Vào thời điểm nhậm chức (12/2014), bà Natalie Jaresko không có quốc tịch Ukraine mà mang quốc tịch Mỹ.
Và giờ khi là một quan chức kinh tế hàng đầu của Kiev, bà là sợi dây kết nối giữa Ukraine với Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu.
Bà cũng là người chịu trách nhiệm chính về cải cách thuế và ngân khố. Bà phải xây dựng một ngân sách quốc gia phù hợp hơn trong bối cảnh nền kinh tế Ukraine đang tiếp tục bị tàn phá bởi cuộc xung đột ở miền Đông.
Cuộc chiến càng kéo dài và quá trình cải cách càng bị trì hoãn thì sự ủng hộ của người dân đối với chính phủ càng bị giảm sút, khiến cho Kiev càng trở nên “mong manh” hơn trước Nga.
Tuần trước, bà Jaresko, cao 1,68m với mái tóc đen ngang cằm, ăn mặc sang trọng đến thăm bệnh viện quân đội Irpin, nơi đang điều trị cho các binh sĩ bị thương ở miền Đông Ukraine.
Hai đến ba binh sĩ nằm trong một căn phòng chật chội với những chiếc giường bệnh nhỏ như dành cho trẻ em.
Khi gặp bà Jaresko, các binh sĩ phàn nàn về việc thiếu vũ khí trên chiến trường.
Họ đặt các câu hỏi như: Tại sao chúng ta không có vũ khí hiện đại? Sao đối phương luôn biết chúng ta ở đâu. Bà Jaresko lắng nghe nhưng có lẽ bà là người hiểu rõ hơn bất cứ nhà lãnh đạo Ukraine nào khác lý do tại sao Ukraine lại không thể trang bị tốt hơn cho họ.
Mặc dù được sinh ra, lớn lên và học tập tại Mỹ từ nhỏ nhưng bà Jaresko lại có gốc hoàn toàn từ Ukraine. Cha của bà, ông Ivan là người gốc Ukraine, sinh năm 1932 tại Poltava, cách phía đông Kiev 200 dặm.
Sau Thế chiến II, ông di cư sang Chicago, Mỹ gặp và kết hôn với mẹ của bà là bà Maria, cũng là một người tị nạn Ukraine.
Khi còn nhỏ, Jaresko vẫn thường đi học và tới các nhà thờ của người Ukraine nhưng gia đình cô lại giao tiếp bằng tiếng Anh ở nhà.
Bà nhớ lại: “Cha tôi muốn chúng tôi hòa nhập vào xã hội Mỹ. Ông ấy rất cẩn thận với các vấn đề chính trị. Ông luôn nghĩ rằng chúng tôi phải trở thành những người thuộc tầng lớp trung lưu ở Mỹ”.
Jaresko học chuyên ngành kế toán tại trường Đại học DePaul, sau đó vào năm 1989, bà học thạc sĩ về chính sách công tại Trường Kennedy thuộc Đại học Harvard.
Cha bà thích bà làm việc trong lĩnh vực tư nhân chứ không muốn bà làm việc liên quan tới chính phủ.
Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp Trường Kennedy, Jaresko làm cho một vị trí về kinh tế tại Văn phòng các mối quan hệ với Liên Xô thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, năm 1992, bà là một trong 8 nhà ngoại giao chịu trách nhiệm mở đại sứ quán Mỹ tại Kiev. Kể từ đó, bà sống tại Ukraine.
Cha bà đã không thể hiểu được chuyện gì đang xảy ra khi bà quay lại sống ở Kiev.
Vào thời điểm đó, bà đã tận mắt thấy rằng Ukraine không thể dễ dàng chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, bà cũng nhận ra các cơ hội kinh doanh tại đây. Bà rời bỏ vị trí ngoại giao và gia nhập Quỹ Western NIS Enterprise Fund, một tổ chức khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Ukraine được Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ.
Vào những năm 1990, Ukraine phải hứng chịu lạm phát phi mã. Đến tận năm 2000, sau gần một thập kỉ sụt giảm, nền kinh tế Ukraine mới có tín hiệu phát triển đầu tiên. Đến năm 2004, đất nước này mới thu hút các nhà đầu tư quốc tế.
Năm 2006, bà Jaresko cùng 3 cộng sự đã mở công ty quản lý đầu tư Horizon Capital. Công ty này hoạt động rất tốt và quản lý cả Quỹ Western NIS Enterprise Fund. Tháng 12/2014, bà rời Horizon Capital để nhận chức Bộ trưởng Tài chính Ukraine.
Khi nhận được lời đề nghị vào vị trí Bộ trưởng Tài chính Ukraine, bà Jaresko tỏ ra không mấy hào hứng nhưng bà vẫn đồng ý gặp Tổng thống Poroshenko và Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk.
Bà nói: "Họ tập trung khơi dậy lòng yêu nước của tôi. Chúng tôi nhận thấy có quan điểm chung về những việc cần làm trong quá trình cải cách, xây dựng môi trường kinh doanh, các tổ chức tài chính quốc tế và các mối quan hệ song phương.
Tôi đã có thể kêu gọi đóng góp cho đất nước đang gặp khó khăn này. Tôi đã có thể thuyết phục các nhà đầu tư đến đây dù trước đó họ chưa bao giờ đầu tư ở đây.
Tôi đã tư vấn cho họ cách thức thành công và thu được lợi nhận ở Ukraine bất chấp những thách thức hiện tại. Tôi nghĩ ngài tổng thống và thủ tướng muốn tôi sử dụng những kinh nghiệp đó”.
Một tuần sau đó, bà chấp nhận lời mời làm Bộ trưởng Tài chính Ukraine.
Việc bà Jaresko, một người quốc tịch Mỹ được bổ nhiệm cho vị trí quan trọng trên đã khiến nhiều chuyên gia cho rằng phương Tây đang muốn kéo Ukraine ra khỏi phạm vi ảnh hưởng của Nga.
Không chỉ có bà Jaresko là người nước ngoài được bổ nhiệm vào Nội các mới.
Ngoài bà còn có ông Aivaras Abromavicius, người Lithuania làm Bộ trưởng Kinh tế và Thương mại, ông Alexander Kvitashvili, người Gruzia, làm Bộ trưởng Y tế.
Mặc dù cho đến khi nhận vị trí Bộ trưởng Tài chính Ukraine, bà Jaresko mới có quốc tịch Ukraine nhưng bà cho rằng: “Tôi luôn là một người Ukraine. Giờ tôi đã thực sự mang quốc tịch Ukraine”.
Hiện bà chỉ có mức lương khoảng 10.000 hryvnia (tương đương khoảng 300 USD) mỗi tháng.
Bà cho biết: "Tôi làm công việc này vì lòng yêu nước. Tôi không có lý do nào khác ngoài việc muốn tạo nên một sự khác biệt. Ukraine phải thành không. Không ai trong chúng ta được phép thất bại”.
Nói về khoản viện trợ 17,5 tỷ USD mà IMF cam kết cung cấp cho Ukraine trong 4 năm tới, bà Jaresko cho rằng: “Khoản viện trợ này sẽ đem lại sự tự tin cho nền kinh tế của chúng ta.
Nó cũng giúp mở ra các khoản hỗ trợ đa phương và song phương cho Ukraine trong thời điểm khó khăn này”.
Đức, Nhật, Canada cũng đã hứu sẽ tài trợ cho Ukraine.
Tuy nhiên, bà cũng thấu hiểu rằng các khoản viện trợ trên chỉ phát huy tác dụng khi Ukraine tiến hành cải cách triệt để cả trong hệ thống kinh tế và chính trị.