Trong bài viết đăng trên tờ báo Độc lập, một trong những tờ báo có lượng truy cập nhiều nhất ở Nga, giáo sư-tiến sỹ Vladimir M. Mazyrin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông Nga đã có những đánh giá tích cực về vai trò của Việt Nam.
Mở đầu bài viết, tác giả cho rằng để thúc đẩy hợp tác có hiệu quả cần phải đánh giá đúng tiềm năng, nguyện vọng và khả năng của đối tác. Quan hệ Nga-Việt từ trước đến nay chủ yếu dựa trên những ý tưởng, truyền thống đã cũ, cần phải nhanh chóng khắc phục.
Việt Nam không còn là "người em út"
Chuyên gia Nga khẳng định “hiện nay Việt Nam không còn là "người em út" như trong thời kỳ Xô Viết và hậu Xô Viết. Việt Nam giờ đây đóng một vai trò quan trọng không chỉ trong khu vực Đông Nam Á mà còn trên trường quốc tế ở cả lĩnh vực chính trị và kinh tế.
Trong cuộc cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực, chính Việt Nam chứ không phải Nhật Bản, Australia hay nước EU nào, đóng vai trò quan trọng và có ảnh hưởng lớn trong cuộc chơi này.”
Do đó, Việt Nam có thể lựa chọn các đề nghị hợp tác tốt nhất để xác định các điều kiện hợp tác. Điều này có nghĩa là khi hợp tác với Nga, Việt Nam sẽ không thể dựa trên những phương pháp cũ mà cách làm mới sẽ phải đảm bảo lợi ích chung.
Chuyên gia kinh tế này cho rằng ở góc độ kinh tế, Việt Nam đã trở thành một đối tác bình đẳng của Nga. Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới theo GDP, theo sức mua và theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới.
Năm 2014, Việt Nam đã leo lên vị trí thứ 32 trong bảng xếp hạng toàn cầu, theo đánh giá đến năm 2050, Việt Nam có cơ hội nhảy lên vị trí thứ 22.
Điều này có thể trở thành hiện thực nếu Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 5-6% mỗi năm như hiện tại. Năm 2014, Việt Nam đã vượt qua suy thoái kinh tế do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gây ra, tăng trưởng một cách đều đặn.
GDP của Việt Nam tăng gấp bốn lần kể từ năm 2004 đến 2014 (từ 45 tỷ USD lên 180 tỷ USD). Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 550 lên 2.000 USD. Theo Liên hợp quốc, Việt Nam thuộc nhóm các nước đang phát triển trung bình.
Theo xu hướng này, Việt Nam đã trở thành một trong những nơi hấp dẫn đầu tư nhất thế giới ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp cũng như nông nghiệp và kinh tế biển.
Trong những năm gần đây, hàng năm Việt Nam thu hút không dưới 20 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Đầu tư nước ngoài trực tiếp chiếm khoảng 10-12 tỷ USD.
Chuyển đổi sản xuất cho các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu, đặc biệt là trong lĩnh vực vi điện tử, từ Trung Quốc, Thái Lan và các nước phát triển khác là một trong những xu hướng mới .
... trở thành người bạn tốt của Nga
Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông Nga, trong chuyến thăm Việt Nam gần đây của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, các công ty lớn của Nga đã cố gắng tận dụng cơ hội nhằm chiếm vị trí tại thị trường đầy hứa hẹn này.
Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng lớn, tự bắt đầu xuất khẩu vốn, trong đó có cả hoạt động trong nền kinh tế Nga, và không ngần ngại đầu tư vào các vùng xa xôi, phức tạp nhất tại phía Bắc nước Nga - Siberia.
Minh chứng cho điều này là thỏa thuận về sự phát triển, khai thác dầu khí chung trên thềm lục địa của Biển Pechora với Công ty cổ phần Gazpromneft là một trong những kết quả quan trọng nhất trong chuyến thăm của Thủ tướng Medvedev.
Không tính đến các dự án đầu tư trực tiếp mới của Việt Nam, từ năm 2008, Việt Nam đã đầu tư 2,5 tỷ USD vào thị trường Nga.
Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nga Medvedev, hai bên đã bàn về khả năng cung cấp lương thực thực phẩm, hàng hóa không chỉ vào Nga, mà còn từ Nga vào thị trường Việt Nam.
Chuyên gia Nga cũng chỉ ra thực tế rằng trong những năm gần đây, xu hướng xuất khẩu các mặt hàng lợi thế, công nghệ của Nga sang Việt Nam đang giảm mạnh (ngoại trừ các thiết bị quân sự), nhập khẩu từ Việt Nam các sản phẩm truyền thống (các sản phẩm nông nghiệp và thủy hải sản, hàng dệt may và giày dép) cũng giảm.
Như vậy, nhiệm vụ nâng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước Nga-Việt từ 4 lên 10 tỷ USD đến năm 2020 sẽ gặp nhiều khó khăn. Do vậy, cần phải thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga-Việt thực sự lớn mạnh.
Trước tiên, cần phải tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại đầy đủ, toàn diện. Một yếu tố quan trọng nữa là khôi phục hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, văn hóa và thông tin.
“Việc Nga xoay trục về châu Á có thành công hay không phụ thuộc nhiều vào đồng minh đáng tin cậy, có thể làm cầu nối tin cậy trong tiến trình hội nhập châu Á.
Nga cần nhìn nhận một cách đúng đắn vai trò của Việt Nam - một thành viên có ảnh hưởng ở ASEAN và một người bạn tốt của Nga,” chuyên gia Nga kết luận.
Trung Quốc phản ứng "cùn" trước sự đanh thép của Việt Nam