Biển Đông: Nhật-Ấn lần đầu bắt tay, Bắc Kinh lọt vào "gọng kìm"

Hải Võ |

Trung Quốc bày tỏ thất vọng trước việc Nhật Bản và Ấn Độ lần đầu tiên đưa vấn đề biển Đông vào tuyên bố chung của lãnh đạo hai nước.

Trong chuyến công du Ấn Độ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 13/12 đã cùng Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi phát biểu tuyên bố chung.

Hai nhà lãnh đạo khẳng định "tuyến giao thông biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh năng lượng cũng như hòa bình thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" và kêu gọi "tất cả các nước tránh hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng".

Báo Indian Express của Ấn Độ chỉ ra, đây là lần đầu tiên Nhật-Ấn thống nhất quan điểm về vấn đề biển Đông trong tuyên bố chung. Theo tờ này, trong 2 bản tuyên bố chung giữa 2 nước hồi năm ngoái đều không đề cập đến biển Đông.

Theo Wall Street Journal (Mỹ), việc ông Modi tỏ thái độ ủng hộ ông Abe là một trong những động thái cho thấy phản ứng ngày càng cứng rắn của cộng đồng quốc tế châu Á trước hành động bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Nhật Bản Yasuhisa Kawamura thì nói rằng Trung Quốc không liên quan trong vấn đề "lợi ích quan trọng của Nhật-Ấn" và khuôn khổ hợp tác của 2 nước này "không nhằm vào nước thứ ba".

Ngoại trưởng Ấn Độ
Subrahmanyam Jaishankar
Biển Đông là một trong những mối quan tâm chung của Nhật-Ấn bởi 2 nước đều có lợi ích về năng lượng ở khu vực này. Tránh hành động đơn phương và nhanh chóng hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) là những vấn đề hết sức quan trọng.

Dù vậy, theo Đa Chiều (Mỹ), trước tuyên bố của 2 ông Abe-Modi, giới quan sát nhận đỉnh phổ biến rằng Ấn Độ đang liên kết với Nhật Bản tạo thành thế "gọng kìm" bao vây Trung Quốc.

Truyền thông Trung Quốc đánh giá mục đích lớn nhất của Shinzo Abe trong chuyến công du vừa qua là "tiếp thị" cho dự án tàu cao tốc của Nhật Bản.

Được biết, Thủ tướng Nhật đã ký kết được thỏa thuận trị giá 14.9 tỉ USD, trong đó Ấn Độ chi trả cho Tokyo ít nhất 13.7 tỉ USD. Đáng chú ý là, Nhật Bản giành được dự án lớn này sau khi đánh bại phương án từ đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Trung Quốc.

Trong khi đó, tuyên bố "hạn chế hành động đơn phương" trên biển Đông được cho là sự chỉ trích nhằm vào hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo mà Bắc Kinh tiến hành trái phép trên biển Đông.

Đa Chiều cho rằng, việc New Delhi đồng ý thể hiện quan điểm nhất trí với Tokyo trong vấn đề biển Đông cũng là động thái cho thấy Ấn Độ đang nỗ lực nhiều hơn hơn để được công nhận là một nước lớn tầm cỡ thế giới, thay vì "nước lớn trong khu vực" như hiện tại.

Tuyên bố chung với Nhật Bản, ở một mức độ nào đó, chắc chắn sẽ làm nổi bật hơn sự hiện diện của quốc gia Nam Á này ở Tây Thái Bình Dương.

Đối với New Delhi, sự hiện diện của Trung Quốc trên Ấn Độ Dương bị xem là hành động bao vây Ấn Độ và hiện thực hóa "chiến lược chuỗi ngọc trai".

Đây là chiến lược mà Bắc Kinh vẫn phủ nhận sự tồn tại của nó, nhằm gia tăng ảnh hưởng địa chính trị thông qua tiếp cận các cảng và sân bay, phát triển các quan hệ ngoại giao và hiện đại hoá quân sự từ biển Đông thông qua eo biển Malacca, qua Ấn Độ Dương, và đến vịnh Ba Tư.

Bên cạnh tình hình căng thẳng biên giới Trung-Ấn, New Delhi cũng tỏ rõ sự bất mãn trước việc Trung Quốc duy trì quan hệ tốt với Pakistan, "đối thủ truyền kiếp" của họ.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc
Hồng Lỗi
Chúng tôi hi vọng các quốc gia bên ngoài khu vực có thể tôn trọng những nỗ lực của các nước trong khu vực trong việc duy trì hòa bình và ổn định của Biển Đông, thay vì làm điều ngược lại. Về việc Nhật Bản tham gia các cuộc tập trận liên quan, quan điểm của Trung Quốc rất rõ ràng. Các quốc gia liên quan đừng nên kích động đối đầu hay tạo ra căng thẳng trong khu vực.

Đa Chiều nhận định, việc tỏ thái độ tích cực hơn trong vấn đề biển Đông không chỉ giúp Ấn Độ tạo dựng tiếng nói trên trường quốc tế mà còn là đòn trả đũa nhằm vào Bắc Kinh.

Trên thực tế, tuyên bố chung Abe-Modi không phải là văn kiện đầu tiên mà Ấn Độ lên tiếng về các vấn đề trên biển trong khu vực và thái độ của chính phủ nước này về cơ bản là nhất quán.

Hồi tháng 1/2014, khi tình hình châu Á còn căng thẳng do vụ Trung Quốc lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông vào tháng 11/2013, ông Abe cũng công du Ấn Độ và ra tuyên bố chung tương tự.

Trong đó, 2 ông nói rằng "tự do hàng hải, hàng không trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế có ý nghĩa hết sức quan trọng". Tuyên bố này được truyền thông quốc tế khi đó lý giải là phản đối việc Bắc Kinh lập ADIZ.

Ngày 30/9/2014, Thủ tướng Modi cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng khẳng định trong tuyên bố chung rằng Mỹ-Ấn "quan ngại trước tình hình biển Đông ngày càng căng thẳng, kêu gọi tránh sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực".


Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe

Chuyên gia Trung Quốc: Tuyên bố Nhật-Ấn "không có ý nghĩa thực chất"

Chuyên viên cấp cao Hứa Sâm thuộc Viện nghiên cứu hợp tác và an ninh biển Hải Nam, Trung Quốc bình luận trên Thời báo Hoàn Cầu cho rằng, tuyên bố chung của Nhật Bản và Ấn Độ "không mang ý nghĩa thực chất bởi 2 nước này không phải các bên liên quan trực tiếp ở biển Đông".

"Hành động đơn phương tạo thành căng thẳng trên biển Đông chưa từng xuất phát từ phía Trung Quốc," Hứa Sâm hùng hồn tuyên bố.

Ông Hứa nhắc lại những chỉ trích gần đây của truyền thông Trung Quốc nhằm vào Thủ tướng Nhật Abe, cho rằng nhà lãnh đạo Nhật Bản đang tìm cách lôi kéo các quốc gia khác nhằm cân bằng sức mạnh với Bắc Kinh.

"Đối với Ấn Độ mà nói, việc ra tuyên bố chung theo kiểu 'chọn bên' cùng Nhật trong vấn đề biển Đông là sự lựa chọn không sáng suốt," Hứa nói.

Trang ABP của Ấn Độ hôm 13 nhận định, các cuộc đàm phán về dự án tàu cao tốc hay năng lượng hạt nhân cho thấy mọi mối quan hệ hợp tác giữa Tokyo và New Delhi đều không giới hạn ở "hợp tác đơn thuần" mà có liên quan tới Trung Quốc.

Tờ này gọi Trung Quốc ở thời điểm hiện tại là vấn đề lớn đối với cả Nhật lẫn Ấn Độ mà song phương từ trước đến nay vẫn chưa nhìn nhận đúng.

Đối với Tokyo, Bắc Kinh hiện "là mối đe dọa lớn nhất và duy nhất. Còn New Delhi dù không đối địch mạnh với Trung Quốc nhưng luôn tin rằng nước này là nguy cơ tiềm ẩn về an ninh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại