Bóc mẽ tuyệt chiêu ăn hối lộ "cực tinh tế và... tao nhã"

Hải Võ |

Trong chiến dịch "đả hổ đập ruồi" mạnh mẽ tại Trung Quốc, báo chí đã bóc mẽ thêm một hình thức hối lộ "cực tinh tế và... tao nhã" ở nước này. Đó là thông qua các tác phẩm thư họa.

Trang Cankaoxiaoxi (thuộc Tân Hoa Xã, Trung Quốc) cho hay, kể từ đời Thanh, các "xưởng lưu ly" tại thủ đô Bắc Kinh là là nơi tập trung vô số tác phẩm thư họa cũng như các nhà buôn nghệ thuật trong và ngoài Trung Quốc.

Tờ El Mundo (Tây Ban Nha) hôm 18/4 dẫn lời một thương nhân kinh doanh xưởng lưu ly cho biết, tác phẩm thư họa của các quan chức trong đảng Cộng sản Trung Quốc xuất hiện tại đây ngày càng ít.

"Ngày trước có rất nhiều thư họa của các cán bộ bày bán, nhưng hiện giờ thì rất khó tìm thấy một bức. Theo quy định, các quan chức đương nhiệm không được phép kinh doanh tác phẩm thư họa của chính mình.

Trong khi đó, thư họa của những vị không còn chức quyền thì... không ai để ý" - thương gia này cho biết.

Nói về những tác phẩm thư họa từng một thời "bùng nổ thị trường", người này tiết lộ - "Giá thị trường không liên quan tới đẳng cấp của tác phẩm, mà phụ thuộc vào chức quyền của tác giả".

Ảnh: Nhân dân Nhật báo

Ảnh: Nhân dân Nhật báo

Góc khuất "ngành hối lộ tao nhã" ở Trung Quốc

Cankaoxiaoxi đưa tin hôm 20/4, thư pháp được nhận định là một trong những hình thức nghệ thuật "đẳng cấp nhất" của Trung Quốc. Luyện tập thư pháp cũng là việc làm thường thấy ở các quan chức Trung Quốc kể từ thời cổ.

Cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc chỉ ra, xoay quanh vấn đề rèn luyện thư pháp của quan chức nước này còn tồn tại mặt trái, đó là các giao dịch "bẩn".

Theo đó, các doanh nghiệp thường sẽ mua tác phẩm của các quan chức với giá rất cao "xuất phát từ sự hâm mộ", bởi nghệ thuật thì không ai định giá được. Hiện tượng này ngày càng lan rộng và biến tướng thành hình thức hối lộ công khai.

Mới đây, China Daily (Trung Quốc) phản ánh trường hợp một trợ lý giám đốc Phòng Tuyên truyền của tỉnh Giang Tô. Trị giá các tác phẩm của cựu cán bộ này lên tới 1,7 triệu euro.

Các nhà điều tra đã phát hiện rằng nhiều nhà đầu tư sẵn sàng chi tới 15.200 euro để mua một tác phẩm của ông nhằm "bôi trơn" các dự án.

Bài viết dẫn lại lời một chuyên gia về thư pháp, kết luận - "Học thư pháp như leo núi. Cần phải có lòng kiên nhẫn trước khi lên tới đỉnh.

Để trở thành một bậc thầy nổi tiếng ngày nay, phải nắm được hết các kỹ thuật của các bậc tiền bối trước khi phát triển phong cách riêng của mình.

Nhiều cán bộ hiện nay chỉ ở trình độ rất thấp. Các bức vẽ nguệch ngoạc của họ chẳng có giá trị gì thế nhưng được bán với giá rất cao".

Ủy viên Hiệp thương chính trị TQ
Úc Quân Kiếm
Vì sao tham nhũng thư pháp nhiều? Nói thực lòng, bản thân tôi cũng xem thường giới thư pháp. Có một số người viết nhăng viết cuội cũng trở thành hội viên thư pháp, phó hội trưởng, chủ tịch này nọ... Điều này thật mất mặt, là sự xúc phạm đối với văn tự Trung Quốc.

Một thành viên họ Hoàng thuộc Hiệp hội thư pháp Trung Quốc chỉ ra - "Tác phẩm thư họa của các quan chức gần như 'độc chiếm' thị trường nghệ thuật, thậm chí đẩy những nghệ thuật gia chân chính nhưng không quyền chức vào bước đường cùng.

Trên thực tế, giá của một tác phẩm thư họa được quyết định bởi chính... chức sắc của quan chức tạo ra nó."

Ông Hoàng cho biết, "tất cả mọi người trong giới" đều biết loại hình giao dịch này chính là hình thức "kích cầu" cho hành vi mang tên "hối lộ tao nhã", thậm chí còn hình thành cả một mô hình tham nhũng có hệ thống, "giúp" các quan không cần động tay mà vẫn hoàn thành giao dịch.

Ông này tiết lộ - "Cách làm trực tiếp nhất là bán tác phẩm của quan chức cho doanh nghiệp. Nhiều công ty mua thư họa của các quan về chẳng phải để kinh doanh, mà chỉ treo trong văn phòng để chứng minh có quan hệ với quan chức đó.

Ngoài ra, các cán bộ còn có thể bày bán thư họa 'nặc danh' tại các cuộc triển lãm nghệ thuật. Sau đó, trong quá trình mua bán, bên trung gian sẽ 'vô tình' để lộ thân phận của tác giả.

Một cách làm khác là quan chức sẽ mời những nghệ nhân thực thụ về nhà để 'đánh giá' tác phẩm của mình rồi 'khẩn thiết' xin được trao đổi tác phẩm với họ. Các quan sau đó chỉ việc đem bán thư họa của nghệ nhân với giá thị trường vượt xa tác phẩm của bản thân họ."

Cũng theo ông Hoàng, sau khi Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) lên tiếng cảnh cáo hình thức "tham nhũng thư pháp" này thì "Hiệp hội thư pháp cuối cùng cũng khôi phục được phần nào giá trị nghệ thuật của mình".

Những năm gần đây tình trạng lạm dụng tác phẩm nghệ thuật - đặc biệt là thư họa - đã trở thành một loại "sở thích biến thái". Trong chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ đập ruồi" mạnh mẽ của ông Tập Cận Bình, truyền thông nước này mới "dám" vạch trần góc tối đó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại