Cái giá nào cho Mỹ khi ngáng chân nền kinh tế Nga?

Nhàn Đàm |

Mỹ đang tìm cách kìm giá dầu để gây khó khăn cho nước Nga. Tuy nhiên, giá dầu sụt giảm cũng tước đi của Mỹ một con số tăng trưởng không hề nhỏ. Dù sản lượng khai thác của Mỹ vẫn đang tăng lên, thì số lao động trong ngành dầu nước này bị mất việc cũng tăng lên không kém.

Kinh tế Mỹ đang thực sự trở lại với tốc độ cao và sự vững chắc đáng kể, khi mà tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đang ở mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007. Ở thời điểm hiện tại, điều duy nhất có thể ngăn cản kinh tế Mỹ cất cánh không gì khác ngoài giá dầu.

Những ngày đầu tiên của tháng thứ hai năm 2016 chứng kiến tình trạng ảm đạm diễn ra trên các nền kinh tế khắp thế giới, từ Trung Quốc, Nga cho đến Nhật Bản và EU.

Điểm sáng hiếm hoi duy nhất là nước Mỹ, khi nền kinh tế số một thế giới có mức tăng trưởng được đánh giá là cao trong năm 2015 ở mức 2,4%, cao hơn nhiều nếu so với các nền kinh tế phát triển khác trên thế giới.

Báo cáo về tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ vào tháng 1.2016 cũng chỉ ra rằng nền kinh tế số một thế giới này đang thực sự trở lại với tốc độ cao và sự vững chắc đáng kể, khi mà tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đang ở mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007 vốn đã tàn phá nền kinh tế nước này.

Ở thời điểm hiện tại, điều duy nhất có thể ngăn cản kinh tế Mỹ cất cánh như giai đoạn trước khủng hoảng 2007, không gì khác ngoài giá dầu.

Báo cáo tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 1.2016 vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 5.2.2016, theo đó đã có khoảng 151.000 việc làm đã được tạo thêm trong tháng đầu tiên của năm 2016.

Dù thấp hơn so với con số mà các nhà phân tích kỳ vọng khoảng 30.000 việc làm, thì nó cũng đã khiến cho tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ giảm xuống 0,1% và chỉ còn khoảng 4,9%, mức thấp nhất trong vòng 8 năm qua kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ năm 2007.

Những con số thống kê đang cho thấy nền kinh tế số một thế giới đang có những bước hồi phục rất vững chắc.

Ngoài việc tạo thêm được 151.000 việc làm và đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất trong 8 năm qua thì nền kinh tế Mỹ cũng đang khiến cho mức tăng lương trung bình tại nước này tăng đáng kể trong năm 2015.

Cụ thể là, mức lương trung bình theo giờ của người lao động Mỹ đã tăng thêm 12 cent để lên mức 25,39 USD/giờ. Tổng cộng, mức lương ở Mỹ đã tăng khoảng 2,5% so với năm 2015.

Việc làm được tạo thêm, và lương trung bình được tăng đáng kể là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang hồi phục vững chắc, vì đây là 2 chỉ số cơ bản để đánh giá sức khỏe của một nền kinh tế, nhất là với một nền kinh tế tăng trưởng chủ yếu dựa trên sức mua nội địa như Mỹ.

Nhiều việc làm được tạo ra hơn và lương được tăng lên sẽ đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, vốn là yếu tố chiếm 2/3 các hoạt động của nền kinh tế.

Tuy nhiên, nếu nói rằng kinh tế Mỹ đã hoàn toàn hồi phục và quay trở lại giai đoạn tăng trưởng mạnh trước thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính hồi 2007 thì rõ ràng là chưa.

Mức thất nghiệp hiện nay ở Mỹ vẫn đang cao hơn mức thất nghiệp trước 2007, số lao động chỉ kiếm được việc làm bán thời gian trong khi muốn một công việc toàn thời gian vẫn còn rất lớn, trên 6 triệu người.

Tốc độ tăng lương dù đã tăng 2,5% trong năm 2015 thì nó vẫn thấp hơn mức tăng lương trung bình trong hai thập kỷ trước khủng hoảng là 3,4%.

Dĩ nhiên là tình hình kinh tế thế giới đang suy trầm hiện nay khác rất xa so với tình hình trước 2007 khi mà kinh tế thế giới vẫn đang khá ổn định, và nó đang tác động lớn tới sự phục hồi của kinh tế Mỹ.

Nhưng thực tế là nền kinh tế Mỹ đang trải qua một giai đoạn tăng trưởng thiếu ổn định, mà phần nhiều là do các lý do nội tại. Nếu nhìn vào các con số thống kê về tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong năm 2015, chúng ta sẽ thấy rõ điều này.

Cụ thể, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng rất nhanh trong quý II năm 2015, đạt 3,9%; trong quý III năm 2015 mọi thứ vẫn ổn với mức tăng trưởng 2,1%, và đều vượt ra ngoài kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế.

Nhưng trong quý IV năm 2015, kinh tế Mỹ bỗng tuột dốc không phanh khi chỉ có mức tăng trưởng 0,7%.

Con số này được kỳ vọng lên tới 3% do quý IV năm 2015 trùng với thời điểm các dịp nghỉ lễ lớn và thường là khiến doanh số mua sắm và bán hàng ở thị trường Mỹ tăng vọt.

Dù sự suy trầm của kinh tế thế giới trong quý IV năm 2015 được coi là đã tác động tới kinh tế Mỹ, khiến nó chỉ đạt tốc độ tăng trưởng khiêm tốn là 0,7%, thì hầu hết các chuyên gia vẫn cho rằng, yếu tố quan trọng nhất là do sự suy giảm đầu tư vào ngành năng lượng tại Mỹ do sự sụt giảm mạnh của giá dầu và đồng USD mạnh lên khiến xuất khẩu bị suy giảm.

Đúng là giá dầu sụt giảm đang đem lại những lợi ích không nhỏ cho nền kinh tế Mỹ, khi nó giúp người dân tiết kiệm chi phí đi lại đáng kể đồng thời giúp hàng loạt các lĩnh vực tại Mỹ tăng trưởng như vận tải, bán lẻ, nhưng nó cũng gây ra những ảnh hưởng lớn đến kinh tế Mỹ.

Theo tính toán, nếu giá dầu cứ giảm 10 USD thì tăng trưởng của Mỹ lại tăng thêm 0,1%, và trung bình người dân Mỹ tiết kiệm được 130 tỉ USD trong năm 2015 do giá dầu giảm. Phần lớn số tiền đó sẽ được dùng vào mua sắm giúp kích thích tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, giá dầu sụt giảm cũng tước đi của Mỹ một con số tăng trưởng không hề nhỏ. Dù sản lượng khai thác của Mỹ vẫn đang tăng lên, thì số lao động trong ngành dầu nước này bị mất việc cũng tăng lên không kém.

Một phần lớn là do các công ty dầu Mỹ thay đổi phương thức khai thác để cạnh tranh tốt hơn, khi họ sẽ nhắm đến các mỏ dầu có trữ lượng lớn hơn và dễ khai thác hơn, điều này sẽ giúp giảm nhân lực để tiết kiệm chi phí.

Theo thống kê từ Bộ Lao động Mỹ, trong ba lĩnh vực đứng đầu về sự sụt giảm việc làm thì công nghiệp dầu mỏ chiếm hàng đầu, bên cạnh kho bãi và giáo dục tư nhân.

Không phải ngẫu nhiên khi kinh tế Mỹ có mức tăng trưởng chậm dưới mức dự kiến là 0,7% trong quý IV năm 2015, khi mà đây cũng là giai đoạn ngành công nghiệp dầu mỏ ở Mỹ gặp nhiều khó khăn nhất và số nhân công trong ngành dầu bị mất việc cũng lớn nhất.

Tuy nhiên, triển vọng của ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ đang được kỳ vọng sẽ khởi sắc trở lại trong thời gian tới, khi Tổng thống Barack Obama đã ký sắc lệnh dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ từ năm 1975.

Nhu cầu nhập khẩu dầu Mỹ đang tăng cao ở châu Á, châu Mỹ Latinh và nhất là ở châu Âu.

Có thể nó sẽ không tác động tới giá dầu, nhưng nó sẽ giúp tăng thị phần của dầu Mỹ trên thị trường thế giới, và điều này thì đồng nghĩa với việc kích thích sự tăng đầu tư trở lại vào ngành công nghiệp này cũng tương đương với trường hợp giá dầu tăng cao trở lại.

Theo tính toán, sự tăng cường đầu tư trở lại vào ngành công nghiệp dầu mỏ có thể giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng trên 2% trong quý I năm 2016.

Nước Mỹ và nền kinh tế Mỹ đã hưởng lợi rất lớn từ cuộc cách mạng dầu đá phiến để hồi phục nền kinh tế với tốc độ nhanh, thì giờ đây điều đó có thể được lặp lại nếu hoặc giá dầu tăng cao trở lại, hoặc thị phần xuất khẩu dầu của Mỹ tăng lên.

Ở thời điểm hiện tại, thứ duy nhất có thể ngăn cản kinh tế Mỹ cất cánh và quay trở lại giai đoạn phát triển mạnh trước 2007, chỉ có thể là dầu lửa.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại