush về những cống hiến của Ngài cho đất nước, về tấm lòng rộng lượng và sự hợp tác của Ngài trong quá trình chuyển giao này.
Đã có bốn mươi bốn người dân Mỹ từng tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Có lời tuyên thệ được vang lên trong những thời khắc thịnh vượng và yên bình, nhưng cũng có những lời tuyên thệ được vang lên trong giai đoạn sóng gió.
Vào những thời khắc đó, nước Mỹ đã vượt qua, không đơn giản chỉ nhờ vào kỹ năng hay tầm nhìn của các nhà lãnh đạo, mà bởi vì dân tộc Mỹ chúng ta luôn giữ vững niềm tin vào lý tưởng của cha ông, và luôn trung thành với những văn tự lập quốc.
Nó đã như vậy. Và nó cũng sẽ như vậy với thế hệ người Mỹ hôm nay.
Giờ đây ai cũng biết rõ chúng ta đang ở trong khủng hoảng. Đất nước chúng ta đang trong thời chiến chống lại một mạng lưới bạo lực và hận thù.
Nền kinh tế của chúng ta bị suy yếu nghiêm trọng - hậu quả từ sự tham lam và vô trách nhiệm của một số người, nhưng cũng là thất bại của tất cả chúng ta khi không biết chấp nhận những lựa chọn khó khăn và chuẩn bị cho đất nước bước vào một kỷ nguyên mới.
Nhiều gia đình mất nhà; nhiều người mất việc; nhiều doanh nghiệp đình đốn.
Chi phí y tế quá đắt đỏ; chất lượng trường học khiến nhiều người thất vọng; và mỗi ngày lại có thêm bằng chứng cho thấy cách chúng ta sử dụng năng lượng càng khiến kẻ thù của chúng ta mạnh thêm và đe doạ hành tinh này.
Đó là những dấu hiệu của khủng hoảng, theo các dữ liệu và con số thống kê.
Khó đo lường hơn, nhưng cũng không kém phần sâu sắc, là sự suy thoái lòng tin trên khắp cả nước - một tâm lý sợ hãi đeo đẳng rằng sự suy thoái của Mỹ là không tránh khỏi, và rằng thế hệ sau sẽ phải hạ bớt tầm nhìn.
Hôm nay, tôi xin tuyên bố với quý vị rằng, những thách thức mà chúng ta đang đối mặt là có thật. Những thách thức đó rất nhiều và rất nghiêm trọng.
Những thách thức đó không thể giải quyết được một cách dễ dàng hoặc trong ngày một ngày hai. Nhưng hãy tin rằng chúng sẽ được giải quyết.
Người đàn ông vô gia cư Farrington James khóc khi theo dõi lễ nhậm chức của Tổng thống Obama.
Hôm nay, chúng ta tụ hội về đây bởi chúng ta đã lựa chọn hy vọng thay vì sợ hãi, đoàn kết vì một mục tiêu chung thay vì xung đột và bất hòa.
Hôm nay, chúng ta tới đây để tuyên bố chấm dứt lời chỉ trích nhỏ nhen và những lời hứa hẹn dối trá, những lời buộc tội lẫn nhau cùng những lời nói giáo điều nhàm chán, những thứ từ lâu đã bóp nghẹt nền chính trị của chúng ta.
Chúng ta vẫn là một quốc gia non trẻ, nhưng như Kinh thánh nói, đã tới lúc gạt sang một bên những điều nông nổi.
Đã đến lúc chúng ta xốc lại tinh thần kiên định, để lựa chọn một lịch sử tốt đẹp hơn, để tiếp tục mang theo món quà quý giá, ý tưởng cao đẹp đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác:
Thượng đế trao cho mọi người quyền bình đẳng, quyền được tự do, và mọi người ai cũng đều có quyền mưu cầu hạnh phúc.
Thêm một lần khẳng định sự vĩ đại của dân tộc mình, chúng ta hiểu rằng sự vĩ đại đó không bao giờ là thứ được cho không. Chúng ta phải tạo dựng nó.
Hành trình chúng ta đi chưa bao giờ là một con đường tắt hoặc một điều gì đó dễ dàng hơn. Đó chưa từng là con đường dành cho những người nhút nhát, cho những người ưa thích tiêu khiển hơn lao động, hoặc chỉ tìm kiếm những thú vui của sự giàu sang và nổi tiếng.
Ngược lại, chính những người dám mạo hiểm, những người lao động, những người làm ra của cải vật chất - một vài người nổi tiếng nhưng thường vô danh trong lao động - đã đưa chúng ta vượt qua con đường dài đầy khó khăn gập ghềnh đến với thịnh vượng và tự do.
Vì chúng ta, họ đã gói ghém chút của cải của mình và băng qua các đại dương để kiếm tìm một cuộc sống mới.
Vì chúng ta, họ đã phải vất vả lao động ở những công xưởng hà khắc và khai phá miền Tây, chịu đựng những trận đòn roi da và cấy trồng trên nền đất cứng.
Vì chúng ta, họ đã chiến đấu và hy sinh.
Hết lần này đến lần khác, những người nam nữ đó đã tranh đấu, hy sinh và làm việc tới tận khi đôi bàn tay của họ chai sạn để chúng ta có thể có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Họ nhìn thấy một nước Mỹ lớn hơn tất cả những tham vọng cá nhân, lớn hơn tất cả những khác biệt về nguồn gốc, của cải hay phe phái.
Đó chính là hành trình chúng ta đang tiếp bước hôm nay. Chúng ta vẫn là quốc gia cường thịnh nhất trên Trái Đất.
Một người phụ nữ gạt nước mắt khi nghe bài diễn văn của Tổng thống.
Công nhân của chúng ta không hề làm việc kém năng suất hơn thời điểm bắt đầu khủng hoảng. Trí óc của chúng ta không hề kém sáng tạo, hàng hoá và dịch vụ của chúng ta không hề bị giảm cầu so với tuần trước, tháng trước hay năm trước.
Năng lực của chúng ta vẫn không hề bị giảm sút. Nhưng thời kỳ của sự trì trệ, bảo vệ những lợi ích hẹp hòi và lảng tránh những quyết định không vừa ý chắc chắn đã qua đi.
Bắt đầu từ hôm nay, chúng ta phải tự mình đứng dậy, tự phủi bụi và bắt đầu lại với công việc tái thiết nước Mỹ.
Nhìn vào bất cứ đâu, chúng ta cũng sẽ thấy có việc phải làm. Tình trạng kinh tế hiện nay kêu gọi chúng ta hành động, can đảm và mau lẹ, và chúng ta sẽ hành động – không chỉ để tạo ra những việc làm mới, mà còn đặt nền móng mới cho sự tăng trưởng.
Chúng ta sẽ xây dựng những cây cầu, con đường, lưới điện và đường dây kỹ thuật số phục vụ cho thương mại và kết nối chúng ta lại với nhau.
Chúng ta sẽ khôi phục lại khoa học cho xứng với vị trí của nó và áp dụng những thành tựu công nghệ để nâng cao chất lượng và hạ thấp chi phí dịch vụ y tế.
Chúng ta sẽ khai thác năng lượng từ mặt trời, gió và đất để cung cấp nhiên liệu cho xe hơi, vận hành các nhà máy. Chúng ta cũng sẽ cải cách các trường phổ thông, đại học và cao đẳng để đáp ứng các nhu cầu của một thời đại mới.
Chúng ta có thể làm được tất cả những điều này và chúng ta sẽ làm.
Cụ ông Herbert Bridges, 94 tuổi, khóc khi theo dõi lễ nhậm chức của Tổng thống Obama qua truyền hình.
Vào lúc này, một số người vẫn còn hoài nghi về tầm vóc những tham vọng của chúng ta, những người cho rằng hệ thống của chúng ta không thể kham nổi quá nhiều kế hoạch lớn.
Đầu óc của họ quá thiển cận. Bởi họ đã quên rằng những gì đất nước này đã làm được, những gì những con người tự do, nam cũng như nữ, có thể đạt được khi mà tất cả đều hướng về một mục đích và thấy cần phải can đảm.
Điều mà những kẻ hoài nghi không hiểu nổi là mặt đất đang chuyển dịch dưới chân họ - rằng những luận điểm chính trị cũ rích làm héo mòn chúng ta bấy lâu đã không còn phù hợp nữa.
Câu hỏi dành cho chúng ta hôm nay không phải là liệu chính phủ quá lớn hay quá nhỏ, mà là liệu nó có hiệu quả hay không - liệu nó có thể giúp các gia đình tìm được việc làm với đồng lương tử tế, có thể chi trả dịch vụ y tế, và có được một suất lương hưu xứng đáng.
Ở đâu chúng ta tìm được câu trả lời, chúng ta sẽ tiến tới. Nơi nào không tìm được câu trả lời, các chương trình sẽ kết thúc.
Ai trong chúng ta đang quản lý những đồng đô-la của người dân sẽ phải có trách nhiệm - để sử dụng một cách khôn ngoan, để sửa những thói xấu và làm việc minh bạch – vì chỉ khi đó chúng ta mới có thể khôi phục được lòng tin sống còn giữa người dân và chính phủ.
Câu hỏi mà chúng ta phải đối mặt cũng không phải liệu thị trường là lực lượng tốt hay xấu.
Sức mạnh của thị trường nhằm sản xuất ra của cải và mở rộng tự do là không gì sánh nổi, nhưng cuộc khủng hoảng này nhắc chúng ta rằng nếu thiếu thận trọng, thị trường có thể vượt khỏi vòng kiểm soát, rằng 1 quốc gia không thể thịnh vượng lâu dài khi chỉ tạo thuận lợi cho người giàu.
Thành công của nền kinh tế chúng ta luôn dựa trên không chỉ quy mô của Tổng sản phẩm Quốc nội, mà còn dựa trên sự lan toả của thịnh vượng, dựa trên khả năng mở rộng cơ hội cho tất cả những ai sẵn sàng đón nhận.
Nó không phải vì lòng từ thiện, mà vì đó là con đường chắc chắn nhất dẫn tới lợi ích chung của chúng ta.
Một người phụ nữ da màu khóc và cầu nguyện khi theo dõi bài diễn văn nhậm chức của Tổng thống qua truyền hình.
Về quốc phòng, chúng ta bác bỏ sự lựa chọn giữa an toàn và các lý tưởng của chúng ta.
Những Bậc khai quốc, vốn từng phải đương đầu với những hiểm nguy mà ngày nay chúng ta khó có thể hình dung được, đã soạn thảo một bản hiến chương nhằm đảm bảo nền pháp trị và quyền con người, một hiến chương được vun đắp bằng máu của nhiều thế hệ.
Những lý tưởng đó vẫn đang tiếp tục soi sáng nhân loại, và chúng ta sẽ không từ bỏ chỉ vì lợi ích.
Vì vậy, với tất cả các dân tộc và chính phủ đang theo dõi chúng ta hôm nay, từ các thủ đô lớn nhất cho tới ngôi làng nhỏ nơi cha tôi ra đời:
Quý vị hãy tin rằng Hoa Kỳ là người bạn của mỗi quốc gia, mỗi con người, và của mỗi em thơ, những người đang tìm kiếm một tương lai hoà bình và được tôn trọng phẩm giá, và chúng ta sẵn sàng một lần nữa là những người tiên phong.
Hãy nhớ rằng những thế hệ đi trước từng quật ngã chủ nghĩa phát xít... không chỉ bằng tên lửa và xe tăng mà bằng những liên minh vững chắc và những niềm tin bền bỉ.
Lớp cha anh hiểu rằng chỉ sức mạnh không thôi sẽ không thể bảo vệ chúng ta, cũng không thể cho phép chúng ta làm những gì mình muốn.
Họ hiểu rằng sức mạnh của chúng ta được nhân lên nhờ sử dụng nó một cách cẩn trọng; nền an ninh của chúng ta được xây dựng từ sự chính nghĩa, từ sự gương mẫu, từ sự khiêm nhường và biết kiềm chế của chúng ta.
Chúng ta là những người gìn giữ di sản này. Tuân theo những nguyên tắc này, một lần nữa chúng ta có thể đương đầu với những nguy cơ mới, đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn – thậm chí cả sự hợp tác và hiểu biết sâu sắc hơn giữa các quốc gia.
Chúng ta sẽ bắt đầu chuyển giao có trách nhiệm đất nước Iraq cho người dân Iraq, và củng cố nền hòa bình vất vả mới có được ở Afghanistan.
Cùng với bạn cũ thù xưa, chúng ta sẽ nỗ lực không ngừng nhằm giảm bớt nguy cơ hạt nhân và đảo ngược tiến trình ấm lên của trái đất. Chúng ta sẽ không xin lỗi vì cách sống của chúng ta và không do dự để bảo vệ lối sống này.
Đối với những kẻ muốn đạt được mục tiêu bằng cách kích động khủng bố và giết người vô tội, các người cần biết rằng ý chí của chúng tôi mạnh hơn và không thể bẻ gãy; các người không thể tồn tại lâu hơn chúng tôi, và chúng tôi sẽ đánh bại các người.
Chúng ta biết rằng di sản đa dạng của chúng ta chính là thế mạnh, không phải là điểm yếu. Chúng ta là một quốc gia của người Thiên Chúa Giáo và người Hồi giáo, người Do Thái giáo và người Ấn Độ giáo, và của cả những người không tôn giáo.
Chúng ta được hình thành từ mọi ngôn ngữ và văn hóa, hội tụ về từ mọi nơi trên trái đất; và vì đã từng nếm trải sự đau xót của nội chiến và phân biệt màu da, và vươn dậy từ thời kỳ đen tối đó để trở nên mạnh mẽ hơn, đoàn kết hơn.
Chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng rồi sẽ đến ngày hận thù xưa cũng nguôi ngoai, những chia cắt giữa các sắc tộc sẽ được giải quyết, rằng khi thế giới trở nên nhỏ bé hơn, lòng nhân hậu sẽ ngự trị và Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò mở ra một kỷ nguyên mới của hoà bình.
Một sinh viên đại học khóc khi theo dõi bài phát biểu của Tổng thống Obama qua truyền hình.
Với thế giới Hồi giáo, chúng ta tìm hướng đi mới, dựa trên lợi ích chung và sự tôn trọng lẫn nhau.
Với các nhà lãnh đạo trên thế giới đang muốn gieo rắc xung đột hay đổ lỗi cho phương Tây về những xấu xa trong xã hội của họ: quý vị cần hiểu rằng người dân sẽ đánh giá dựa trên những gì quý vị xây dựng chứ không phải những gì quý vị phá huỷ.
Với những người bám lấy quyền lực nhờ tham nhũng, dối trá và bịt miệng những quan điểm đối lập, hãy biết rằng quý vị đang đi ngược lại lịch sử; nhưng chúng tôi sẽ chìa bàn tay nếu quý vị sẵn sàng từ bỏ nắm đấm.
Với người dân của các với các quốc gia nghèo khó, chúng tôi cam kết sẽ sánh vai cùng các bạn để giúp đồng ruộng xanh tươi, để dòng nước sạch được tuôn trào, để nuôi dưỡng những cơ thể đói khát và bồi đắp những tâm hồn thiếu thốn.
Với những quốc gia được hưởng sự đầy đủ như chúng ta, chúng ta nói với họ rằng chúng ta không thể tiếp tục thờ ơ với những nỗi thống khổ phía bên ngoài lãnh thổ, cũng không thể tiếp tục sử dụng tài nguyên thế giới mà không quan tâm tới những tác động của nó.
Thế giới đã thay đổi và chúng ta phải thay đổi theo.
Khi chúng ta cân nhắc con đường đi phía trước, chúng ta tưởng nhớ với lòng biết ơn trân trọng trước những người Mỹ dũng cảm, mà chính lúc này đây, đang tuần tra trên các sa mạc hay dãy núi xa xôi.
Họ nói với chúng ta điều gì đó, giống như những anh hùng ngã xuống ở Arlington đã thì thầm suốt chiều dài lịch sử.
Chúng ta vinh danh họ không chỉ vì họ là những người bảo vệ nền tự do của chúng ta, mà còn vì họ hiện thân cho tinh thần phục vụ; sẵn sàng tìm ý nghĩa trong những điều lớn lao hơn chính bản thân họ.
Và chính trong khoảnh khắc này - một khoảnh khắc sẽ định hình cả một thế hệ - chính tinh thần đó phải hiện hữu trong tất cả chúng ta.
Vì cho dù chính phủ có thể làm gì và phải làm gì, đất nước này suy cho cùng phải dựa vào niềm tin và quyết tâm dân tộc Mỹ.
Đó là lòng hảo tâm đùm bọc người xa lạ khi những con đê bị vỡ, là sự vị tha của những công nhân thà làm bớt giờ chứ không để bạn mình mất việc, chính những điều đó đưa chúng ta ra khỏi thời kỳ đen tối nhất.
Chính sự dũng cảm của người lính cứu hoả khi băng qua cầu thang đầy khói, cũng như tấm lòng của một bậc cha mẹ sẵn sàng dang tay nuôi dưỡng một đứa trẻ, rốt cuộc sẽ quyết định số phận của chúng ta.
Những thách thức chúng ta đối mặt có thể mới. Những công cụ chúng ta dùng để đương đầu với những thách thức đó có thể mới.
Nhưng các giá trị đã tạo dựng nên thành công của chúng ta - trung thực và chăm chỉ, dũng cảm và công bằng, khoan dung và tò mò, trung thành và ái quốc – là những điều không mới. Những điều đó là có thật.
Chúng đã là động lực âm thầm cho những tiến bộ suốt chiều dài lịch sử của chúng ta. Điều chúng ta cần là phải quay trở lại với những chân lý đó.
Điều chúng ta cần giờ đây là một kỷ nguyên mới của trách nhiệm – một sự giác ngộ của từng người Mỹ rằng chúng ta có những nghĩa vụ với chính bản thân, với đất nước, và với cả thế giới.
Đó là những nghĩa vụ chúng ta không phải miễn cưỡng chấp nhận mà thậm chí còn nắm lấy một cách vững vàng và vui vẻ với nhận thức rằng, không có điều gì làm tinh thần thỏa mãn và định hình nhân cách của chúng ta bằng sự cống hiến trọn vẹn cho sự nghiệp gian khó.
Đó là giá trị và cam kết của quyền công dân.
Đó là nguồn gốc của sự tự tin của nước Mỹ - một sự nhận thức rằng Thượng đế trông cậy vào chúng ta để tạo dựng một vận mệnh chưa định hình.
Đó là ý nghĩa của tự do và tín điều của chúng ta – rằng vì sao nam, nữ và trẻ em thuộc mọi chủng tộc và tín ngưỡng có thể cùng nhau tham dự buổi lễ tại quảng trường quốc gia vĩ đại này.
Và vì sao một người mà cha của anh cách đây gần 60 năm có thể không được phép ăn tại một nhà hàng ở địa phương, nay lại được đứng trước mặt quý vị để đọc lời thề thiêng liêng nhất.
Vậy chúng ta hãy đánh dấu ngày hôm nay bằng cách nhớ lại chúng ta là ai và chúng ta đã đi được đến đâu.
Vào năm đất nước Hoa Kỳ được khai sinh, trong những tháng giá lạnh nhất, một nhóm nhỏ những người yêu nước chụm lại bên nhau, cạnh đống lửa trại gần tàn trên bờ sông băng giá.
Thủ đô đã bị bỏ hoang. Kẻ thù đang tiến tới. Tuyết loang lổ vết máu. Vào thời điểm khi kết quả cuộc cách mạng gần như rơi vào hồ nghi, người khai sinh ra đất nước đã ra lệnh đọc những lời kêu gọi nhân dân sau đây:
“Hãy nói cho thế giới tương lai... rằng trong cái giá lạnh của mùa đông, khi chỉ còn hy vọng và nghị lực... rằng thành phố này và đất nước này, lo lắng trước mối nguy hiểm chung, đã tiến lên để đương đầu.”
Nước Mỹ, trước những mối nguy hiểm chung, trong chính mùa đông gian khó này, hãy cùng nhau nhớ những lời bất tử đó. Với hy vọng và nghị lực, chúng ta hãy một lần nữa can đảm vượt qua dòng nước băng giá và hứng chịu bất kỳ cơn bão nào sẽ đến.
Hãy để con cháu chúng ta kể lại rằng khi gặp thử thách, chúng ta đã không dừng bước, rằng chúng ta không quay đầu hay ngập ngừng.
Với đôi mắt luôn hướng về phía chân trời và ân phước mà Thượng Đế ban tặng, chúng ta đã mang theo món quà tự do và giao lại nguyên vẹn cho những thế hệ mai sau.
*Bài viết có sử dụng tư liệu từ website chính thức của Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Việt Nam.