Chán Mỹ, Ả rập Xê út sẽ thành lập “NATO Hồi giáo”?

Đào Cảnh |

Sau khi thành lập liên minh chống khủng bố của các quốc gia Hồi giáo (vào năm 2015, gồm 34 quốc gia), Ả rập Xê út mới đây lại đề xuất thành lập một tổ chức mới có mô hình và cơ cấu tương tự như NATO....

Ý tưởng này dường như xuất phát từ việc mối quan hệ giữa El-Riyadh và Washington không còn “mặn nồng” như trước.

Khả năng các “ông lớn” Trung Đông liên kết chống Iran

Giải thích cho đề xuất của mình, Ả rập Xê út cho rằng nhiệm vụ chính của liên minh là đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố.

Tuy nhiên, giới phân tích chính trị-quân sự quốc tế cho rằng chống chủ nghĩa khủng bố không phải là cái đích duy nhất của tổ chức này mà nhiều khả năng “NATO của các quốc gia Arab” này sẽ thực hiện chức năng nữa là chống lại Iran - đối thủ chính của Ả rập Xê út.

Khác với việc thành lập liên minh chống khủng bố của các nước Hồi giáo vào năm 2015, trong việc thành lập “NATO Hồi giáo” lần này, Ả rập Xê út “nhường” vai trò cho Pakistan.

Đề xuất này, theo tạp chí Independent, đã được phía Ả rập Xê út chuyển đến Thủ tướng Pakistan Navaz Sharif và Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Pakistan, tướng Rakhil Sharif- người mới thực hiện chuyến thăm 3 ngày đến Ả rập Xê út.

Tướng Rakhil Sharif trong thời gian thăm Ả rập Xê út đã tham gia quan sát giai đoạn cuối cuộc tập trận quy mô lớn mang tên “Sấm sét phương Bắc” được tổ chức ở phía Bắc Ả rập Xê út với sự tham gia của 21 quốc gia Hồi giáo.

Quá trình thành lập liên minh quân sự mới “NATO Hồi giáo” hiện đang trong giai đoạn bắt đầu nên những thông tin về vấn đề này vẫn chưa thực sự được giới truyền thông đề cập đến.

Tuy nhiên, khả năng này đang khiến cuộc cạnh tranh giành vị thế hàng đầu khu vực Trung Đông vốn đã căng thẳng giữa Ả rập Xê út theo dòng Hồi giáo Sunni và Iran theo dòng Hồi giáo Shiite lại càng thêm gay gắt hơn.

Phần lớn các quyết định và sáng kiến được phía Ả rập Xê út đưa ra trong thời gian gần đây đang chứng kiến cho xu thế này.

Hiện nay, chiến tranh trực tiếp giữa Iran với Ả rập Xê út chưa xảy ra nhưng hai bên đang cạnh tranh hết sức gay gắt trên một vài “mặt trận” khác nhau dưới các hình thức khác nhau.

Syria và Yemen trở thành các chiến trường chính trong quá trình cạnh tranh ảnh hưởng giữa Ả rập Xê út và Iran.

Ả rập Xê út đang thúc đẩy các chiến dịch quân sự để chống lại các lực lượng được Iran ủng hộ ở hai chiến trường này.

Xuất phát từ bối cảnh này, các chuyên gia phân tích cho rằng không loại trừ khả năng “NATO Hồi giáo” sẽ được thành lập trên cơ sở liên minh chống khủng bố của các nước Hồi giáo do Ả rập Xê út thành lập vào năm 2015.

Các phương tiện truyền thông Pakistan cho rằng dường như tướng Rakhil Sharif đã được đề nghị nắm giữ chức vụ Tổng tư lệnh lực lượng “NATO Hồi giáo”.

Đề xuất này, theo các chuyên gia, xuất phát từ việc Ả rập Xê út hiện rất muốn thuyết phục Islamabad đứng về phía các nước Hồi giáo dòng Sunni để chống lại Iran.

Tuy nhiên, hiện nỗ lực này vẫn chưa mang lại kết quả nào.

Pakistan hiện không muốn mâu thuẫn với Iran và sẵn sàng đóng vai trò là trung gian trong cuộc khủng hoảng Ả rập Xê út-Iran vốn đã bùng phát từ sau vụ tấn công vào Đại sứ quán Ả rập Xê út tại Iran hồi tháng 1 vừa qua.

Do đó, sau khi đến thăm Ả rập Xê út, bộ đôi họ Sharif (Thủ tướng và Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Pakistan) đã đến thăm Iran và cố gắng thuyết phục giới lãnh đạo Iran làm giảm căng thẳng trong quan hệ với Ả rập Xê út.

Hơn nữa, trong năm 2015, Islamabad cũng đã từ chối đưa quân đội đến tham chiến ở Yemen theo đề nghị của Ả rập Xê út.

Theo tính toán của Ả rập Xê út, trong bối cảnh tình hình hiện nay, tất cả các quốc gia đồng minh dường như đều có các điều kiện thuận lợi. Xét về độ “không ưa” Iran, Israel cũng không hề “thua kém” Ả rạp Xê út.

Do đó, một kịch bản nữa cũng được tính đến là Ả rập Xê út đã sẵn sàng tăng cường quan hệ với quốc gia Do thái này để chống lại kẻ thù chung Iran, cho dù giữa Israel và các quốc gia Hồi giáo vùng Vịnh Persic từ trước đến nay vẫn chưa thiết lập được quan hệ ngoại giao chính thức.

Tuy nhiên, theo Wall Street Journal, các nhà ngoại giao Israel và Ả rập Xê út vẫn có thể bí mật gặp gỡ và thảo luận cùng nhau các bước đi để kiềm chế Iran.

Đối với Israel, theo nhận định của Wall Street Journal, quốc gia này cũng sẵn sàng hợp tác với các quốc gia Hồi giáo dòng Sunni, trước hết là Ả rập Xê út, để chống lại Iran.

Israel còn “bực tức” hơn so với các quốc gia Hồi giáo về việc Nhóm P5+1 đã đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran.

Người Iran luôn quan ngại rằng Iran, một quốc gia luôn mong muốn “xóa sổ” Israel trên bản đồ quốc tế, sẽ có khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân.

Vẫn còn nhiều khó khăn để thực hiện ý tưởng?
Vẫn còn nhiều khó khăn để thực hiện ý tưởng?

Vẫn còn nhiều khó khăn để thực hiện ý tưởng

Theo giới phân tích, dù đã liên kết được với một số đối thủ chính của Iran để thực hiện các nỗ lực thành lập “NATO Hồi giáo” nhưng ý tưởng này sẽ còn gặp nhiều khó khăn để có thể thực hiện được.

Trước hết, hiện Washington vẫn chưa nắm được thông tin cụ thể về ý tưởng thành lập “NATO Hồi giáo”. Điều này cho thấy quan hệ giữa Mỹ và Ả rập Xê út không còn “mặn nồng” như một vài năm trước.

El-Riyadh đang ngày càng “cay mũi” trước các động thái liên quan đến kẻ thù lớn nhất của mình. Cụ thể, Ả rập Xê út rất không hài lòng vì đồng minh Mỹ đã ký kết thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran.

Hơn nữa, El-Riyadh còn rất bực tức trước việc Tổng thống Mỹ Barack Obama từ chối không kích các kho vũ khí hóa học của chính quyền Syria vào năm 2014, cũng như việc Mỹ từ chối cung cấp một số loại vũ khí nhất định cho phe đối lập Syria.

Ngoài ra, Ả rập Xê út cũng không hài lòng với việc tạp chí Atlantic mới đây đã cho công bố cái gọi là “Học thuyết Obama”.

Ả rập Xê út cho rằng với học thuyết này, Mỹ đã đặt nước này “cùng mâm” với Iran nên lên tiếng cáo buộc Mỹ không thực sự quyết tâm trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.

Hoàng tử Ả rập Xê út Turki al-Feisala, đồng thời là cựu Đại sứ Ả rập Xê út tại Mỹ, cũng đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ Mỹ về vấn đề này.

Ngoài việc không còn “mặn nồng” với Mỹ, việc đồng minh Pakistan cũng đang cố gắng thực hiện các nỗ lực cải thiện quan hệ với Iran cũng sẽ khiến ý tưởng thành lập “NATO Hồi giáo” sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại