Né được Nga, Saudi Arabia bỏ luôn Yemen "chĩa súng" sang Syria?

Đức Huy |

Việc Saudi Arabia tuyên bố chấm dứt các hoạt động quân sự quy mô trên bộ ở Yemen đến chỉ vài ngày sau khi Nga rút phần lớn lực lượng khỏi Syria chẳng thể là trùng hợp ngẫu nhiên.

Hôm nay (18/3), hãng thông tấn al-Jazeera dẫn lời phát ngôn viên liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu cho biết, chiến dịch quân sự trên bộ kéo dài một năm của liên quân tại Yemen sẽ chính thức khép lại.

"Liên quân sẽ đề ra những phương án đem lại ổn định lâu dài cho Yemen" - Thiếu tướng quân đội Saudi Arabia, ông Ahmed al-Asiri, phát biểu.

Ông Asiri nói thêm, liên quân sẽ tiếp tục không kích hỗ trợ các lực lượng Yemen chống lại phiến quân Houthi, nhưng sẽ rút toàn bộ lục quân ra khỏi quốc gia này.

Nhận định về diễn biến này, Thiếu tướng Samir al-Haj, phát ngôn viên kiêm cố vấn Tham mưu trưởng quân đội Yemen, xác nhận các hoạt động quân sự của liên quân Arab ở Yemen đang đi đến giai đoạn cuối cùng.

"Chúng tôi đang tiến rất gần đến trận đánh quyết định giải phóng thủ đô Sanaa, cùng phần lãnh thổ còn lại của các thành phố phía bắc, cũng như thành phố Taiz. Nhiều khả năng chúng tôi sẽ không cần triển khai các chiến dịch lớn nữa" - tướng Haj phát biểu.

Bên cạnh những lý do rút quân "trên thế thắng" mà hai vị Thiếu tướng nói trên đưa ra, các báo nước ngoài đã chỉ ra một vài nguyên nhân khác như: hạn chế thêm tổn hại nhân lực (The Guardian), hay tập trung vào không kích và huấn luyện bộ binh Yemen (RT).

Nhưng dù lý do thật sự đằng sau quyết định của Riyadh là gì, thì thật khó có thể nói rằng động thái ngừng can thiệp trên bộ tại Yemen của họ không có liên quan gì đến tuyên bố rút quân mới đây của Nga tại Syria.

Ý đồ điều quân sang Syria đã được chính phủ Saudi nhen nhóm từ lâu, trong bối cảnh các lực lượng nổi dậy dòng Sunni do họ hậu thuẫn đã và đang phải vất vả chống trả gọng kìm không quân Nga, chính phủ Assad, và lực lượng Hezbollah do Iran "giật dây".

Nhằm gây áp lực và cải thiện tiếng nói trên bàn đàm phán Syria, Saudi Arabia đã điều 16 chiến đấu cơ tới căn cứ Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng với việc S-400 của Nga vẫn "sừng sững" tại Latakia, phi đội này vẫn mới chỉ ở thế sẵn sàng chờ lệnh.

Nhưng can thiệp bằng lục quân lại là chuyện hoàn toàn khác.

Hiện nay, lực lượng không quân Nga đóng tại Syria vẫn đang hàng ngày đánh bom các vị trí của Nhà nước Hồi giáo (IS). Nhưng nếu có sự xuất hiện của bộ binh Saudi, không rõ liệu số lượng chiến đấu cơ Nga ở Latakia có thể dàn trải ra nhiều mặt trận như vậy không.

Tương tự, về phía Saudi Arabia, rõ ràng họ chẳng hề muốn phải dàn trải quân ở hai mặt trận thuộc hai quốc gia khác nhau. Nay khi đã bớt được gánh nặng ở Yemen, khả năng Riyadh dồn tâm trí sang "miếng mồi" Syria là hoàn toàn có thể xảy ra.

Trùng hợp thay, trong khi Nga đang rút quân khỏi Syria, Saudi Arabia cũng vừa mới khép lại cuộc tập trận quy mô được các chuyên gia đánh giá không khác nào một màn tổng duyệt chuẩn bị cho sự xuất hiện của liên quân Sunni Arab tại Syria.

Trên các sa mạc Saudi, khoảng 350.000 binh sĩ, 20.000 xe tăng, 2.500 máy bay chiến đấu, và hàng chục tàu chiến của 20 quốc gia đã thực hiện cuộc tập trận quy mô nhất trong lịch sử Trung Đông, với tên gọi cũng rất "kêu": Thần sấm phương Bắc (Raad al-Shamal).


Quân đội Saudi Arabia tham gia tập trận Thần sấm phương Bắc. Ảnh: TheNational.ae

Quân đội Saudi Arabia tham gia tập trận Thần sấm phương Bắc. Ảnh: TheNational.ae

Saudi Arabia và các đồng minh tuyên bố, cuộc tập trận nằm trong kế hoạch thiết lập một lực lượng chiến đấu có tính kết dính cao, nhằm chống lại các tổ chức khủng bố như IS, al-Qaeda, al-Shabab, cũng như gửi một thông điệp cứng rắn tới Iran.

Hiện nay, theo đánh giá của tạp chí Foreign Policy trong một bài viết đăng tải hôm 16/3, trước khi Riyadh tuyên bố rút quân khỏi Yemen, Saudi Arabia đang mở rộng tầm ảnh hưởng địa chính trị trong khu vực.

Hồi tháng 12, Vương quốc này đã tuyên bố thành lập một liên minh 34 nước Hồi giáo từ Trung Đông đến châu Phi, được ví von như "NATO phiên bản Hồi giáo", nhằm chống lại các phong trào Hồi giáo cực đoan bạo lực.

Trong cuộc tập trận Thần sấm phương Bắc mới đây, Saudi Arabia đã mời được không chỉ các đồng minh lâu năm tại vùng Vịnh, mà còn có cả Ai Cập, Jordan, Pakistan, Sudan, Malaysia, Ma-rốc, và Tunisia, qua đó khẳng định tiếng nói rất có trọng lực trong cộng đồng Hồi giáo.

Saudi Arabia cho thấy họ đã sẵn sàng đảm nhiệm vai trò lớn hơn trong đảm bảo an ninh khu vực cũng như quốc tế, và bước vào cái gọi là "lỗ hổng quyền lực" do Mỹ để lại ở Trung Đông.

Và rất có thể, "lỗ hổng" tiếp theo mà Saudi Arabia bước vào sẽ là Syria.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại