Mọi thứ đang dẫn đến viễn cảnh phương Tây bắt tay Nga...
Politico đánh giá, trong quan hệ với Nga hiện nay, điện Kremlin muốn phương Tây phải đưa ra lựa chọn rành mạch: hoặc tiếp tục ủng hộ Ukraine, hoặc hợp tác chống "kẻ thù chung" Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria.
Tuy nhiên đến nay, Mỹ và EU (trừ một ngoại lệ là Pháp), vẫn từ chối việc phải chọn một trong hai phương án nói trên. Sau vụ khủng bố tại Paris, các quan chức cấp cao phương Tây vẫn không cho thấy dấu hiệu sẽ "hi sinh" Ukraine để bình thường hóa quan hệ với Nga.
Về phần mình, Moscow vẫn gây áp lực về chính trị cũng như quân sự, và đang mở ra nhiều kênh đối thoại với các lãnh đạo phương Tây, trong đó nhấn mạnh sự phẫn nộ của cộng đồng quốc tế sau thảm kịch tại thủ đô nước Pháp.
Ngoài ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin còn yêu cầu quân đội nước này tại Syria phải đối xử với quân Pháp "như đồng minh". Moscow thậm chí còn ủng hộ nghị quyết Paris đề ra tại Hội đồng Bảo an LHQ tuần trước, trong đó kêu gọi các bên "làm tất cả những gì có thể" để chống khủng bố.
Để "lấy lòng" Pháp, Bộ Quốc phòng Nga tuần trước còn đăng tải một đoạn video ghi lại hình ảnh không quân Nga viết dòng chữ "Vì Paris" lên những quả bom chuẩn bị được ném vào lãnh địa IS tại Syria.
Quan trọng hơn, theo đánh giá của Bộ Quốc phòng Mỹ, không quân Nga đã tập trung nhiều hỏa lực hơn vào các phần tử khủng bố, thay vì công kích nhắm vào lực lượng nổi dậy ôn hòa do Mỹ tài trợ như thời điểm đầu chiến dịch.
...nhưng Ukraine vẫn "sừng sững"
Trong một bài diễn văn tuần trước tại Berlin, Victoria Nuland, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách châu Âu và Eurasia, khẳng định việc liên quân chống lại IS sẽ không thể thay đổi tầm quan trọng của công cuộc đem lại hòa bình cho Ukraine thông qua hiệp ước Minsk.
Ngoài ra, bà Nuland khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga, "chừng nào Nga còn chưa trả lại Crimea cho Ukraine."
Tương tự, EU dự kiến cũng sẽ kéo dài thời lượng lệnh trừng phạt tới tháng 6/2016, dù vấp phải phản đối của một số quốc gia thành viên. Trong đó, Hungary công khai khẳng định nước này không đồng tình với lệnh trừng phạt, tuy nhiên cho biết sẽ không ngáng đường EU.
Mặt khác, các quốc gia Trung và Đông Âu đều ủng hộ lệnh trừng phạt, cũng như cảnh báo EU đừng nên vì mục tiêu chấm dứt nội chiến Syria mà trở nên quá gần gũi với Nga.
Đặc biệt, Bộ Ngoại giao Latvia khẳng định, "cuộc chiến chống khủng bố và giải quyết xung đột tại Syria không thể diễn ra với cái giá phải trả là Ukraine".
Phía Ba Lan, một quốc gia luôn dè chừng Nga, cũng cảnh báo về sự xuất hiện của một xu thế mới trên chính trường châu Âu, trong đó bỏ qua những trách nhiệm Nga phải gánh chịu sau khi sáp nhập Crimea.
Trong khi đó, gương mặt thủ lĩnh của EU là Đức cũng không cho thấy dấu hiệu gì của việc "xuống nước" với Nga. Các nhà ngoại giao cho rằng Berlin sẽ giữ nguyên lập trường tiếp tục gây áp lực lên Nga cho đến khi Moscow thực hiện đúng vai trò của mình tại Ukraine.
Về phía Mỹ, dù đánh giá cao việc Nga tập trung hỏa lực vào các phần tử IS, nhưng Washington khẳng định rõ ràng đây chưa phải lúc để cân nhắc lại mối quan hệ với Moscow.
Tóm lại, theo Politico, chừng nào "bức tường lửa" Ukraine vẫn chưa được tháo gỡ, cái bắt tay được trông đợi giữa Mỹ và phương Tây sẽ vẫn chỉ là một viễn cảnh hết sức xa vời.