Hồi tháng 1, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ một trong những kẻ đánh bom liều chết tại biên giới và trục xuất về Bỉ. Thổ Nhĩ Kỳ cho cảnh sát Bỉ biết, Brahim Abdeslam đã bị “tẩy não” vào muốn gia nhập tổ chức IS tại Syria.
Tuy nhiên trong quá trình thẩm vấn ở Bỉ, Abdeslam đã chối bỏ mọi liên quan đến phiến quân và được thả tự do. Em trai của Brahim là Salah cũng vậy, đây là một quyết định là chính quyền Bỉ cho rằng dựa trên những bằng chứng cho thấy hai anh em này không có ý định khủng bố.
Thế nhưng đến ngày 13/11, Abdeslam đã cho nổ bom tự sát tại quán bar Le Comptoir Voltaire ở Paris khiến nhiều người bị thương. Salah cũng là một nghi phạm trong vụ tấn công và đang trên đường chạy trốn.
Tại Pháp, trong danh sách “S” những đối tượng là mối đe dọa cho an ninh quốc gia của cảnh sát, có tên của Ismali Omar Mostefai, một trong những kẻ đánh bom liều chết định xông vào rạp hát Bataclan.
Theo nguồn tin cảnh sát Pháp, Mostefai, một người Pháp gốc Algeri, đã có mặt trong danh sách trên từ năm 2010.
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ cũng coi Mostefai là một nghi phạm khủng bố có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Ankara đã cung cấp thông tin cho Paris hồi tháng 12/2014 và tháng 6 vừa qua.
Song những lời cảnh báo này không được ai chú ý tới và chỉ sau khi vụ tấn công xảy ra, Paris mới có câu trả lời.
Kẻ tấn công thứ tư cũng đã thâm nhập được vào Pháp trong vòng 4 tuần năm 2013 trước khi cảnh sát ra lệnh bắt giữ. Nhưng đến lúc đó, nghi phạm đã rời khỏi đất nước.
Trong bất kỳ trường hợp nào kể trên, cảnh sát, các lực lượng an ninh, tình báo đều có cơ hội bắt giữ ít nhất một trong số những kẻ khủng bố tiến hành tấn công liên hoàn tại Paris.
Nhưng họ đã không làm được, điều này lý giải tại sao các phiến quân IS có thể tập hợp và tự do di chuyển giữa những biên giới mở, không yêu cầu hộ chiếu ở châu Âu.
Các lực lượng an ninh lập luận rằng, mỗi lần bỏ lỡ nói trên đều có nguyên nhân của riêng nó. “Chúng tôi đang ở trong tình huống mà các lực lượng đều quá tải. Họ cho rằng sẽ có điều gì đó xảy ra nhưng không biết là ở đâu”, Nathalie Goulet, đến từ Ủy ban điều tra Thượng viện Pháp, cho biết.
Rất nhiều người cho rằng Bỉ chính là một “liên kết yếu” trong mạng lưới an ninh châu Âu. Louis Caprioli, cựu lãnh đạo cơ quan chống khủng bố Pháp, phân tích: “Bỉ không có những phương tiện hay các cơ quan đặc nhiệm, chuyên biệt như MI5 của Anh hay DGSI (cơ quan tình báo) của Pháp”.
Tập trung vào phiến quân trở về từ Syria
Trong những năm qua, các nhà điều tra gần như chỉ tập trung vào những người đàn ông và phụ nữ lớn lên ở châu Âu, có hộ chiếu châu Âu và tìm cách tới Syria để huấn luyện và chiến đấu. Khi con số chiến binh này tăng lên, giới chức khá vất vả để theo dõi lực lượng này.
Bộ Nội vụ Pháp ước tính khoảng 500 người mang quốc tịch Pháp đã tới Syria và gần 300 người đã quay lại. Giới chức Pháp liệt kê 1.400 người cần phải giám sát 24/24 nhưng nước này lại không có đủ số lượng cảnh sát để thực hiện nhiệm vụ đó.
Tại Bỉ, khoảng 350 người đã tới Syria, chiếm số lượng nhiều nhất châu Âu. Chính phủ Bỉ cho biết nước này đã có danh sách của 400 người đang sống ở Syria, đã quay trở về hoặc được cho là chuẩn bị tới đó. Ngoài ra còn có thêm 400-500 người mà các quan chức tin rằng đã bị IS “tẩy não”.
Thế nhưng số lượng người trong các lực lượng an ninh thực hiện nhiệm vụ giám sát lại còn ít hơn cả số nghi phạm nói trên.
Một trong những tên khủng bố tổ chức vụ tấn công hôm 13/11 là Abaaoud sau đó đã bị đặc nhiệm Pháp truy đuổi và tiêu diệt cùng với một kẻ đánh bom liều chết và một phụ nữ được cho là em họ của Abaaoud. Trước đó Abaaoud đã bị giới chức để ý trong nhiều năm.
Hồi tháng 2, Abaaoud nói trong một cuộc phỏng vấn trên tạp chí của IS rằng tên này đã quay trở lại Syria sau vụ tấn công ở thị trấn Verviers, Bỉ. Lúc này, Abaaoud biết mình đã rơi vào tầm ngắm của giới chức châu Âu.
Nếu việc Abaaoud đã quay trở lại Syria từ Verviers là thật thì chứng tỏ tên này đã quay lại châu Âu nhiều lần trước tháng 1. Các quan chức Pháp không hề biết gì đến hành tung của tên khủng bố cho đến khi các vụ tấn công liên hoàn xảy ra.
“Nếu Abaaoud có thể đi từ Syria tới châu Âu, đó chắc chắn là một thất bại lớn cho toàn bộ hệ thống an ninh ở lục địa văn minh này”, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius nói.
Những người đàn ông đến từ quán bar
Cảnh sát vẫn đang lùng sục nghi phạm Salah Abdeslam. 6 tháng trước khi vụ tấn công xảy ra, Salah và anh trai của mình là Brahim, điều hành một quán bar có tên Les Beguines trên một tuyến phố yên ắng ở Molenbeek, Bỉ, nơi từng xảy ra một số vụ tấn công.
Sau vụ khủng bố liên hoàn ở Paris, Salah Abdeslam đã trốn thoát thành công. Giới chức cho biết tên này đã bị chặn lại trên đường trở về Bỉ nhưng sau đó lại được thả đi. Cho đến nay vẫn chưa rõ vai trò của Salah trong đêm tấn công tại Paris và tại sao anh ta lại sống sót.
Hai người đàn ông bị bắt sau đó là Mohamed Amri, 27 tuổi và Hamza Attou, 21 tuổi, cho biết họ đã đưa Abdeslam quay trở về Brussels sau khi nhận được cuộc gọi thông báo xe của anh ta bị hỏng. Điều này có nghĩa là Abdeslam đã lọt qua tới 3 cửa kiểm soát an ninh trên đường từ Pháp về Bỉ.
Những bước bỏ lọt khủng bố đó không chỉ diễn ra ở Pháp và Bỉ.
Một cuốn hộ chiếu Syria đã được tìm thấy gần xác của một kẻ đánh bom liều chết ở sân vận động Stade de France của một người đàn ông đăng ký là người tị nạn ở đảo Leros, Hy Lạp ngày 3/10. Người đàn ông này đã đi qua Macedonia và xin tị nạn ở Serbia.
Hiện chưa rõ cuốn hộ chiếu có tên Ahmad al-Mohammad, 25 tuổi, đến từ thành phố Idlib, Syria, này là của chủ nhân đánh bom Paris hay bị đánh cắp từ một người tị nạn.
Dù sự thật là gì thì nó cũng làm dấy lên một làn sóng chỉ trích việc châu Âu mở cửa đón người nhập cư từ đầu năm đến nay.