Tuần vừa qua, chính phủ Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề xuất kế hoạch cải thiện sự hiện diện của NATO tại châu Âu, nhằm mục đích đối phó "sự hung hăng của Nga". Dự kiến, Washington sẽ bỏ ra 3,4 tỉ USD để thực hiện kế hoạch này.
Tuy nhiên, Ba Lan, một trong những thành viên NATO có đường biên giới giáp Nga, đang tỏ rõ thái độ bất bình, bởi họ cho rằng động thái này chỉ giúp các quốc gia Tây Âu, thay vì những nước phía Đông đang "mất ăn mất ngủ" bởi mối đe dọa từ Moscow.
Trong kế hoạch "Tái Đảm bảo An ninh Châu Âu" của Mỹ , Lầu Năm Góc cho biết họ sẽ sớm điều một lữ đoàn luân phiên được trang bị đầy đủ tới Đông Âu, để đẩy mạnh hiện diện NATO tại khu vực này.
Nhưng chỉ một ngày sau tuyên bố trên của Mỹ, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda phát biểu với phóng viên Bloomberg bên lề Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân tại Washington rằng, kế hoạch mới này không đủ để bảo vệ Đông Âu trước nguy cơ bị Nga tấn công.
Ông Duda khẳng định việc tăng cường binh lực NATO và Mỹ tại Đông Âu là một bước đi tích cực, song đó mới chỉ là một nửa những gì NATO cần phải làm để "răn đe" Nga.
Tổng thống Ba Lan kêu gọi NATO xây dựng một hệ thống phòng thủ trên lãnh thổ Ba Lan, bởi theo những nghiên cứu mới đây, ông Duda cho rằng kế hoạch hiện nay sẽ bất lực nếu điện Kremlin cắt đường cứu viện tới Đông Âu trước khi NATO kịp trở tay.
"Hiện nay, hỏa lực tên lửa của Nga tại Kaliningrad có khả năng chặn đứng việc điều quân cứu viện, khiến các lực lượng đáp trả [của NATO] không thể đến được vùng lãnh thổ bị tấn công" - Tổng thống Ba Lan cảnh báo.
Xe tăng Nga trong một cuộc tập trận tại Kaliningrad. Ảnh: TASS
Ông nhấn mạnh, chính phủ nước này sẽ tiếp tục các động thái thuyết phục chính phủ Mỹ và NATO xây dựng hệ thống phòng thủ cố định tại Ba Lan, để chống lại nguy cơ bị tên lửa tấn công, cũng như đảm bảo có thể "tự lực cánh sinh" thay vì phụ thuộc vào quân cứu viện phía Tây.
Tổng Tư lệnh các lực lượng NATO tại châu Âu, tướng Philip Breedlove, mới đây đã ra tuyên bố về một chiến lược mới của NATO tại châu Âu, đó là chuyển ưu tiên từ "bảo hiểm" trước mối đe dọa từ Nga sang trực tiếp "răn đe" Nga.
Trong chiến lược mới này, tướng Breedlove cũng kêu gọi gia tăng quân số tại Đông Âu, nhưng không chỉ là các nhóm quân luân phiên mà thay vào đó là một lực lượng thường trực.
Nhưng vẫn có lý do để Ba Lan cảm thấy không an tâm.
"Phân biệt đối xử" Đông-Tây?
Trả lời phỏng vấn Bloomberg, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Laura Seal xác nhận, tất cả các vũ khí và thiết bị quân sự mà Mỹ dự kiến sẽ bổ sung trong kế hoạch "Tái Đảm bảo An ninh Châu Âu" của mình, sẽ được lưu trữ tại Bỉ, Hà Lan, và Đức.
Nhưng đây đều là các quốc gia Tây Âu, và không chịu bất kì một mối đe dọa trực tiếp nào từ Nga.
Bà Seal cho biết, các vũ khí nói trên sẽ được điều động tới Đông Âu một cách nhanh nhất trong trường hợp khẩn cấp, đồng thời trấn an rằng 1 trong 3 lữ đoàn của Mỹ tại châu Âu vẫn sẽ luân phiên đóng tại phía đông.
Stryker Mỹ tại Ba Lan. Ảnh: EPA
Nhận định về cách phân bổ có phần "phân biệt đối xử" này, một quan chức Ba Lan giấu tên cho biết ông từng được phía Mỹ giải thích rằng, họ chỉ muốn đưa khí cụ huấn luyện thay vì trang thiết bị chiến đấu tới Đông Âu vì không muốn đặt các thiết bị này vào "khu vực nguy hiểm có thể bị các lực lượng thù địch cướp mất".
Nhưng nghịch lý ở chỗ, chính sự "nguy hiểm" ấy cũng là lý do các trang thiết bị nói trên cần được đặt tại các khu vực như vậy, để răn đe các thế lực thù địch.
Và dù không muốn nói ra, thì trong thâm tâm nhà lãnh đạo các nước thành viên NATO phía đông, vẫn có một suy nghĩ rằng Washington luôn thiên vị các đồng minh phía Tây.
Một vấn đề khác, theo ông Baranowski, là khả năng "A2/AD" vượt trội của Nga tại biển Baltic hoàn toàn có thể khiến NATO bất lực trong việc ngăn chặn Moscow chiếm lĩnh hành lang Suwalki nằm giữa Kaliningrad và Belarus, qua đó cắt đứt đường viện trợ của NATO tới các nước Baltic.
Và theo Tổng thống Duda, "Ba Lan chính là chìa khóa cho việc đảm bảo an ninh cho các nước Baltic".
Nhưng dường như, Mỹ nói riêng và NATO nói chung không chia sẻ quan điểm này của ông, ít nhất là cho đến thời điểm này.