Nỗi sợ của TQ khi Nhật sẵn sàng tham chiến sau 70 năm

Hải Võ |

Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) dẫn các nguồn tin quốc tế cho rằng Mỹ-Nhật có thể tiến hành kế hoạch "bao vây Trung Quốc" sau khi luật an ninh sửa đổi của Nhật Bản được thông qua.

Hoàn Cầu dẫn bài viết đăng trên tờ The Times của Anh hôm 15/9 có đoạn: "Nishikawa, 18 tuổi, là quân nhân phụ trách bắn ngư lôi trên tàu khu trục 7.500 tấn, thuộc một trong những quân đội được trang bị tốt nhất trên thế giới.

Anh tự thấy rằng mình có sự nghiệp hoàn hảo. Nishikawa chia sẻ, dù biết chức trách của bản thân là bảo vệ quốc gia, nhưng trước đây anh không hề cảm thấy công việc của mình là nguy hiểm, bởi từ sau Thế chiến II, quân đội Nhật chưa từng phải ra chiến trường.

Tuy nhiên, cùng với dự luật an ninh mới sắp được Quốc hội Nhật Bản thông qua, tất cả sẽ thay đổi."

"Các binh sĩ Nhật Bản chuẩn bị đón cuộc chiến tranh đầu tiên kể từ năm 1945", The Times viết.

Tờ Japan Today của Nhật hôm qua (16/9) cho hay, sau khi luật an ninh mới được thông qua theo dự kiến trong tuần này, Nhật Bản và Mỹ có thể sẽ chế định "kế hoạch về khả năng xung đột với Trung Quốc".

Dù vậy, Tokyo sẽ không cử quân đội tham gia hành động quân sự do Mỹ đứng đầu chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Theo Japan Today, Mỹ rất hoan nghênh động thái từ Nhật Bản, trong khi Trung Quốc vẫn giữ thái độ bất mãn quen thuộc và chỉ trích luật an ninh mới này sẽ khiến tình hình an ninh khu vực thêm phức tạp.

Tờ The Shillong Times (Ấn Độ) hôm 16 dẫn lời chuyên gia phê bình Nhật Bản đánh giá, luật an ninh sửa đổi đã "mở toang cánh cửa" cho Tokyo tham gia giải quyết các cuộc xung đột quốc tế có sự hiện diện của Mỹ.

Nhưng Thủ tướng Nhật Shinzo Abe khẳng định, "về nguyên tắc" nước này đã loại trừ khả năng điều động quân đội tới trực tiếp tác chiến ở các lãnh thổ nước ngoài.

Theo Shillong, một quan chức chính phủ Nhật Bản nói: "Tokyo không có ý định hành động như Australia, Anh hoặc Đức. Các nước này liên tục cung cấp nhân lực tới các vùng chiến sự, Afghanistan hay Iraq. Đó không phải là điều Nhật Bản có thể làm."

Hãng Reuters cho biết, Tokyo chỉ được phép thực hiện quyền tự vệ tập thể trong tình huống thỏa mãn đủ 3 điều kiện, bao gồm "đe dọa sinh tồn của Nhật Bản".

Chuyên gia người Nhật Narushige Michishita thuộc Trung tâm học giả quốc tế Woodrow Wilson đánh giá: "Đối với các tiêu chuẩn của Nhật Bản thì đó (thực hiện quyền tự vệ tập thể-PV) là một hành động đáng kể, nhưng không phải là động thái to lớn với các cường quốc chủ yếu hiện nay."

Mặc dù như vậy, sự liên kết chặt chẽ hơn giữa quân đội Mỹ-Nhật không chỉ đem lại cơ hội mở rộng phạm vi tập trận và tuần tra trên Thái Bình Dương, mà còn mở ra "quy hoạch xung đột liên kết".

Ông Michishita nói, Nhật và Mỹ sẽ bắt đầu kế hoạch bảo vệ "chuỗi đảo thứ nhất" - từ quần đảo Chishima (Nga gọi là quần đảo Kuril) hướng về phía Nam qua quần đảo Nhật Bản, Đài Loan, phía Bắc Philippines cho tới Borneo - và "bao vây duyên hải Trung Quốc".

TT nghiên cứu chiến lược & quốc tế (CSIS)
Michael Jonathan Green
Luật an ninh mới sẽ gia tăng vị thế mà sự hòa nhập của Nhật Bản. Không bao lâu nữa Tokyo sẽ trở nên gắn kết chặt hơn với Mỹ, đồng thời liên kết mật thiết hơn với Australia, Philippines cùng các đồng minh khác của Washington.

Trung Quốc có e ngại?

Theo tờ Wall Street Journal (Mỹ), ông Shinzo Abe đã tuyên bố Nhật Bản sẽ cùng với Mỹ và các quốc gia lớn ở phương Tây thiết lập quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn, giúp cho liên minh trở nên vững chắc và đáng tin cậy hơn.

Tuy nhiên, WSJ cũng cảnh báo, Tokyo cần thận trọng trước những nguy cơ về khủng bố khi nước này tích cực tham gia cùng Mỹ trong các hành động quân sự ở nước ngoài.

Luật an ninh sửa đổi của Nhật được Thủ tướng Abe thúc đẩy mạnh mẽ từ năm 2014, sau khi Bắc Kinh tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông vào tháng 11/2013 và đẩy nhanh tiến độ hoạt động bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép ở biển Đông.

Kể từ giữa năm 2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tỏ rõ lập trường cứng rắn của Washington trước động thái hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông, đồng thời kêu gọi Tokyo đóng vai trò tích cực hơn trong việc gìn giữ hòa bình và tự do hàng hải trong khu vực.

Bắc Kinh liên tục phản ứng trước dự luật an ninh này. Học giả Lưu Quân Hồng thuộc Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại (Trung Quốc) Lưu Quân Hồng nói với Thời báo Hoàn Cầu: "Mỹ chỉ mong Nhật Bản 'xung phong' lên phía trước."

Theo ông Lưu, phía Trung Quốc thường chỉ trích việc quân lực Nhật Bản được giải phóng nhờ vào luật an ninh mới là cơ hội để Mỹ "lui vào hậu trường" về mặt chiến lược.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại