Theo đó, ông Rathke cho biết các lệnh trừng phạt là hệ quả của việc Nga sáp nhập Crimea, nơi Mỹ vẫn coi là một phần lãnh thổ của Ukraine. Do đó, chúng vẫn sẽ có hiệu lực kể cả khi hiệp định ngừng bắn Minsk cho thấy kết quả tích cực.
Trong một diễn biến liên quan, tại Viện nghiên cứu Brookings hôm 27/5 vừa qua, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cho biết các lệnh trừng phạt sẽ có hiệu lực ít nhất là cho tới cuối năm, vì theo ông phải cần từng ấy thời gian để đánh giá hiệu quả của lệnh ngừng bắn.
Về phần mình, Moscow liên tiếp khẳng định những gì phương Tây đang làm đối với kinh tế Nga sẽ phản tác dụng.
"Các lệnh trừng phạt nhằm gây áp lực lên Nga sẽ chỉ đưa tình hình vào ngõ cụt" - Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov phát biểu.
Trước đó, nhận định về kết quả cuộc gặp mặt giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Sochi hồi đầu tháng, Chủ tịch Hội đồng Quốc tế Hạ viện Nga Alexey Pushkov cũng đồng quan điểm với ông Lavrov.
"Tôi nghĩ rằng Mỹ đã nhận ra rằng Crimea là một phần của Liên bang Nga và mọi động thái gây áp lực lên Nga về vấn đề này sẽ không đem lại hiệu quả.
Nhưng điều này cũng không có nghĩa là Mỹ sẽ thay đổi chính sách của mình về Crimea, cũng như họ sẽ không tính đến chuyện gỡ bỏ lệnh ngừng bắn" - ông Pushkov cho biết.
Nga chính thức sáp nhập Crimea vào lãnh thổ của mình vào tháng 3/2014.
Ngay sau đó, một loạt các quan chức và công ty của Nga đã trở thành nạn nhân của lệnh trừng phạt đến từ phương Tây, trong đó bao gồm lệnh cấm cấp thị thực và đóng băng tài sản.
Tiếp đó, vào cuối tháng 7/2014, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục áp đặt một loạt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga, với lý do Nga đã can thiệp vào các cuộc giao tranh tại miền đông Ukraine.
Về phần mình, Nga cương quyết phản đối cáo buộc đã "sáp nhập" Crimea, mà thay vào đó cho rằng Crimea đã tự nguyện tái hợp với Nga sau một cuộc trưng cầu dân ý.
Ngoài ra, Moscow cũng phủ nhận mọi cáo buộc từ phương Tây rằng nước này có can thiệp vào tình hình căng thẳng ở Ukraine.