Thông tin này đã được Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Akira Amari xác nhận sáng nay, 5/10 (giờ Mỹ), Bloomberg đưa tin.
Tuyên bố này đã khép lại 5 ngày đàm phán marathon, cũng như hàng chục vòng đàm phán căng thẳng trong suốt 5 năm qua.
Chuyên gia Joshua Kurlantzick của Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ (CFR) nhận định Việt Nam là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ TPP.
Đông Nam Á có 4 quốc gia tham gia TPP là Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam; tuy nhiên mỗi quốc gia này lại có những đặc thù riêng và những lợi ích/thiệt hại mà TPP mang lại cũng sẽ không giống nhau.
Thông tin TPP được hoàn tất cũng đã được xác nhận trong cuộc họp báo hội nghị Bộ trưởng các nước đàm phán thành viên Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương diễn ra vào lúc 8h30 sáng 5/10 (giờ địa phương) tại thành phố Atlanta, bang Georgia, Mỹ.
Ngày 4/10, một số thông tin cho biết thông báo chính thức về việc thỏa thuận được kí kết sẽ được đưa ra. Tuy nhiên, vấn đề liên quan đến quyền lợi nông dân Canada đối với các sản phẩm từ sữa đã khiến thông báo này liên tục bị hoãn lại, dẫn đến đàm phán kéo dài thêm một ngày.
Trước đó, hãng tin Reuters cho biết, một bước đột phá đã diễn ra khi Mỹ và Australia chính thức đạt được thỏa hiệp về quãng thời gian giữ bảo hộ độc quyền đối với các sản phẩm thuốc mới ra thị trường. Vấn đề này trước đó đã khiến TPP nhiều lần lỡ hẹn.
Tạp chí Forbes dẫn lời chuyên gia Frederic Neumann của Ngân hàng HSBC đánh giá các nền kinh tế nhỏ như Việt Nam, Malaysia sẽ được hưởng lợi lớn nhất nhờ được tự do tiếp cận các thị trường lớn như Mỹ và Nhật Bản.
Theo ông Neumann, TPP có thể thúc đẩy tổng sản lượng kinh tế (GDP) của Việt Nam tăng thêm 13% vào năm 2025, và con số này của Malaysia là 6%.
Việc đạt được thỏa thuận TPP trong đợt đàm phán lần này có thể nói là hết sức kịp thời. Với việc tổng tuyển cử sắp diễn ra tại Canada cũng như cuộc chạy đua vào Nhà Trắng ngày một nóng lên, khả năng đàm phán TPP bị trì hoãn trong thời gian dài là rất cao.
TPP khơi nguồn từ Hiệp định Đối tác Chiến lược Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPSEP) với 4 nước thành viên Brunei, Chile, New Zealand, và Singapore, sau đó mở rộng thêm với sự tham gia của Australia, Mỹ, Canada, Mexico, Peru, Malaysia, Nhật Bản, và Việt Nam.
Mục tiêu của TPP, theo các bên thống nhất tuyên bố, đó là "tăng cường hợp tác và đầu tư giữa các nước thành viên, khuyến khích sáng tạo đổi mới, phát triển kinh tế, cũng như tạo và duy trì công ăn việc làm".
Sau khi hiệp định được 12 Bộ trưởng đại diện các nước thành viên kí kết, TPP sẽ còn phải được Quốc hội các nước thông qua trước khi chính thức có hiệu lực.
Những người chống đối đã chống lại TPP vì cho rằng hiệp định này là quá có lợi cho các công ty lớn nên gây thiệt hại đến người lao động Mỹ.
Những người ủng hộ thì nhắc đến một bức tranh địa chính trị lớn hơn. Đó là nỗ lực của Nhà Trắng nhằm duy trì thế thượng phong trong việc chi phối kinh tế toàn cầu.
Và một điều không thể không được nhắc đến: TPP là để ngăn sự trỗi dậy của con rồng Trung Quốc.