Liên quan đến âm mưu tấn công khủng bố vào nhà thờ Công giáo tại Pháp, báo Le Monde đưa tin nghi can Sid Ahmed Ghlam bị thương đang bị tạm giữ trong bệnh viện ở Paris.
Ngày 22-4, cảnh sát đã tìm ra chiếc xe chở súng đậu trên đường tại Aulnay-sous-Bois (tỉnh Seine-Saint-Denis thuộc ngoại ô Paris).
Vài ngày trước khi sát hại giáo viên dạy thể hình Aurélie Châtelain, 32 tuổi hôm 19-4 (chưa rõ động cơ), Sid Ahmed Ghlam nhận được chỉ thị từ Syria đến một nơi bí mật lấy chìa khóa xe rồi tìm chiếc xe nọ mở cốp lấy súng ống.
Cảnh sát hình sự Paris đã đưa chiếc xe về để tiếp tục tìm dấu vân tay, ADN và truy tìm nguồn gốc xe.
Ngày 23-4, Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve đã trò chuyện với Hồng y André Vingt-Trois, Tổng Giám mục giáo phận Paris.
Sau đó ông cho biết đã chỉ đạo thiết lập cơ chế bảo vệ các nhà thờ Công giáo và chính quyền mỗi tỉnh phải tiếp xúc với lãnh đạo tôn giáo để biết yêu cầu bảo vệ thế nào.
Đêm 22-4, Hội đồng Giám mục Pháp ra thông cáo ghi nhận còn quá sớm để tăng cường bảo vệ các nhà thờ Công giáo vì hiện nay chương trình Vigipirate của Bộ Nội vụ đã đảm nhiệm nhiệm vụ này rồi.
Thông cáo nhận xét nhà thờ phải là nơi thường xuyên mở cửa đón tiếp và nguy cơ khủng bố nhằm gieo rắc sợ hãi dù lớn đến đâu cũng không làm cho các giáo dân lùi bước.
Trong khi đó, phát biểu trong chương trình buổi sáng 23-4 trên đài phát thanh France Inter, Thủ tướng Pháp Manuel Valls khẳng định từ đầu năm đến nay đã có năm âm mưu khủng bố ở Pháp được phát hiện.
Ông nhận định: “Đe dọa khủng bố chưa bao giờ lớn như hiện nay. Chúng tôi chưa bao giờ phải đối phó với loại khủng bố như thế trong lịch sử Pháp”.
Ông nhận xét vụ tấn công tuần báo biếm Charlie Hebdo và các vụ liên quan hồi tháng 1-2015 nhắm đến cộng đồng Do Thái, còn âm mưu khủng bố lần này nhắm đến giáo dân Công giáo.
Ông cho biết kết quả phân tích dữ liệu trong máy vi tính của nghi can cho thấy nghi can có liên lạc với một đầu mối ở Syria.
Nội dung liên lạc có trao đổi cách thức khủng bố. Đầu mối ở Syria đã đề nghị nghi can lấy nhà thờ Công giáo làm mục tiêu tấn công.
Ông thông báo đến nay đã có 1.573 công dân Pháp hay người cư trú ở Pháp liên can đến khủng bố, 442 người có mặt tại Syria và 97 người đã chết ở Syria, bảy người đã chết trong các vụ đánh bom tự sát ở Syria và Iraq.
Đường dây nóng đã nhận được hơn 2.600 tin báo của công dân về các trường hợp cực đoan, trong đó có 630 tin báo được đánh giá là nghiêm trọng.
Thủ tướng Manuel Valls cảnh báo từ năm 2012,đã có 3.000-5.000 công dân châu Âu tham gia khủng bố tại Syria và đến cuối năm con số này có thể tăng đến 10.000 người. Điều này cho thấy ngoài Pháp, nhiều nước châu Âu khác cũng bị đe dọa.
Ông khẳng định với luật về thu thập thông tin (dự luật sẽ được đưa ra Quốc hội biểu quyết ngày 5-5 tới), các cơ quan tình báo có trong tay nhiều biện pháp để kiểm soát khủng bố hơn.
Ví dụ như trường hợp của nghi can Sid Ahmed Ghlam, cơ quan tình báo biết tên này định đến Syria năm 2014 nhưng không thể giám sát gần hơn vì luật không cho phép.
Tại Saudi Arabia, các biện pháp an ninh đã được củng cố tại các trung tâm thương mại.
Ở lối vào trung tâm thương mại cao cấp Kingdom Centre Mall tại thủ đô Riyadh, nhân viên bảo vệ đã khám xét túi xách và người mua hàng phải đi qua máy dò kim loại.
Hồi đầu tuần, Bộ Nội vụ đã phát cảnh báo về nguy cơ tấn công khủng bố. Mục tiêu là một trung tâm thương mại hoặc một cơ sở dầu mỏ.
178 địa điểm thờ tự Công giáo được bảo vệ đặc biệt trong 45.000 địa điểm như thế ở Pháp theo thông báo ngày 23-4 của Thủ tướng Pháp Manuel Valls.