Châu Âu đối mặt bi kịch “máu đổ trên những bức tường”

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) hôm 22-9 đã thông qua quyết định tái phân bổ hạn ngạch người di cư đối với các thành viên.

Một số nhà ngoại giao cảnh báo quyết định vượt mặt cả quyền tự quyết của mỗi quốc gia trong một vấn đề nhạy cảm như nhập cư ở thời điểm khủng hoảng như hiện nay của EU có thể dẫn tới bi kịch “máu đổ trên những bức tường”.

Đây là một cách nói ví von nói về nghịch cảnh trong khi nhiều nước châu Âu ráo riết lập hàng rào như một dấu hiệu rõ ràng nhất thể hiện sự cự tuyệt đối với người tị nạn thì sự “ép uổng” phải tiếp nhận người tị nạn từ EU có thể gây ra những hậu quả đáng sợ.

Khi bức tường Berlin sụp đổ cách đây một phần tư thế kỷ, trên thế giới có 16 hàng rào biên giới.

Tuy nhiên, ngày nay trong thời đại toàn cầu hóa tưởng như sẽ dẹp bớt những rào cản này thì sự lo ngại về an ninh và cuộc khủng hoảng di cư này đã khiến những hàng rào biên giới mọc lên nhiều hơn, lên tới 65 chiếc, theo chuyên gia tại Đại học Quebec – bà Elisabeth Vallet.

EU đã buộc các nước Đông Âu phải đồng ý tiếp nhận 120.000 người tị nạn từ Hy Lạp và Ý – những quốc gia điểm đến đầu tiên của người di cư Trung Đông.

Quyết định nói trên được thông qua trong một hội nghị thượng đỉnh các bộ trưởng nội vụ EU ở Brussels – Bỉ đêm 22-9 (giờ địa phương).

4 nước Cộng hòa Czech, Slovakia, Romania và Hungary kịch liệt phản đối bằng cách bỏ phiếu chống, Phần Lan bỏ phiếu trắng nhưng với đa số phiếu thuận, việc tái phân bổ hạn ngạch người di cư chính thức có hiệu lực.

Dù vậy, Thủ tướng Slovakia Robert Fico tuyên bố chừng nào ông còn tại nhiệm, hạn ngạch bắt buộc sẽ không bao giờ được thực hiện trên lãnh thổ nước này.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico gay gắt chỉ trích kế hoạch tái phân bổ của EU. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Slovakia Robert Fico gay gắt chỉ trích kế hoạch tái phân bổ của EU. Ảnh: Reuters

Một nhà ngoại giao phản đối kế hoạch cho biết không khí xung quanh bàn đàm phán “rất khủng khiếp” và mô tả đây là một “ngày tồi tệ” đối với châu Âu.

Vài giờ trước khi hội nghị diễn ra, Thủ tướng Đức Angela Merkel cam kết bà sẽ nỗ lực giải quyết kế hoạch tái phân bổ hạn ngạch bằng sự đồng thuận của tất cả thành viên EU. Nhưng sau đó, 4 nước phản đối kể trên bị “ép” phải tuân theo số đông.

Tuần trước, các thành viên EU nhất trí tái phân bổ 40.000 người di cư từ các nước Ý và Hy Lạp tới những quốc gia châu Âu còn lại.

Tuy nhiên, hạn ngạch lần này được nâng lên 120.000 người và gây ra tranh cãi. Các nước Đông Âu tức giận cho biết họ bị ép buộc phải tiếp nhận một số lượng lớn người tị nạn, như vậy chẳng khác nào một sự xâm phạm chủ quyền quốc gia.

Theo số liệu của EU, trong 7 tháng đầu năm nay, có 252.000 người di cư vượt biên trái phép vào Hy Lạp và Ý nhưng chỉ có 85.000 được cấp quy chế tị nạn và lấy dấu vân tay theo quy định.

Vào ngày 23-9, các nhà lãnh đạo EU sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp để tìm giải pháp hiệu quả cho vấn đề di cư. Hội nghị được cho là sẽ diễn ra căng thẳng vì nội bộ EU đang “xào xáo” và không đạt được sự đồng thuận tuyệt đối của tất cả thành viên trong khối.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại