Chiến lược mới Trung Quốc đang theo đuổi để vượt qua Mỹ là gì?

Hải Võ |

Tờ Cankaoxiaoxi (Trung Quốc) mới đây nhìn nhận, kể từ đầu năm 2015, Bắc Kinh đã khiến các quốc gia trong khu vực quan ngại hơn bởi thái độ hung hăng.

Nửa đầu năm, Trung Quốc đứng đầu thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và thu hút nhiều quốc gia ở châu Âu, châu Á tham gia - trừ Mỹ, Nhật Bản, qua đó nâng cao vị thế của nước này.

Mới đây, Trung Quốc tiếp tục thông qua hoạt động kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II tổ chức cuộc duyệt binh quy mô lớn hôm 3/9 trên quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh để chuyển tải hình tượng "cường quốc quân sự" ra toàn cầu.

Khoe sức mạnh quân sự, chiến lược Trung Quốc đang theo đuổi là gì?

Cankaoxiaoxi hôm 14/9 cho hay, trên thực tế, chính phủ Trung Quốc "bất đắc dĩ" phải thể hiện diện mạo "cường quốc quân sự" bằng cuộc duyệt binh vừa qua, xuất phát từ yêu cầu ổn định tình hình trong nước.

Mặt khác, Bắc Kinh cũng "tiến thoái lưỡng nan" khi phải tìm kiếm sự cân bằng trong con mắt của xã hội quốc tế - vốn xem hình ảnh "sức mạnh Trung Quốc" là một mối đe dọa.

Việc ông Tập Cận Bình tuyên bố cắt giảm 300.000 quân của lực lượng vũ trang Trung Quốc được cho là kết quả của sự tính toán cân bằng nội-ngoại nói trên.

Theo Cankaoxiaoxi, trước cuộc duyệt binh, giới cầm quyền Trung Quốc đã ý thức được sự chênh lệch thực tế trong sức mạnh Mỹ-Trung và theo đuổi điều chỉnh chiến lược an ninh - ngoại giao về dài hạn. Sự tính toán của Bắc Kinh bắt đầu từ cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ năm 2008.

Vào thời điểm đó, Trung Quốc xem Mỹ như "hổ mất nanh". Nước này ngang nhiên thách thức trật tự quốc tế mà Washington duy trì tại biển Hoa Đông và biển Đông với mục đích "kiểm nghiệm sức mạnh".

Trước khiêu khích từ Trung Quốc, Washington đáp lại bằng chiến lược "xoay trục châu Á" và nhận được sự hưởng ứng từ các đồng minh Nhật Bản, Australia, Philippines cùng nhiều quốc gia trong khu vực.

Trong khi đó, đề xuất "quan hệ nước lớn kiểu mới" mà Trung Quốc nêu ra từ năm 2012, được cho là nhằm "nâng tầm" vị thế của nước này so với Mỹ, chỉ nhận được phản ứng hờ hững từ Washington.

Điều này khiến Bắc Kinh bất mãn và chỉ trích Mỹ "không tôn trọng lợi ích cốt lõi của Trung Quốc".

Bên cạnh việc tăng cường các mối quan hệ đồng minh ở châu Á, giúp các nước đồng minh kiềm chế Trung Quốc về mặt quân sự và cơ chế bảo đảm an ninh, Mỹ cũng mở rộng các "hàng rào chiến lược" trong hợp tác kinh tế với Trung Quốc.

Cankaoxiaoxi nhận định, chiến lược "tao guang yang hui mới" của chính phủ Trung Quốc ra đời trong bối cảnh như vậy.


Ông Tập tuyên bố cắt giảm 300.000 quân trong lễ duyệt binh là động thái để cân bằng đối nội-đối ngoại?

Ông Tập tuyên bố cắt giảm 300.000 quân trong lễ duyệt binh là động thái để cân bằng đối nội-đối ngoại?

"Tao guang yanghui mới"

"Tao guang yang hui" là câu thành ngữ được Đặng Tiểu Bình sử dụng để khái quát chiến lược mà ông này vạch ra cho Trung Quốc, đó là nhẫn nhịn, ẩn mình và chờ đợi cơ hội vươn lên.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã theo đuổi chính sách "tao guang yang hui" trong suốt hơn 30 năm qua.

Tuy nhiên, những động thái cứng rắn của Bắc Kinh trong khu vực kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền khiến giới quan sát đánh giá ông Tập đang muốn từ bỏ chính sách của ông Đặng để chuyển sang "chiến lược nước lớn".

Tại hội nghị của Ủy ban liên kết thương mại mậu dịch Mỹ Trung tháng 12/2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ Trung Quốc "tôn trọng quy tắc do Mỹ làm chủ đạo".

Tháng 8/2015, Trung Quốc cũng tuyên bố ngừng các hoạt động bồi lấp, xây đảo nhân tạo (trái phép-PV) ở biển Đông, như một tín hiệu thừa nhận vị thế và sự hiện diện của Mỹ ở khu vực này.

Trong tình thế như vậy, Cankaoxiaoxi bình luận, mặc dù lễ duyệt binh ngày 3/9 thể hiện sự trỗi dậy về quân sự, nhưng "công tác trọng điểm" trong giai đoạn này của Bắc Kinh chủ yếu vẫn là ẩn giấu thực lực và chờ đợi thời cơ vượt qua Mỹ.

Thông điệp mà nước này muốn gửi tới quốc tế là: "Trung Quốc đã đủ mạnh mẽ để bảo vệ chính mình, đừng xem thường Trung Quốc", nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Bắc Kinh sẽ ngay lập tức thách thức quyền lực của Washington.

Cankaoxiaoxi cho biết, so với việc đối đầu cùng Mỹ, các vấn đề nội địa của Trung Quốc đang "chất cao như núi", ví dụ như kinh tế tăng trưởng chậm, thị trường chứng khoán sụt giảm giá trị, tỷ lệ thất nghiệp cao, vấn đề chống tham nhũng và cải cách còn nhiều nhức nhối...

Trên thực tế, Bắc Kinh cũng đang dần tìm cách thiết lập một "trật tự Trung Quốc" ở khu vực Đông Bắc Á thông qua quản lý tốt chiến lược ngoại giao đối với Nhật Bản và Triều Tiên, nhằm cạnh tranh lâu dài với Mỹ.

Hồi tháng 8, Trung Quốc gây bất ngờ khi lần đầu tiên cử đoàn công tác sang Nhật để... giải thích về sách trắng quốc phòng được nước này công bố trước đó và song phương thậm chí đã thảo luận về khả năng thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.

Ngoài ra, dù Bắc Kinh đứng về phía Hàn Quốc, hay cộng đồng quốc tế nói chung, phản đối việc Triều Tiên sở hữu hạt nhân, nhưng Trung Quốc mới đây vẫn khẳng định không từ bỏ "củng cố và thắt chặt quan hệ hữu nghị Trung-Triều".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại