Chiêu trò hối lộ mới ở Trung Quốc
Theo báo cáo của Ủy ban kiểm tra-kỷ luật trung ương (CCDI) thuộc Đảng Cộng sản TQ (CPC) việc hối lộ ngày càng tinh vi.
Tại báo cáo mới đây của cơ quan này: số vụ vi phạm về tặng và nhận quà biếu có 1.599 vụ, chiếm 11% vụ vi phạm; xử phạt 1.643 đảng viên vi phạm, chiếm 14,48%.
Từ các vụ đã điều tra và xử lý, CCDI phát hiện: thay vì tặng tiền và quà, các đối tượng đã chuyển sang tặng thẻ mua sắm, vào các dịp “cơ hội vàng” để tặng-nhận quà như các ngày lễ, Tết năm mới, tết Nguyên Tiêu, tiết Thanh Minh, Trung Thu hay tết Trùng Dương… dù chính quyền ban hành nhiều lệnh cấm tặng tiền và quà đắt tiền.
Giáo sư Lí Mãn Xuân, thuộc Trung tâm nghiên cứu và phân tích pháp lý Đại học Trung Nam, cho biết: “Những kẻ đưa hối lộ cho rằng, tặng tiền thì quá trực tiếp, tặng quà thì quá lộ liễu, còn tặng thẻ mua sắm thì vừa “kín đáo”, lại không khiến người nhận khó xử như tặng tiền.
Hơn nữa, thẻ mua sắm dễ mang đi, lại không có ghi chú thông tin người tặng cũng như người nhận, không dễ bị điều tra. Như vậy, người tặng thẻ cảm thấy chính đáng, người nhận cũng an tâm nhận thẻ”.
Về việc hối lộ bằng thẻ mua sắm, tiêu biểu có trường hợp Uông An Trường, nguyên bí thư quận Hấp (tỉnh An Huy) kiêm Chủ nhiệm hợp tác xã quận, bị miễn nhiệm vì sử dụng những khoản phí sai quy định của các công ty trực thuộc hợp tác xã (gần 105.000 NDT), lạm dụng xe công và nhận hối lộ từ các đối tác làm ăn.
Tài sản hối lộ ngoài 7.000 NDT hiện kim, rượu còn có thẻ mua sắm trị giá 4.000 NDT.
Từ khi CPC ban hành quy định 8 điều đạo đức-kỷ luật, sự lây lan “4 chủ nghĩa” (chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa quan liêu, chủ nghĩa hưởng thụ và chủ nghĩa hoang phí) trong giới quan chức đã được kiềm chế hiệu quả.
Tuy nhiên còn nhiều tác phong xấu vẫn còn bám rễ, trong đó hành vi tặng và nhận quà biếu vẫn tồn tại, với nhiều cách thức mới và ngày càng được che giấu rất tinh vi, khiến công tác phòng chống gặp nhiều khó khăn.
Một số quan tham không dám trực tiếp nhận tiền, quà hối lộ, nên tìm cách “đi đường vòng”.
Ví dụ: Chương Quang Tường, cán bộ thuế thành phố Chư Kỵ (tỉnh Triết Giang) khi đến các doanh nghiệp làm việc, đã yêu cầu các đơn vị này chi 4.000NDT phí sử dụng riêng tư cho mình.
Hoặc Công Đông Diễm, chuyên viên quản lý nguồn nước Cục thủy vụ thành phố Thanh Trấn (tỉnh Quý Châu) bị buộc tội thu trái phép “phí thẩm định nguồn nước” đối với khách hàng.
Hoặc như Trương Hán Phu, khi còn giữ chức Chủ nhiệm Trung tâm giáo dục người trưởng thành quận Trường Bình (Bắc Kinh) yêu cầu các đơn vị trực thuộc chi tổng cộng 59.078NDT làm chi phí sử dụng riêng cho mình.
Về phía kẻ đưa hối lộ, chúng biết lợi dụng công nghệ để tặng những khoản tiền, món quà “không dấu vết”.
Khó lật tẩy tham nhũng trá hình
Với sự phát triển nở rộ của thị trường quà tặng trên mạng, ví di động Wechat, Paypal, thẻ quà tặng điện tử, phiếu giảm giá nạp tiền và nhiều loại quà tặng “bí mật” khác đã trở thành “vũ khí tặng quà thần kỳ” của không ít người.
Theo lời giới thiệu của người quản lý của một trang web bán “sách vật phẩm” trên mạng, họ cung cấp cho người mua từ loại 88 NDT đến loại hơn 4.999 NDT, mỗi quyển đều có kèm tài khoản cá nhân và mật mã, người nhận được sách này chỉ cần lên mạng, đăng nhập để đổi phần quà tương ứng với số tiền được tặng, quà sau đó sẽ được gửi chuyển phát nhanh đến tận nhà.
Người nhận sách không muốn đổi quà cũng có thể lấy hiện kim. Hiện nay, loại hình kinh doanh này đang càng ngày càng nhiều.
Ông Túc Bân, bí thư huyện ủy Nghi Tân (tỉnh Tứ Xuyên) cho biết: “Đây thực ra là dùng thương mại điện tử che đậy việc đưa-nhận hối lộ, khiến cho “thần không biết, quỷ không hay”.
Vậy có bao nhiêu thủ đoạn lợi dụng công nghệ để đưa và nhận hối lộ?
Theo ông Nhan Tam Trung, Phó tổng thư ký Viện nghiên cứu tội phạm tỉnh Giang Tây, mục đích cuối cùng của việc đưa lì xì, tặng quà… chính là để được “bảo hộ quyền lực”, được “trả lễ”.
Về bản chất là đưa hối lộ. Khoác lên một “vỏ bọc” mới, phong bì vẫn là phong bì, quà tặng vẫn là quà tặng, vẫn có sức phá hoại cực kỳ lớn đối với quyền lực nhà nước, gây tổn hại uy tín và hình ảnh của CPC và nhà nước.
Một cán bộ giám sát kỷ luật tỉnh Giang Tây cho biết: “Dù điều tra chứng cứ về các món hối lộ công nghệ cao này không phải là không thể lần ra, nhưng phải tìm ra những manh mối đáng ngờ, những giao dịch bất thường giữa hàng đống dữ liệu giao dịch thì thật là khó khăn.
Với khả năng hiện tại, các cơ quan kiểm tra kỷ luật lâm cảnh “lực bất tòng tâm”.
Lấy ví dụ ứng dụng tặng lì xì trên Wechat, đồng bộ tài khoản ngân hàng với tài khoản Wechat. Người dùng chỉ cần vài thao tác trên điện thoại đã hoàn thành việc tặng tiền.
Cách thức này không tốn thời gian, không bị giới hạn số tiền tặng, bảo mật cao, lại cộng thêm việc số lượng tặng lì xì trên mạng rất nhiều.
Vì vậy, các cơ quan điều tra khó phát hiện, khó nhận định, khó tìm vật chứng. Những “ưu điểm” trên khiến cho nhiều kẻ ưa thích dùng cách này để đưa hối lộ.
Theo ông Trương Phổ Côn, ủy viên thường vụ, bí thư Ủy ban kiểm tra-kỷ luật thành phố Bảo Sơn (tỉnh Vân Nam) để đối phó với những quà tặng loại này, các cơ quan chức năng phải tăng cường cơ chế truy cứu và các chế độ hạn chế hối lộ hiện có.
Quà tặng được biến chuyển theo công nghệ: thay quà phong bì bắng ví di động Wechat, Paypal, thẻ quà tặng điện tử, phiếu giảm giá nạp tiền và nhiều loại quà tặng “bí mật” khác.
Khống chế việc tặng quà qua mạng
Ngày 4.9.2014, Hoàng Thụ Hiền, Phó bí thư CCDI kiêm Cục trưởng cục phòng chống tham nhũng TQ, khi giao lưu trực tuyến với người dân đã thông báo: Sắp tới CCDI sẽ đưa các dịch vụ tặng quà trên mạng vào danh sách các đối tượng điều tra tham nhũng.
Theo thống kê của phóng viên báo Phượng hoàng, trước lễ Trung thu năm 2014, đã có 28 tỉnh ban hành lệnh cấm tặng quà cho quan chức trong hai ngày lễ Trung thu và Quốc khánh TQ, 10 tỉnh tiến hành theo dõi dịch vụ tặng lì xì qua Wechat.
Ngoài việc ban hành lệnh cấm, chính quyền các địa phương cũng triển khai nhiều hành động chống tặng và nhận quà biếu.
Trong nỗ lực tăng cường quản lý việc tặng và nhận quà biếu của cán bộ, lãnh đạo và đảng viên tỉnh Vân Nam chuẩn bị đưa lệnh cấm cán bộ và lãnh đạo các cấp tặng lì xì qua Wechat vào “sáu điều cấm” thuộc chương trình cải tổ chính trị, đặc biệt sẽ trừng phạt nghiêm khắc những trường hợp nhận lì xì qua Wechat, thẻ trả trước.
Trong 6 tháng đầu năm nay, Ủy ban kiểm tra- kỷ luật tỉnh Vân Nam đã điều tra được 32 vụ nhận hối lộ, xử phạt 28 cán bộ.
Theo quy định của tỉnh Giang Tây, những cán bộ, đảng viên nhận được lì xì qua Wechat không chủ động giao nộp, nếu bị điều tra ra, người có chức vụ sẽ bị miễn nhiệm, sau đó sẽ bị xử lý theo kỷ luật đảng và pháp luật nhà nước.
Người không chức vụ cũng sẽ bị xử lý theo kỷ luật đảng và pháp luật nhà nước; dính líu tới việc đưa hối lộ, sẽ đưa cơ quan tư pháp điều tra.
Theo báo cáo của tỉnh Giang Tây, quỹ liêm chính của chính quyền các cấp đã thu được tiền lì xì và tài khoản hối lộ với tổng số tiền 156 triệu NDT; cơ quan kiểm tra- kỷ luật các cấp đã điều tra được 118 vụ tặng và nhận lì xì, xử lý 155 cán bộ; Ủy ban kiểm tra- kỷ luật tỉnh 11 lần thông báo 19 vụ điển hình.