Còn nhớ thời điểm này năm ngoái, tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20 diễn ra tại Brisbane (Australia), Tổng thống Nga Vladimir Putin chẳng khác nào một "miếng bánh" đặt giữa bàn nghị sự để lãnh đạo các nước phương Tây "xâu xé" vì quyết định sáp nhập Crimea vào Liên bang.
Tổng thống Mỹ Barack Obama thẳng thừng tuyên bố các thành viên G-20 đã chủ ý cô lập lãnh đạo Nga; Thủ tướng Anh David Cameron nói ông không thể tin tưởng Putin; còn Thủ tướng Canada Stephen Harper khi đó cũng chỉ thẳng vào Tổng thống Nga mà nói rằng: "Hãy biến khỏi Ukraine".
Phản ứng trước thái độ này của phương Tây cũng như các lệnh trừng phạt mà các nước này áp đặt lên Nga, ông Putin cảnh báo làm như vậy sẽ chỉ khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Nhưng các nước phương Tây vẫn chĩa mũi dùi vào Nga trong suốt hội nghị.
Hệ quả là Tổng thống Nga đã "nổi trận lôi đình" và rời khỏi hội nghị, trong khi chương trình nghị sự vẫn còn một ngày nữa mới khép lại.
Trở lại với hiện tại, tại hội nghị năm nay diễn ra tại Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ), mọi thứ dường như đã thay đổi.
Hình ảnh một "người thừa" không hơn không kém của một năm về trước đã được thay thế bởi phong thái tươi cười, cởi mở của một lãnh đạo mà như The Guardian nhận xét là "ai cũng muốn gặp".
Gác lại những khúc mắc còn tồn tại, Obama đã có một cuộc thảo luận bên lề với Putin. Cameron, người năm ngoái còn "không thể tin tưởng Putin", cũng gặp riêng Putin. Lãnh đạo nhiều quốc gia thành viên khác cũng "xếp hàng" để đàm đạo cùng Tổng thống Nga.
Nói cách khác, Putin đã trở thành tâm điểm của hội nghị G-20 lần này.
Không khó để hiểu được bước ngoặt dẫn đến sự thay đổi này. Vấn nạn đến từ Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), cuộc khủng hoảng nhập cư, và tình hình Syria rối ren đã khiến các lãnh đạo phương Tây phải đi đến một quyết định miễn cưỡng nhưng bắt buộc vào thời điểm này.
Họ cần Nga.
Phát biểu sau vụ khủng bố đẫm máu tại Paris tuần trước, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, một người nổi tiếng thân Putin, đã kêu gọi liên minh quốc tế hợp tác với Nga tại Syria để loại bỏ IS.
"Chúng ta cần sự đóng góp của tất cả để có thể loại bỏ IS, và Nga cũng không phải ngoại lệ. Không thể có hai liên minh tồn tại cùng lúc tại Syria" - ông Sarkozy nhấn mạnh.
Không mấy ngạc nhiên khi phát biểu trên xuất phát từ Sarkozy, nhưng đáng nói là đương kim Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng chia sẻ quan điểm của người tiền nhiệm, khi ông tuyên bố sẽ bắt tay với Nga trong các chiến dịch truy quét IS tại Syria.
Thủ tướng Anh David Cameron cũng làm tương tự. Ông kêu gọi Nga tập trung hỏa lực nhắm vào IS, đồng thời cho biết phía Anh đã sẵn sàng thỏa hiệp để đi tới một hiệp ước đem lại hòa bình cho Syria.
Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết cuộc gặp bên lề Obama-Putin đã nhấn mạnh sự cần thiết của một "công cuộc chuyển giao chính trị do người Syria nắm quyền quyết định", với tiền đề là một cuộc đàm phán giữa chính phủ Assad và phe nổi dậy, cũng như một hiệp định ngừng bắn.
Hat-trick cho Putin
Những động thái này, theo đánh giá của The Guardian, đã mở đường cho cú hat-trick ngoại giao của Putin.
Thứ nhất, ông đã buộc phương Tây phải thừa nhận vai trò của quân đội Nga tại Syria, với cái giá quá "bèo" là cam kết sẽ không nhắm vào các lực lượng "nổi dậy ôn hòa" của Mỹ, một khái niệm vẫn còn quá mập mờ.
Việc Obama phải "xuống nước" với Putin tại hội nghị G-20 lần này đã thể hiện sự thay đổi hoàn toàn trong quan điểm ban đầu của phía Mỹ, khi Washington cho rằng chiến dịch can thiệp quân sự của Moscow tại Syria sẽ "chỉ dẫn tới thất bại".
Điều này, cộng với kết quả điều tra khẳng định vụ máy bay Nga rơi tại Ai Cập có bàn tay của khủng bố, có thể nói đã mở đường cho ông Putin sử dụng mọi biện pháp quân sự mình muốn tại Syria mà không phải "nhìn trước ngó sau".
Vụ phóng tên lửa hành trình từ Địa Trung Hải mới đây chỉ là khởi điểm.
Thứ hai, ông Putin đã buộc lãnh đạo phương Tây phải chấp nhận sự thật rằng Bashar al-Assad nhiều khả năng sẽ còn tại vị trong suốt khoảng thời gian 18 tháng khi Liên hiệp quốc giám sát tiến trình đàm phán hòa bình tại Syria.
Thậm chí, ông Cameron còn đảm bảo với ông Putin rằng mọi lợi ích chiến lược của Nga tại Syria, trong đó bao gồm các căn cứ không quân và hải quân tại Địa Trung Hải, sẽ được công nhận và bảo vệ trong mọi thỏa thuận kí kết sau này.
Thứ ba, với tình hình Trung Đông còn đang rối ren, dường như Putin đã "ru ngủ" được phương Tây chấp nhận thế cờ hiện tại ở Ukraine. Chiến sự miền đông đã giảm hẳn sau hiệp định Minsk 2.0, nhưng điểm mấu chốt là Nga vẫn kiểm soát Crimea, và có lẽ "ván đã đóng thuyền".
Các quan chức Mỹ cho biết ông Obama đã nêu lên vấn đề Ukraine trong cuộc đối thoại với Putin bên lề G-20, nhưng đáng nói là Crimea không hề được đem ra thảo luận. The Guardian đã phải kết luận rằng, có lẽ đã đến lúc Kiev "chào tạm biệt lần cuối" với Crimea.
Tuy vậy, vẫn còn quá sớm để kết luận rằng vị thế của nước Nga đã trở lại hoàn toàn. Lệnh trừng phạt vẫn còn đó, kinh tế vẫn khó khăn, và Putin vẫn chưa thể khẳng định mình là một đối tác tin cậy trong mắt lãnh đạo phương Tây.
Nhưng phải khẳng định, đánh giá trước đây của phía Mỹ rằng Tổng thống Nga thiếu tầm nhìn chiến lược xem ra đã "trật đường rầy". Nước cờ Syria của Putin, thay vì "chỉ dẫn đến thất bại" như Mỹ nghĩ, nay đã đặt Nga vào thế thượng phong tại điểm nóng của thế giới - Trung Đông.