Cần đặt “dấu chấm hết” cho mối quan hệ mờ ám Thổ - IS

Đức Dũng |

Cuộc xung đột ở Syria sẽ ngày càng gia tăng nếu như không gây áp lực lên Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và ngăn cản các “mối quan hệ mờ ám” giữa Ankara với các phần tử phiến quân IS.

Tuyên bố mạnh mẽ trên do nữ chính trị gia, đồng thời là Phó Chủ tịch đảng Cánh tả Đức Sahra Wagenhnecht đưa ra khi trả lời phỏng vấn tờ Der Spiegel của Đức.

Theo khẳng định của Sahra Wagenhnecht, mối đe dọa xung đột sẽ tiếp tục căng thẳng hơn ở Syria hiện vẫn khá cao.

Hiện có đến 15 quốc gia đang tham chiến chống IS ở Syria nhưng đôi khi các quốc gia này hành động cùng nhau, đôi khi hành động song song với nhau nhưng đôi khi lại hành động đối đầu nhau.

Hiện không có một chiến lược chung nào nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này. Thậm chí các bên còn không đạt được thỏa thuận cho rằng cuộc chiến chống IS mới thực sự là nhiệm vụ quan trọng hơn cả.

Cụ thể, theo Sahra Wagenhnecht, rõ ràng Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang theo đuổi mục tiêu khác khi vẫn đang duy trì các mối quan hệ với các phần tử khủng bố.

Sahra Wagenhnecht nhận định rằng để có thể giải quyết được tình hình khủng hoảng hiện nay ở Syria, điều cần thiết là phải ngăn chặn được các nguồn cung cấp tài chính cho hoạt động của IS, làm cho các phần tử khủng bố không thể tuyển thêm các thành viên mới và không thể nhận thêm vũ khí.

Khi đó, cơ cấu nội bộ của IS sẽ bị phá vỡ và mới có thể giải phóng được các khu vực lãnh thổ bị IS chiếm đóng.

“Nhưng để có thể đạt được mục tiêu này, điều cần thiết là phải gây áp lực lên Erdogan, cần phải chấm dứt “sự ủng hộ khủng bố được che đậy dưới mặt nạ” của Erdogan và phải đóng cửa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ đối với các phần tử IS”- Sahra Wagenhnecht nhận định.

Nói về sự can thiệp quân sự của châu Âu vào Syria, Sahra Wagenhnecht cho rằng chiến dịch này hiện không hiệu quả.

Các máy bay ném bom của liên minh khiến dân thường lại trở thành đa số nạn nhân thiệt mạng và điều này càng khiến người dân gia tăng thù hận với châu Âu.

Vấn đề là ở chỗ tiêu diệt IS không phải là mục đích của Mỹ mà lật đổ chế độ của Tổng thống Al-Assad mới là cái đích Mỹ nhắm tới.

Trước đó, ngày 2/12/2015, Bộ Quốc phòng Nga đã cho công bố các bằng chứng cho thấy dầu đang được IS vận chuyển từ các vùng đất chiếm đóng để đưa sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Người hưởng lợi chính từ hoạt động này chính là Tổng thống Erdogan và các thành viên trong gia đình ông ta.

Bộ Quốc phòng Nga cũng khẳng định Moscow đã biết rõ về 3 tuyến đường vận chuyển dầu của IS từ Syria sang Thổ Nhĩ Kỳ.

IS đã sử dụng đến hơn 8,5 nghìn xe tải để vận chuyển hơn 200 nghìn thùng dầu/ngày đêm sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vẫn “mạnh mồm” tuyên bố rằng sẽ sẵn sàng từ chức nếu như chứng minh được rằng Ankara đang mua dầu lậu của IS.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại