Chuyên gia Nga: Mỹ đừng hòng lợi dụng Trung Quốc để kiềm chế Nga!

Nhiều chuyên gia Nga cho rằng, Trung Quốc không bao giờ chịu cho Mỹ dắt mũi trong vấn đề kiềm chế Nga.

Các chuyên gia Nga tuyên bố như vậy với TTX "Rossiya segodnya" khi tham gia thảo luận về một trong những chủ đề nóng hổi nhất trong thế giới blog - cấu hình tam giác Nga -Mỹ - Trung Quốc trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine. Cuộc tranh luận đã trở nên sôi nổi hơn sau khi công bố phản ứng mạnh của Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Viện Duma Aleksei Pushkov với bài viết đăng tải trên tờ “The New York Times” số ra ngày Chủ nhật vừa qua.

"Nếu Hoa Kỳ hy vọng rằng, Trung Quốc sẽ đóng một vai trò trong chiến lược "kiềm chế Nga", thì quan điểm như vậy thậm chí không thể được gọi là hiểu nhầm, và chỉ là ngu ngốc", - ông Aleksei Pushkov đã viết như vậy vào ngày thứ Hai trong microblog của mình trên Twitter. Đây là phản ứng của ông với bài báo đăng trên tờ New York Times. Bài báo khẳng định rằng, để cô lập Nga trên trường quốc tế, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ lôi kéo ngay cả Trung Quốc – quốc gia theo truyền thống ủng hộ Moscow trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Chuyên gia Aleksandr Larin của Viện Nghiên cứu Viễn Đông cho rằng, đặt cược vào việc dắt mũi Trung Quốc trên trường quốc tế là tư duy của thời đại đồ đá: “Lợi dụng Trung Quốc để kiềm chế Nga là một ý tưởng điên rồ. Nga và Trung Quốc là hai đối tác chiến lược. Mối quan hệ giữa hai nước là chặt chẽ và có một không hai trên thế giới. Nếu có ai đó nghĩ rằng, Trung Quốc sẽ tham gia chiến dịch kiềm chế Nga, thì đây là truyện viễn tưởng. Hơn nữa, không thể dùng động từ “lợi dụng” khi nói về Trung Quốc. CHND Trung Hoa là giá trị quá lớn, là một trong hai quốc gia lớn nhất trên thế giới. Nước này thực thi chính sách đối ngoại độc lập, và chỉ đơn giản không thể “dắt mũi” quốc gia này bằng cách nào đó. Chính sách ngoại giao của Trung Quốc là rất tinh tế và thông minh. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc chủ trương phát triển theo con đường độc lập, thực thi chính sách đối ngoại độc lập. Tất nhiên, quốc gia này không bao giờ đồng ý làm đồ chơi trong tay của người khác”.

Washington chơi trò “hai mặt” khi công bố luận điểm “dắt mũi Trung Quốc” trong trò chơi chống Nga trên các phương tiện truyền thông do họ kiểm soát. Đó là ý kiến của Giám đốc điều hành Trung tâm công nghệ chính trị Sergey Mikheev: “Nói nhẹ, luận điểm này là ngu ngốc. Tất nhiên, Trung Quốc và Hoa Kỳ có liên hệ chặt chẽ về mặt kinh tế. Nhưng, người Trung Quốc cũng nhận thức được rõ thái độ thực sự của Mỹ đối với Trung Quốc. Hoa Kỳ coi Trung Quốc như một đối thủ cạnh tranh lớn trong thế kỷ 21. Không ngẫu nhiên mà Mỹ đã chuyển trung tâm học thuyết quân sự tới vùng Thái Bình Dương. Điều đó cho thấy rằng, đối với Mỹ, mục tiêu chính là kiềm chế Trung Quốc, còn các tuyên bố khác chỉ nhằm che giấu mục tiêu đó. Và thứ hai, nếu Trung Quốc mất Nga với tư cách đối tác chiến lược, thì sẽ phải một mình đương đầu với Mỹ. Theo tôi, Bắc Kinh không có bất kỳ ảo tưởng về điều đó. Vì vậy, sử dụng Trung Quốc để kiềm chế Nga chỉ là truyện tưởng tượng”.

Luận điểm khá ngây thơ nói trên đã được công bố trước chuyến công du 7 ngày của ông Barack Obama tới châu Á. Ông chủ Nhà Trắng sẽ đến thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia và Philippines . Rõ ràng là, ông Obama sẽ cố gắng trấn an các đồng minh và chứng minh sự trung thành với cam kết của mình bảo vệ an ninh của họ trong bối cảnh gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Mặt khác, rõ ràng là, Hoa Kỳ không có ý định gia tăng sự đối đầu với Trung Quốc để bảo vệ lợi ích của các đồng minh ở châu Á. Và ông Barack Obama tìm đến những lý luận để giải thích cho Tokyo và các thủ đô khác, tại sao những lời tuyên bố về sự ủng hộ không phải luôn luôn đi kèm với những hành động thực tế. Vì thế, Washington coi ý tưởng về khả năng lôi kéo Trung Quốc vào chiến lược “kiềm chế” Nga như sự biện minh cho chính sách của Mỹ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại