Sai lầm thứ nhất, theo ông Cohen, là quyết định mở rộng NATO ngay sát biên giới với Nga. Phát biểu tại câu lạc bộ Thịnh vượng chung ở San Francisco, ông Cohen phân tích: “Thật vô nghĩa khi nói Putin đã vi phạm trật tự châu Âu thời hậu Chiến tranh Lạnh.
Chính Nga đã bị loại ra khỏi trật tự hậu Chiến tranh Lạnh ở châu Âu do sự bành trướng của NATO. Moscow đã bị đặt ra ngoài khu vực an ninh chung”.
Nga vẫn nói rằng: Hãy tạo thành một liên minh an ninh châu Âu giống như Gorbachev và Reagan đã đề xuất nhưng NATO lại nghĩ khác:
Đây không phải là hành động quân sự, tất cả việc này chỉ là nhằm đạt được sự dân chủ và tự do thương mại, và nó sẽ có lợi cho Nga nên Moscow đành “ngậm đắng nuốt cay” cười trừ.
Khi người Nga không còn lựa chọn nào khác trong những năm 1990 thì họ bỏ qua nhưng giờ đây Nga đã lớn mạnh hơn và có một sự lựa chọn khác thì Moscow sẽ không chịu đứng yên như vậy nữa.
Thứ hai, Mỹ từ chối đàm phán về tên lửa phòng vệ với lý do chuyện đó giờ là dự án của NATO. Ông cho rằng: “Điều này có nghĩa là việc lắp đặt hệ thống tên lửa phòng vệ dù ở trên đất liền hay trên biển giờ đây nằm trong phần mở rộng của NATO và bao quanh Nga.
Moscow cho rằng việc triển khai lá chắn tên lửa này là nhằm trả đũa khả năng hạt nhân của nước này. Nhưng Mỹ và NATO lại trả lời: “Làm gì có chuyện đó, đó là nhằm vào Iran chứ không phải Nga”.
Tuy nhiên, giáo sư Cohen giải thích, hệ thống phòng thủ tên lửa mới nhất là loại vũ khí có thể tấn công những mục tiêu của Nga. Điều này cũng vi phạm Hiệp định IMF bởi nó có thể tiêu diệt tên lửa hành trình.
“Trong khi đó, Mỹ đang thảo luận việc Nga tái phát triển tên lửa hành trình và sự thật là Moscow đã làm như vậy bởi chính Mỹ là người dấy lên cuộc chạy đua vũ trang sau nhiều năm”.
Thứ ba, xen vào công việc nội bộ của Nga trên danh nghĩa dân chủ. Ông Cohen cho hay: “Khi ông Medvedev còn là Tổng thống Nga, Phó Tổng thống Joe Biden đã tới ĐH quốc gia Moscow và nói rằng ông Putin không nên quay trở lại vị trí Tổng thống.
Sau đó, ông còn nói thẳng trước mặt của Putin. Hãy tưởng tượng rằng, ông Putin cũng tới Mỹ và đề nghị ông Rubio hay bà Clinton đừng tham gia tranh cử Tổng thống nữa thì mọi việc sẽ ra sao?”
“Dường như đã không còn giới hạn cho việc Mỹ bày tỏ thái độ với Nga nữa. Chúng ta có quyền để bình luận hay lèo lái một việc của nước khác theo ý chúng ta muốn hay không?”, ông Cohen nói.
Thứ tư, quan hệ đối tác đã mất với Nga. Ông Cohen phân tích: “Những báo cáo gần đây đều cho thấy Nhà Trắng và Chính phủ Mỹ đều nghĩ cách làm sao để chống lại các hoạt động của Nga ở Syria.
Họ lo lắng rằng Nga sẽ thế chân Mỹ trở thành lãnh đạo của thế giới. Nhưng đây mới là vấn đề: Washington sẽ không thể lãnh đạo thế giới thêm được nữa”.
Từ rất lâu trước khi diễn ra toàn cầu hóa và các cường quốc khác trỗi dậy, đã từng có thời kỳ đơn cực với Mỹ là “kẻ thống trị”. Nhưng thế giới đó đã không còn. Một thế giới đa cực đã xuất hiện, không chỉ ở Nga mà còn ở nhiều khu vực khác trên toàn cầu.
“Việc Washington cứng đầu bác bỏ sự thực này đã trở thành vấn đề và không phải là một giải pháp”, ông Cohen nói.
Chuyên gia Nga học này cũng giải thích rằng lực lượng khủng bố ngày nay đang sử dụng các loại vũ khí thông thường như bom, súng trường, đạn cối.
Nhưng nếu chúng có trong tay một cốc chất độc hóa học thì các nước sẽ đối phó ra sao. Đây mới chính là mối đe dọa thực tế nhất.
“Đây là một mối đe dọa không thể chối bỏ, hiện hữu hàng ngày và khó có thể xóa bỏ nếu chúng ta không bắt tay với Kremlin.
Tôi không quan tâm Nga có là lãnh đạo hay không nhưng chúng ta cần nhận ra những lợi ích chung của việc trở thành đối tác, giống như cách các doanh nhân tạo một bản hợp đồng.
Họ đều có một lợi ích chung và họ phải tin tưởng lẫn nhau bởi nếu một bên vi phạm hiệp định thì lợi ích của người kia cũng bị ảnh hưởng”, Cohen khẳng định.